[links()]Hôn nhân đồng tính vẫn là vấn đề hết sức nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam. Pháp luật Việt Nam ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, sau khi đăng tải các bài viết liên quan đến việc sửa luật Hôn nhân gia đình năm 2000.
Bà Trịnh Thị Lê Trâm – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Ủy viên BCH Hội Luật gia VN, GĐ Trung tâm tư vấn PL và CS về y tế, HIV/AIDS: Trước mắt, nên xem xét thừa nhận để cho phép sống chung
|
Xét ở góc độ y tế, đồng tính là một hướng tình dục hay có thể gọi là quyền tình dục. Đây cũng chính là một khía cạnh của quyền con người. Thế nên trước mắt, chúng ta nên xem xét thừa nhận để cho phép họ sống chung nhưng chuyện kết hôn như nam, nữ và các quyền liên quan sau hôn thú thì còn phải cân nhắc.
Học tập quốc tế là một chuyện, ở nước ta cần phải dựa vào phong tục tập quán, quan hệ nòi giống, tài sản… Phải cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, phải qua nhiều cuộc hội thảo nữa mới có thể quyết định.
Bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Trưởng Ban chính sách luật pháp - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Cần phải xem xét lại thuật ngữ kết hôn
|
Cần phải xem xét lại thuật ngữ kết hôn để quyết định việc nên hay không cho phép hôn nhân đồng giới. Kết hôn là sự kết hợp giữa nam và nữ để giải quyết nhu cầu sinh lý và nòi giống, đó là hôn nhân dị tính.
Việc cho phép hôn nhân đồng tính sẽ ảnh hưởng đến 22 triệu hộ gia đình Việt Nam. Bản thân tôi thấy không nên thay đổi luật.
Ông Lê Quang Bình –Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường: Xã hội thay đổi, luật pháp cũng nên thay đổi
|
Cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam rất đa dạng như một xã hội thu nhỏ. Tuy nhiên, do còn nhiều định kiến và kỳ thị nên người đồng tính đang gặp phải trở ngại trong cuộc sống và quyền con người của họ bị vi phạm. Vì vậy, việc sửa đổi Luật HN&GĐ cần xem xét và hợp pháp hóa quan hệ đồng giới.
Đây sẽ là bước tiến lớn nhằm giải quyết các hậu quả pháp lý, hậu quả xã hội vào bảo vệ quyền lợi bình đẳng cho người đồng tính ở Việt Nam. Hãy nghĩ tới trường hợp trước đây chuyện chửa hoang cũng đi ngược lại thuần phong mỹ tục người Việt, thế rồi luật cũng cho phép làm mẹ đơn thân.
Vậy tại sao không công nhận hôn nhân đồng tính, xã hội thay đổi thì phải luật pháp cũng nên thay đổi. Quá trình lấy ý kiến về luật hóa hôn nhân đồng tính cần lấy ý kiến từ chính những người đồng tính.
Ông Nicholas Booth – cố vấn chính sách Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP): Không phân biệt đối xử với người đồng tính
Điều quan trọng không chỉ ở quyền sống chung mà hơn hết là người đồng tính có quyền tạo dựng cuộc sống không phải như hai cá thể sống cùng với nhau mà là tình yêu. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng quyền được yêu của người đồng tính theo như quy định của luật hôn nhân và gia đình chứ không đơn giản là sống với nhau.
Ở Việt Nam có thể là quá sớm nhưng chúng tôi khích lệ và ủng hộ Bộ Tư pháp trong lần sửa đổi này để tạo môi trường cho người đồng tính bảo đảm cuộc sống chung giữa họ.
Xuân Hoa (ghi)