“Bệnh nhân số 17”
Những ngày qua, dư luận bức xúc với việc bà Nguyễn Hồng Nhung (SN 1993, ngụ Hà Nội) khai báo không trung thực khi đi từ châu Âu về Việt Nam vào rạng sáng ngày 2/3. Từ khi bà Nhung bị phát hiện dương tính với Covid-19, Việt Nam phát hiện thêm nhiều ca nhiễm bệnh lây lan trực tiếp từ bà Nhung hoặc đi cùng chuyến bay với bà Nhung về Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 15/2, bà Nhung xuất cảnh tại sân bay Nội Bài sang thăm người thân tại London (Anh). Ngày 18/2, bà Nhung từ London sang Milan, tỉnh Lombardy (Ý) du lịch. Tỉnh này khi đó chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát.
Đến ngày 20/2, bà Nhung quay trở lại London. Năm ngày sau, bà Nhung từ London sang Paris (Pháp) du lịch một ngày và gặp chị gái (hiện có thông tin chị gái bà Nhung cũng nhiễm Covid-19). Ngày 26/2, bà Nhung quay lại London.
Ngày 29/2, bà Nhung có biểu hiện ho nhưng không đi khám. Ngày 1/3 đau mỏi người không rõ, sốt, nhưng bà Nhung không tiến hành khám bệnh dù có biểu hiện giống với bệnh Covid-19. Ngày 1/3, bà Nhung đáp chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines về nước. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng 2/3, lúc này bà Nhung không sốt.
Sau khi nhập cảnh, bà Nhung được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà ở số 125 Trúc Bạch. Theo khai báo, bà Nhung có đeo khẩu trang trong suốt quá trình từ sân bay Nội Bài về nhà riêng.
Từ khi về nước đến khi nhập viện, bà Nhung cho là tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình. Trong thời gian này, có 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân là bố, mẹ, bác họ, 2 người giúp việc, 2 người tạp vụ và lái xe riêng.
Bà Nhung bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ ngày 2/3. Ngày 5/3, bà Nhung sốt liên tục (38 độ C) kèm theo ho nhiều, có đờm, mệt mỏi. Đi khám ở Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, quận Ba Đình, bà được chẩn đoán viêm phổi. Do có tiền sử đi từ nước ngoài về, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để theo đõi điều trị. Bà Nhung được làm xét nghiệm, kết quả dương tính với Covid-19.
Sau khi sự việc xảy ra, trên mạng xã hội, nhiều ý kiến gay gắt “lên án” việc bà Nhung che giấu bệnh, khiến dịch bùng phát và gây lây lan cho lái xe riêng và người giúp việc của gia đình. Thực tế cho đến ngày hôm qua, liên quan đến chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam rạng sáng ngày 2/3 đến nay đã ghi nhận 12 ca mắc, trong đó có cả những người ngồi ở hàng ghế thương gia cùng khoang với bà Nhung, có những bệnh nhân ngồi ở khoang thường.
Có dấu hiệu phạm tội hình sự?
Hành vi của bà Nhung vi phạm như thế nào và bị xử lý ra sao? PLVN ghi nhận ý kiến của các chuyên gia pháp lý về vấn đề này.
Luật sư (LS) Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM) nói: “Về hành vi của bà Nhung, có dấu hiệu về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) là “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm nếu từ cá nhân đó gây ra việc dẫn đến phải công bố dịch (thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế); làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 đến 12 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên”.
“Tuy nhiên, để chứng minh tội phạm thì rất khó. Nếu gia đình bà Nhung bên Anh có người bị nhiễm bệnh là chị gái, bà Nhung biết rõ điều này và có tiếp xúc nhưng khi về Việt Nam không khai báo; hoặc bà Nhung đã đi khám, đã biết bị nhiễm bệnh nhưng không thực hiện việc chữa bệnh mà đi ra ngoài gây ra lây bệnh cho người khác thì khả năng bị khởi tố rất cao. Tại sao tôi nói khó khởi tố, khó chứng minh tội phạm đối với bà Nhung? Vì đây là tội danh liên quan đến ý thức chủ quan, tức lỗi cố ý”.
LS Trí nói: “Ví dụ trường hợp một người đàn ông ở Nhật Bản. Ông này biết rõ mình bị bệnh nhưng cố tình đi bar để lây lan cho người khác. Ông này nếu ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị khởi tố”.
Về xử phạt hành chính, trường hợp thời điểm ngày 2/3, ngày mà bà Nhung nhập cảnh thì cần xác định vùng Milan, tỉnh Lombardy (Ý) đã được công bố là vùng có dịch bùng phát hay chưa? Nếu đã công bố nhưng bà Nhung nhập cảnh mà không khai báo là có đủ căn cứ để xử lý hành chính.
Theo LS Trí, thực tế chưa có văn bản cụ thể về biện pháp xử lý nếu người dân không khai báo đã đi những vùng nào. “Do đó, theo tôi, sắp tới cần được kiện toàn bằng một Nghị định khác hướng dẫn, quy định và nêu rõ trách nhiệm hoặc biện pháp xử lý, xử phạt. Tôi thấy những dấu hiệu về mặt hình sự, hành chính đối với bà Nhung là có nhưng để xử lý, chứng minh được thì khó. Áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho đương sự thì phải áp dụng theo hướng vô tội”.
LS Phạm Hoài Nam (Đoàn LS TP HCM) đồng ý với ý kiến của LS Trí. “Về tội danh quy định ở Điều 240 BLHS, lỗi cố ý là yếu tố quyết định để xử lý. Từ khi có điều luật đến nay thì chưa được áp dụng vào thực tiễn, chưa ai bị xử lý”.
“Tôi thấy rằng, hành vi của bà Nhung chỉ vi phạm việc không khai báo khi đi từ vùng có dịch bệnh về. Cả về mặt hình sự và dân sự, tôi thấy quy định khá chung chung. Tôi cho rằng sắp tới, cần phải có hướng dẫn cụ thể, hoàn thiện những bất cập để có chế tài về sau”, LS Nam nói.
Còn theo LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM): “Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý.
Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Việc không khai báo để trốn tránh việc cách ly thì cần áp dụng Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng”.