Theo số liệu của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, tỉnh ta có khoảng 40 nghìn lao động có nhu cầu học nghề. Bên cạnh đó, chất lượng lao động lại rất hạn chế, chỉ có 30% tổng số lao động qua đào tạo nghề. Trong khi đó 2.070/3.300 doanh nghiệp được điều tra trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng 62 nghìn lao động đã qua đào tạo nghề.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tỉnh ta đã tiến hành hoàn thành xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” căn cứ trên điều kiện thực tế về chất lượng lao động của tỉnh. Mục tiêu của đề án là giai đoạn 2010-2015 sẽ dạy nghề cho 130 nghìn lao động nông thôn, tổng quy mô tuyển sinh, dạy nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đạt 37 nghìn người/năm. Giai đoạn 2016-2020, dạy nghề cho 150 nghìn người, tổng quy mô tuyển sinh dạy nghề đạt 40 nghìn người/năm; đến năm 2020 đạt mức tỷ lệ lao động được đào tạo nghề là 50% tổng số lao động của tỉnh. Là tỉnh được Chính phủ chọn là 1 trong 11 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, báo cáo kết quả thực hiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vào thời điểm cuối tháng 11 đầu tháng 12-2010 cho thấy các nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra trong năm đầu thực hiện đề án đều cơ bản hoàn thành. Theo nội dung đề ra của đề án, tỉnh ta đã tổ chức được 7 lớp dạy nghề thí điểm theo mô hình cho 250 lao động. Đến nay đã có 5/7 lớp với 180 lao động đã hoàn thành khoá học và các lao động trên đều làm đúng nghề đã học với thu nhập bình quân từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Căn cứ theo nhu cầu điều tra và đăng ký học nghề, toàn tỉnh đã có 22 cơ sở tổ chức 126 lớp đào tạo nghề cho 3.375 lao động nông thôn với 16 nghề, trong đó nghề may công nghiệp có tới 1.249 người theo học. Đến đầu tháng 12, đã có gần 20 lớp hoàn thành nội dung đào tạo và các học viên đều có việc làm và thu nhập ổn định sau khoá học. Ngoài số lượng đào tạo trên, cũng trong năm 2010 tỉnh ta còn tiếp nhận chương trình đào tạo nghề cho lao động tại các xã thí điểm mô hình nông thôn mới. Ngày 16-10, xã Hải Đường (Hải Hậu) đã tổ chức khai giảng tập trung 10 lớp dạy nghề cho 310 lao động trong xã. Đến cuối tháng 10, cả 10 xã thí điểm mô hình nông thôn mới của tỉnh đã tổ chức dạy nghề. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng nâng cao điều kiện, trang thiết bị đào tạo nghề của các xã cũng được triển khai để đủ năng lực đáp ứng nhu cầu về đào tạo nghề những năm tiếp theo.
|
Lớp dạy nghề cơ khí theo Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) tại Trường Cao đẳng nghề Nam Định. |
Theo đánh giá ban đầu của Ban chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Nam Định”, tỉnh ta đã đạt yêu cầu về số lượng, tiến độ đào tạo, được Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ghi nhận là triển khai đề án nghiêm túc và là một trong số các tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ có việc làm và thu nhập khá, ổn định sau học nghề. Các địa phương đều dựa trên điều kiện thực tế địa bàn và đặc điểm lao động để chọn nghề dạy, đồng thời đóng vai trò khâu nối để giới thiệu, tạo việc làm ngay sau khi học nghề cho người lao động nên hiệu quả học nghề được thể hiện rõ nét. Điển hình là huyện Hải Hậu đã có cơ chế về vay vốn tạo việc làm, đồng thời tạo thu nhập cho người lao động ngay trong thời gian học nghề. Nhiều địa phương, đơn vị dạy nghề chủ động biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình để người lao động được học nghề dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời bố trí thời gian học hợp lý để học viên không bị ảnh hưởng vì mùa vụ, công việc. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tiễn triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại. Công tác điều tra nhu cầu học nghề được xác định là cơ sở căn bản, quan trọng để từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo nghề chưa được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình triển khai còn khó khăn vì kinh phí hạn chế, lực lượng điều tra còn mỏng. Sự phối hợp giữa đơn vị tuyển sinh (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) với cơ sở dạy nghề có nơi không đồng bộ dẫn đến không mở được lớp như ở Nam Trực. Về cơ chế chính sách, do là năm đầu thực hiện thí điểm nên trong quá trình triển khai chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, vì vậy tỉnh ta phải vận dụng chính sách cũ để thực hiện. Kinh phí về dạy nghề cũng như đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng đào tạo nghề. Lực lượng thực hiện đề án còn mỏng về số lượng, khó có thể giám sát toàn bộ các nội dung, nhiệm vụ công tác... Năm 2011, theo kế hoạch của đề án, số lượng lao động nông thôn được dạy nghề của tỉnh ta sẽ là 13 nghìn người, gấp gần 4 lần so với năm 2010. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, những bất cập trên cần phải sớm được khắc phục./.
Bài và ảnh: Hoàng Long