|
Trường Hải Hậu C, thị trấn Cồn (Hải Hậu) xây dựng thư viện, phòng đọc sách, báo điện tử tạo điều kiện cho giáo viên cập nhật thông tin kịp thời.
Ảnh: Đức Đạt
|
Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng dụng CNTT, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT cũng được tăng cường. Bên cạnh một số lượng lớn cán bộ công chức (CBCC) đã được đào tạo kiến thức sử dụng CNTT theo Đề án 112/CP của Chính phủ, hàng trăm lượt CBCC được đào tạo chương trình tin học cơ bản bằng nguồn chi thường xuyên của đơn vị hoặc tự túc. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trung tâm CNTT trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc đào tạo tin học ở nhiều trình độ khác nhau. Việc giảng dạy tin học còn được các trường THCS đưa vào chương trình đào tạo, giúp học sinh làm quen và bước đầu biết sử dụng máy vi tính. Theo thống kê sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông, tại khối các cơ quan Nhà nước có 120 CBCC có trình độ tin học từ cao đẳng trở lên, 1.650 CBCC có chứng chỉ tin học trình độ A trở lên, 50% CBCC thường xuyên truy nhập, khai thác sử dụng Internet, 20% CBCC có hộp thư điện tử, 32 cán bộ làm quản trị mạng tại các sở, ngành, đơn vị, 22 đơn vị có cán bộ chuyên trách trực tiếp phụ trách CNTT. Trong khối doanh nghiệp, hộ gia đình nhiều người đã sử dụng được máy tính ở các mức độ khác nhau và thực hiện ứng dụng những tiện ích trong công việc cũng như trong sinh hoạt. Trong những năm qua, các cấp chính quyền, các đơn vị còn nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng CNTT. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông đã chủ động phát triển mạng viễn thông, Internet theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, mạng viễn thông có độ phủ sóng tương đối tốt, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Mạng truyền dẫn quang đã phát triển đến tất cả các huyện và đang đẩy mạnh phát triển đến các xã. Thị trường viễn thông nhờ sự tham gia cung cấp của nhiều doanh nghiệp, nên đã có sự cạnh tranh và ngày càng nâng cao chất lượng các dịch vụ, đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Các cấp chính quyền đã quan tâm triển khai thực hiện các đề án quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT như: Đề án 112, Đề án 47, Đề án 06, nhờ đó đã trang bị đáng kể được hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tại trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, giai đoạn 2001-2010 đã trang bị đầy đủ các thiết bị, hạ tầng kỹ thuật như máy chủ truy cập, máy chủ web, máy chủ Mail... Hạ tầng CNTT trong các cơ quan Đảng đã trang bị 308/498 cán bộ, đã thực hiện kết nối mạng 10/10 huyện, thành uỷ, các Ban Đảng của Tỉnh uỷ, cơ quan Báo Nam Định, Trường Chính trị Trường Chinh. Tổng số có 17 mạng LAN, gồm 10 huyện, thành uỷ, 1 mạng khu vực làm việc của Văn phòng Tỉnh uỷ và 4 mạng của các Ban Đảng, 2 mạng của Đảng uỷ Khối. Các đảng uỷ khối trực thuộc được trang bị từ 3 đến 4 máy tính, 2 máy in. Các Ban Đảng của Tỉnh uỷ được trang bị 4-6 máy trạm và 1-2 máy in. Mỗi huyện, thành uỷ được trang bị 1 máy chủ truyền thông, 2 máy chủ dữ liệu, 9 máy trạm, 2 máy in, 1 máy quét... Trong khối cơ quan quản lý Nhà nước, đã trang bị cho Văn phòng UBND tỉnh 65 máy vi tính, 12 máy in. Tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được trang bị 822 máy tính, 40 máy chủ, 706 nút mạng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tự trang bị thêm hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng LAN. Hầu như tất cả các sở đều đang sử dụng đường truyền ADSL dung lượng trên 2 Mbps, địa chỉ IP động, một số sở đã sử dụng đường truyền cáp quang. Trong khối doanh nghiệp thì các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài đều sử dụng máy vi tính và sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao với dung lượng trên 2 Mbps. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống mạng nội bộ quy mô lớn, còn lại chủ yếu là hệ thống mạng nhỏ lẻ 5-10 máy và kết nối sử dụng mạng ngang hàng. Trong một số lĩnh vực khác như đào tạo, y tế và các vấn đề xã hội cũng đã bước đầu được quan tâm đầu tư 100% các trường THPT và một số trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THCS đã được trang bị máy tính và kết nối Internet. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế cấp tỉnh, huyện đã được trang bị máy tính... Trước sự đồng tâm nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các cấp chính quyền, các đơn vị, tỉnh ta bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo Tiến sỹ Vũ Trọng Quế, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành có xu hướng được nhân rộng trong thời gian qua. Tại khối cơ quan Đảng, đã thống nhất áp dụng hệ thống điều hành tác nghiệp với các chương trình dùng chung như: thư điện tử, gửi nhận công văn, quản lý văn bản... từ Tỉnh uỷ đến huyện. Đã triển khai ứng dụng 3 phần mềm tài chính Đảng là kế toán Đảng, kiểm kê tài sản cố định và thu nộp Đảng phí tại hầu hết các cơ quan Đảng. 16 đầu mối các huyện, thành uỷ, các Ban Đảng trực thuộc Tỉnh uỷ đã triển khai đồng bộ chương trình quản lý cơ sở dữ liệu, hồ sơ đảng viên. Hầu hết cán bộ, chuyên viên Văn phòng Tỉnh uỷ, các Ban Đảng đều sử dụng tương đối thành thạo máy tính phục vụ công tác và đưa việc gửi nhận văn bản qua mạng giữa các đơn vị đi vào nền nếp. Trong khối cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị đã xây dựng và triển khai nhiều cơ sở dữ liệu, trong đó có những cơ sở dữ liệu mang tính chuyên ngành như chương trình phần mềm của các Sở: Giáo dục - Đào tạo, Nội vụ, Tài nguyên - Môi trường, Y tế... đã sử dụng phần mềm phục vụ nghiệp vụ, thực hiện hiệu quả việc truyền nhận thông tin đa chiều, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, phục vụ hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành trong các đơn vị. Nhiều đơn vị còn xây dựng website, giới thiệu cơ cấu, tổ chức, các thông tin hoạt động, các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý Nhà nước, hướng dẫn thủ tục, giải đáp thắc mắc của ngành mình. Tỉnh còn xây dựng cổng thông tin điện tử, cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật, giới thiệu các thông tin văn hoá, lịch sử, các hoạt động điều hành kinh tế xã hội và ý kiến của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Tại khối các doanh nghiệp, chủ yếu sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản, thống kê, kế toán và thư điện tử. Một số doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài còn sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự, xây dựng kế hoạch sản xuất, bán hàng, quản lý kho hàng, kế toán tài vụ. Các doanh nghiệp đã kết nối Internet để truyền dữ liệu tìm kiếm thông tin, một số doanh nghiệp còn xây dựng website để quảng bá về doanh nghiệp. Đối với người dân, mật độ sử dụng Internet đã tăng lên nhanh chóng và sử dụng đa dạng các dịch vụ như: Internet không dây, điện thoại Internet, Internet tốc độ cao ADSL...
Thời gian tới, để đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT, tỉnh ta cần tập trung khắc phục những tồn tại như: thiếu nguồn nhân lực ứng dụng và phát triển CNTT chất lượng cao; sự phân bổ nguồn ngân sách chưa hợp lý giữa khối cơ quan Đảng, Nhà nước với các khối ngành, đơn vị khác; việc ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn ít. Chúng ta cần nắm bắt cơ hội, tập trung phối hợp vượt qua thử thách thực hiện gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT theo hướng đồng bộ, bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường quản lý Nhà nước về CNTT và Internet...