Luận tội “theo logic” chứ không có chứng cứ
Cáo trạng cáo buộc ông Phùng Thạch Đông (SN 1967, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) gây thương tích 11% cho Xã đội trưởng xã Sông Lũy Ngô Minh Hoàng (SN 1983) như sau:
Khoảng 10h30 ngày 26/4/2019, ông Hoàng cùng hai cán bộ xã đi kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép, phát hiện xe chở đất sỏi nhưng không xuất trình được giấy tờ nên yêu cầu cho xe về trụ sở để làm việc. Tài xế không hợp tác, ông Hoàng được lệnh của Chủ tịch xã qua điện thoại yêu cầu tháo biển số xe mang về.
Nghe tin xe bị tháo biển số, ông Đông và vợ con đi vào hiện trường. Trên đường đi thì gặp nhóm anh Hoàng đang về. Hai bên dừng lại, thì xảy ra sự việc gây thương tích cho anh Hoàng. Từ đó ông Đông bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là “với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”. Phiên sơ thẩm hồi tháng 5/2020, ông Đông bị TAND huyện Bắc Bình tuyên phạt 30 tháng tù và bồi thường cho bị hại hơn 30 triệu.
Tại phiên phúc thẩm vừa diễn ra, ông Đông tiếp tục kêu oan, nói khi phát hiện nhóm ông Hoàng đang cầm biển số xe thì có hai người mặc thường phục, một người mặc áo xanh. Bực tức vì xe bị tháo biển số trái quy định, ông Đông lớn tiếng và ném chai nước suối vào mặt ông Hoàng. Ông Đông phủ nhận việc dùng vật sắc nhọn gây thương tích cho ông Hoàng.
Còn ông Hoàng khai bị vật sắc nhọn đâm. Khi được hỏi tại sao có lời khai mâu thuẫn, trước khi có kết luận giám định thì khai bị đâm bằng dao bấm, sau lại khai là vật sắc nhọn, ông Hoàng nói: “Lúc đầu do tinh thần hoang mang, khai chưa đúng. Tôi có khai là con dao bấm thì Điều tra viên hỏi “có thấy cái cán không”. Tôi nói “không”, thì được nói như vậy chỉ là vật sắc nhọn. Tôi chỉ biết đó là vật sắc nhọn, màu trắng chứ không biết vật gì, làm bằng gì”.
Các lời khai mâu thuẫn trước đó như tư thế cầm dao, vị trí đứng của ông Đông, ông Hoàng đều nói do tinh thần chưa ổn nên khai không đúng, sau đó khai đúng và “lời khai tại tòa là chính xác nhất”.
Khi được hỏi về thẩm quyền tháo biển số xe, ông Hoàng nói: “Tôi là người thực hiện mệnh lệnh. Còn đúng hay sai thì Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm với mệnh lệnh đó”.
Đại diện VKS cho rằng “dù không xác định được hung khí nhưng ông Đông có mặt tại hiện trường, có áp sát, tác động vào ông Hoàng. Bị hại được chở đến trạm xá và lúc đó có vết thương trên mặt. Từ đó, theo logic thì vết thương trên mặt bị hại là do bị cáo gây ra. Kết luận giám định vết thương do vật sắc nhọn gây ra nên cáo buộc của cơ quan điều tra và án sơ thẩm là chính xác”. VKS đề nghị y án sơ thẩm.
Ông Đông phản bác: “Những lời buộc tội của VKS là không có cơ sở, chứng cứ”.
Không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo
LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) bào chữa cho ông Đông, cho biết: “Tỷ lệ thương tích 11% là không đúng. Theo các quy định về giám định thương tích thì vết thương của bị hại không được tính là ảnh hưởng thẩm mỹ. Đến nay, sẹo rất mờ, không còn vết tích. Về tình tiết tăng nặng “côn đồ”. Ở đây, bị hại là người thi hành công vụ, phải biết rõ mệnh lệnh của Chủ tịch xã về tháo biển số xe là trái luật. Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ về cách xử lý, xử phạt với tất cả hành vi. Từ hành vi trái luật đó khiến bị cáo bức xúc nên không thể nói bị cáo “côn đồ” được”.
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân thì lập luận: “Từ khi có kết luận giám định, bị hại khai hoàn toàn khác. Nhất là vật sắc nhọn, đây là từ ngữ chuyên môn. Có thể nghi ngờ có ai đó đã hướng dẫn cách khai. Mà càng khai thì càng mâu thuẫn. Thậm chí, khi thực nghiệm hiện trường bị hại, nhân chứng còn được đại diện VKS đưa ra trước đó một ngày”.
Về phía LS Nguyễn Văn Dũ, nêu ra 6 điểm bất hợp lý trong vụ án yêu cầu VKS đối đáp.
Đại diện VKS cho rằng “đã đánh giá, hệ thống toàn bộ chứng cứ và chỉ có cơ quan tố tụng mới được phép đánh giá chứng cứ đúng hay sai. Những vấn đề mà các luật sư nêu ra không mới so với phiên sơ thẩm nên chỉ tranh luận lại về hung khí và thương tích. Còn vi phạm tố tụng, những mâu thuẫn trong lời khai đã được xét xử ở cấp sơ thẩm”.
LS Quân phản ứng: “VKS nói chỉ có cơ quan tố tụng mới được đánh giá chứng cứ là sai nghiêm trọng, vậy LS ngồi ở đây làm gì? Tôi thấy VKS không tranh luận với chúng tôi về những vấn đề trong hồ sơ vụ án cả về nội dung lẫn tố tụng”.
Dù vụ án còn nhiều vấn đề chưa rõ, HĐXX vẫn đưa ra nhận định “ông Đông có hành vi dùng vũ lực áp sát, tác động vào người bị hại gây ra thương tích. Kết luận pháp y kết luận vết thương trên người bị hại là do vật sắc nhọn gây ra. Dù không xác định được hung khí là vật gì, không thu giữ được. Từ các cơ sở đó thì xác định ông Đông là người dùng vật sắc nhọn gây ra thương tích cho bị hại”.
Vẫn theo tòa “nạn nhân thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch xã giao nên được xem là người thi hành công vụ. Án sơ thẩm xác định ông Đông phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc lý do công vụ là đúng”.
Theo HĐXX, án sơ thẩm là phù hợp nên không có cơ sở để xem xét kháng cáo kêu oan, không có cơ sở để chấp nhận lời bào chữa của các luật sư. Tòa y án 30 tháng tù và bồi thường hơn 30 triệu.
Sau phiên xử, LS Quân nhận định: “Lý luận kiểu đó là không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, có lợi cho bị cáo. VKS và HĐXX có chung quan điểm rằng ông Đông và bị hại có gặp nhau, có xảy ra tác động. Sau đó, bị hại có vết thương trên mặt và giám định nói vết thương đó là do vật sắc nhọn gây ra nên suy ra ông Đông dùng vật sắc nhọn để đâm bị hại. Mặc dù không biết vật sắc nhọn đó là vật gì”.
Gia đình ông Đông cho biết sẽ làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.