Kết nối tiêu thụ nông sản: 70% hợp tác xã chưa liên kết với doanh nghiệp

(PLVN) -  Với vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, song đến nay có khoảng 70% hợp tác xã vẫn chưa liên kết với doanh nghiệp, chưa làm tốt vai trò cầu nối tiêu thụ nông sản.
Để có cánh đồng mẫu lớn trồng cỏ cho chăn nuôi bò sữa, TH đã liên kết với người nông dân thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới…

Bài ca “được mùa, mất giá”

Tại Diễn đàn "Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX)" mới đây, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, cả nước hiện có trên 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. “Khu vực HTX đang thu hút thu hút 3,2 triệu hộ nông dân, chính vì vậy đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra…”, ông Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết, đến nay có khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với DN, chưa làm được vai trò cầu nối giữa nông dân với DN, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế. Điều này khiến vấn đề tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp khó khăn.

Ông Dương Thái Trung - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong đó, tiêu thụ hàng nông sản liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh...

Nguyên nhân được chỉ ra là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ. Nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…

Làm sao để sản xuất theo tín hiệu thị trường?

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), vấn đề mấu chốt hiện nay là cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại, tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, DN khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường….

“Trước khi nói đến xuất khẩu, sản phẩm của HTX phải chinh phục được thị trường nội địa. HTX cần chú trọng đến câu chuyện thị hiếu khách hàng. Ngoài ra, các HTX cũng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành để sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, có định hướng rõ ràng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu…”, ông Toản lưu ý.

Trong khi đó, đại diện nhiều HTX cho rằng, việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp các HTX, DN ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng việc này hiện đang gặp khó khăn. Bản thân các HTX rất mong muốn được liên kết với DN, siêu thị… Tuy nhiên, khó khăn về giấy tờ, cách thức kết nối với các DN khiến đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc thu mua Big C/GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho rằng, vấn đề đặt ra lâu nay là HTX thường bán những cái có sẵn, nhưng chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù.

“Có những HTX giới thiệu 15 - 20 mã hàng tất cả các mã không có gì đặc thù. Do đó, HTX cần phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp. Chẳng hạn như hàng loại một đưa vào siêu thị, HTX cần phải làm gì, bao gói ra sao, có phục vụ cả online hoặc offline... Nếu đáp ứng được những điều trên, siêu thị chắc chắn hợp tác lâu dài với HTX”, bà Phương khẳng định.

Từ kinh nghiệm của mình, đại diện TH cho hay, mỗi khi thực hiện một dự án nông nghiệp để đảm bảo về nguồn nguyên liệu đầu vào cho dự án, TH sẽ tiến hành liên doanh, liên kết với người nông dân thông qua mô hình HTX kiểu mới. TH có thể góp vốn và cử người tham gia trực tiếp vào bộ máy quản lý của HTX hoặc tham gia với tư cách đơn vị tư vấn về quản lý, tài chính, vận hành của HTX để giúp HTX vận hành thông suốt, hiệu quả, lâu dài, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng nguyên liệu đầu vào mà các nhà máy chế biến của TH đưa ra.

Với cách làm như vậy, TH đã thành lập và vận hành thành công, có hiệu quả một số mô hình HTX nông nghiệp. Cách làm này cũng giải quyết vấn đề vướng mắc hiện nay, đó là đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của các nông hộ, còn HTX thì tập hợp được quỹ đất đủ lớn để sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, có như vậy mới đảm bảo việc cung cấp đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến…

Đọc thêm