Trong 3 ngày, từ ngày 13/7 đến ngày 15/7/2010, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã nghe các báo cáo, tờ trình, đề án của UBND tỉnh, gồm:
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2010 và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2010. Trình Tờ trình về việc thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2010;
Báo cáo về việc giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khoá XI;
Báo cáo và trình Tờ trình đề nghị thông qua quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh Thái Nguyên năm 2009;
Tờ trình qui định về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách tỉnh Thái Nguyên thực hiện từ năm 2011 - 2015;
Tờ trình qui định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Thái Nguyên từ năm 2011 - 2015;
Tờ trình về quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
Tờ trình về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Trưởng ban công tác mặt trận, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và Cộng tác viên làm công tác Dân số - Gia đình - Trẻ em ở xóm và tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tờ trình về việc thành lập Phòng Dân tộc và đổi tên Phòng Công thương thành Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện;
Tờ trình đề nghị bổ sung biên chế sự nghiệp và số lượng hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP năm 2010 của tỉnh Thái Nguyên;
Tờ trình thông qua đề án đề nghị công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Tờ trình thông qua đề án đề nghị công nhận thị xã Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
|
Về thông báo của MTTQ và báo cáo của các cơ quan tư pháp, HĐND tỉnh đã nghe:
UBMTTQVN tỉnh Thái Nguyên Thông báo về MTTQ tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2010;
Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo về công tác xét xử và thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 của ngành Toà án tỉnh Thái Nguyên;
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo về công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 của ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên;
Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri;
Các Ban HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát và thẩm tra các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm 2010: Các đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các địa phương và những kết quả đã đạt được (tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,4%;
giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 5.374 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch, tăng 15,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách ước đạt 1.000 tỷ đồng, bằng 65,9% dự toán, tăng 49,25% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt ước đạt hơn 200.000 tấn, bằng 51% kế hoạch, tăng 4,15% so với cùng kỳ; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; giáo dục đào tạo, lao động, việc làm, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Những kết quả đó là tiền đề để tỉnh ta hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo.
Các đại biểu đề nghị: Làm rõ hơn hiệu quả thu hút đầu tư như số dự án đã đăng ký, số dự án đã được cấp phép, số dự án đã khởi công và số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; đẩy mạnh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh, môi trường, nhất là đối với những nguồn nước sinh hoạt của nhân dân; có cơ chế, chính sách để cơ sở tham gia quản lý khoáng sản, lâm sản tốt hơn; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; tập trung chỉ đạo hoàn thành chương trình chuẩn quốc gia về tế xã và trường chuẩn quốc gia; có giải pháp tích cực giải quyết những tồn tại, vướng mắc về chế độ đối với những người tham gia kháng chiến ở những vùng địch rải chất độc màu da cam; chỉ đạo cấp và ngành phối hợp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong việc cấp thẻ BHYT đối với hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; có cơ chế chính sách thu hút cán bộ y tế công tác ở địa phương, nhất là tuyến xã; xử lý theo pháp luật đối với những tà đạo lạ hoạt động trái phép; tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội...
Về báo cáo, tờ trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009: Các đại biểu nhất trí tờ trình và đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng chuyển nguồn lớn trong năm 2009 và những năm tiếp theo.
Về báo cáo kết quả đào tạo, quản lý, sử dụng học sinh cử tuyển: Các đại biểu cho rằng công tác cử tuyển là điều kiện thuận lợi để con em đồng bào các dân tộc học tập nâng cao dân trí và đề nghị cần có quy chế chặt chẽ để cử tuyển, quản lý, sử dụng học sinh sau đào tạo đúng mục đích, yêu cầu cử tuyển là bổ sung nguồn cán bộ cho miền núi, vùng cao, nơi có nhiều khó khăn.
Về báo cáo kết quả xử lý đối với những doanh nghiệp vi pham về quản lý, sử dụng đất được nhà nước giao và cho thuê. Các đại biểu ghi nhận những cố gắng của UBND tỉnh trong việc thực hiện yêu cầu của HĐND và đề nghị tập trung giải quyết dứt diểm theo pháp luật đối với doanh nghiệp đã kiểm tra; thường xuyên kiểm tra, mở rộng đối tượng, định kỳ báo cáo các kỳ HĐND tỉnh.
Về báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi kỳ họp thứ 13 và kiến nghị của Thường trực HĐND, các Ban HĐND qua khảo sát, giám sát. Các đại biểu hoan nghênh việc tiếp thu và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh và đề nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nhà máy điện phân kẽm Sông Công, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, ô nhiễm nước Sông Công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù thu hồi đất cho các dự án, hướng dẫn khai thác rừng trồng, tà đạo trái phép, cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, đối ứng xây dựng trụ sở và trạm xá xã, chiếu phim lưu động ở vùng sâu, vùng cao, chế độ đối với những người tham gia kháng chiến ở vùng địch rải chất độc da cam ...
Về báo cáo triển khai kế hoạch chương trình phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Các đại biểu nhất trí về việc triển khai kế hoạch và đề nghị chú ý đến tình hình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin nói chung, khả năng của địa phương, nhu cầu của thị trường và tính khả thi của kế hoạch ...
Về tờ trình và đề án quy hoạch điện lực đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết và nội dung của quy hoạch và đề nghị chú ý việc quy hoạch hệ thống trạm hạ thế và mạng lưới đường dây tải điện nông thôn phù hợp tinh thần nghị quyết trung ương về nông thôn, nông nghiệp và nông dân.
Về tờ trình đề nghị quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Trưởng ban Mặt trận, Trưởng các đoàn thể và Cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, tổ dân phố. Các đại biểu nhất trí cao về chủ trương hỗ trợ và đề nghị chú ý đảm bảo sự công bằng, hợp lý giữa các đối tượng và mặt bằng chung ở cơ sở.
Về tờ trình đề nghị quy định định mức phân bổ dự toán chi ngân sách chi thường xuyên ngân sách tỉnh Thái Nguyên thực hiện từ năm 2011. Các đại biểu nhất trí về định mức phân bổ và đề nghị đảm bảo theo nguyên tắc 70% chi cho lương và những khoản chi có tính chất lương, 30% cho chi khác.
Về tờ trình phương án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quy định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Thái nguyên thực hiện từ năm 2011. Các đại biểu nhất trí về căn cứ, nguyên tắc, nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và mối quan hệ giữa các cấp ngân sách để làm căn cứ quản lý ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách ( từ năm 2011 đế 2015).
Về Tờ trình đề nghị bổ sung biên chế sự nghiệp và số lượng hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP năm 2010 của tỉnh Thái Nguyên. Các đại biểu nhất trí bổ sung biên chế cho đơn vị mới thành lập, các đơn vị được giao thêm nhiệm vụ... Về biên chế thực hiện chuyển đổi 79 trường mầm non, UBDN tỉnh đề nghị bổ sung 1400 biên chế. Các đại biểu thống nhất đề nghị bổ sung 1.303 biên chế theo đề án của UBND tỉnh đã trình và HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 3 vừa qua. Số còn thiếu sẽ bổ sung thêm vào kỳ họp sau.
Về Tờ trình thành lập Phòng dân tộc và đổi tên Phòng Công thương thành phòng Kinh tế và hạ tầng thuộc UBND các huyện và thành phố Thái nguyên. Các đại biểu nhất trí Tờ trình và đề nghị cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các phòng để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra giám sát.
Về tờ trình đề nghị công nhận thành phố Thái nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và thị xã Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Các đại biểu nhất trí tờ trình của HĐND thành phố Thái Nguyên và HĐND thị xã Sông Công. Đồng thời đề nghị thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công tập trung các nguồn lực để củng cố, bổ sung, nâng cấp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn minh đô thị ... để tương xứng với loại độ thị được công nhận.
Về báo cáo của các cơ quan tư pháp, các đại biểu nhất trí với báo cáo kết quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh đồng thời đề nghị các cơ quan chú trọng việc thực hiện tốt việc bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về báo cáo của các ban HĐND, các đại biểu đánh giá cao kết quả công tác khảo sát, giám sát, thẩm tra các báo cáo, tờ trình, đề án tại kỳ họp. Các báo cáo thẩm tra có tính phản biện, gợi mở những vấn đề trọng tâm các đại biểu cần quan tâm, là cơ sở để các đại biểu thảo luận và biểu quyết.
Về chất vấn, trả lời chất vấn, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14 đã có 9 đại biểu và ý kiến của các tổ chất vấn về các vấn đề kinh tế, xã hội và tư pháp. Các câu hỏi chất vấn đã được các đại diện cơ quan chức năng trả lời đúng vào những vấn đề đặt ra.
Giải quyết chế độ đối với những người hoạt động kháng chiến ở vùng địch rải chất độc màu da cam/dioxin là vấn đề bức xúc từ những cuộc tiếp xúc cử tri và giám sát, thẩm tra của ban HĐND. Vấn đề này lại tiếp tục nóng lên tại kỳ họp. Bà Nguyễn Thị Hằng, giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội báo cáo quá trình, kết quả giải quyết ở tỉnh ta. Tồn tại vướng mắc hiện nay có thể phân loại thành hai vấn đề chính. Những sai sót thuộc trách nhiệm của địa phương như giải quyết chậm và những trường hợp giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ.. sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý. Sở Lao động- Thương binh và xã hội đề nghị các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, kết luận, xử lý vi phạm. Những tồn tại, vướng mắc do sự thay đổi về chính sách, đề nghị HĐND và UBND tỉnh có văn bản kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội và Bộ Y tế để giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời việc cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ông Dũng tiếp thu ý kiến đại biểu và giải trình do số lượng thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em rất lớn (hơn 100.000 thẻ), cùng lúc còn cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm khác, chất lượng máy in chưa tốt và bản thân đối tượng quản lý không tốt nên khó tránh khỏi sai sót. Khắc phục tình trạng trên Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ phân cấp cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện, thống nhất với các bệnh viện tạm thời sử dụng giấy khai sinh để khám chữa bệnh và đối chiếu, thanh toán lại với các bệnh viện...
Về tiền thưởng đối với những trường hợp được UBND tỉnh tặng bằng khen, Ông Trần Dương Thịnh, giám đốc Sở Nội vụ báo cáo HĐND, đây là tình hình chung trong cả nước. Sở đã có văn bản báo cáo, đề nghị Ban thi đua khen thưởng Trung ương nhưng chưa có quy định về việc này. Về tiêu chí chọn giáo viên, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục-đào tạo hướng dẫn các địa phương thực hiện theo Nghị định 121 của Chính phủ.
Về việc đề nghị công nhận các đô thị, ông Trần Dương Hợp Phó giám đốc Sở Xây dựng báo cáo HĐND, trong việc tham mưu và thẩm định, Sở Xây dựng căn cứ vào Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một sô nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị.
Về chi chuyển nguồn lớn, ông Vũ Mạnh Phú, Phó giám đốc Sở Tài chính đã giải trình từng mục cụ thể và báo cáo hầu hết là những khoản đã giải ngân nhưng chưa đủ thủ tục quyết toán, vốn vay trung ương để cho các huyện vay lại, vốn trung ương bổ sung vào cuối năm nên không triển khai kịp và tiền của các đơn vị khoán chi được chuyển nguồn... Tuy nhiên Sở Tài Chính nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu để cố gắng khắc phục.
Ông Nhữ Văn Tâm, Chánh án TAND tỉnh trả lời chất vấn về một bản án cụ thể ở huyện Đại Từ. Chủ tọa kỳ họp đề nghị TAND tỉnh tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp tục trao đổi với đại biểu đểlàm rõ.
Sau khi tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu HĐND tại kỳ họp, đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến làm rõ thêm những nội dung, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 theo các nhóm vấn đề như sau:
Một là: Về phát triển kinh tế, tập trung chỉ đạo giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ để sớm đưa vào sử dụng, khai thác vốn đầu tư có hiệu quả. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, khởi công xây dựng, để nhanh chóng đưa các dự án vào sử dụng. Tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình, dự án. Chủ động điều chuyển vốn cho các công trình quan trọng có khả năng hoàn thành trong năm 2010 và năm 20112. Kịp thời ứng vốn cho các công trình, dự án đã có trong danh mục đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đang triển khai có thể hoàn thành trong năm 2010 - 2011 nhưng thiếu vốn. Kiên quyết đình hoãn, cắt giảm đầu tư các công trình chưa cần thiết, kém hiệu quả. Kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu, chỉ định thầu đối với các công trình quan trọng, cấp bách. Tích cực chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 trên cơ sở bám sát và cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Hai là: Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Phấn đấu đến năm 2015, thành phố Thái Nguyên quy hoạch chi tiết đạt 50%, thị xã Sông Công đạt 30% và các điểm dân cư nông thôn toàn tỉnh đạt 100%. Xúc tiến quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn mới tại các xã điểm trong năm 2010 và tất cả các xã trên địa bàn tỉnh trong năm 2011 theo tinh thần nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, lựa chọn những tiêu chí có đủ điều kiện và khả năng để thực hiện trước.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư. Xây dựng các cơ chế khuyến khích thực hiện hiệu quả các dự án, công trình, xây dựng cơ chế khuyến khích và các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tiếp tục cắt giảm và đơn giản hoá 30% thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ. Tích cực triển khai Đề án 30 giai đoạn 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Bốn là: Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu, thu đúng, thu đủ; đảm bảo công khai, công bằng trong việc thực hiện các chính sách thuế của Nhà nước. Phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2010. Quản lý chi chặt chẽ theo theo dự toán và theo quy định tiết kiệm chi tiêu của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ làm việc trong ngành thuế, tài chính ở những bộ phận có tính nhạy cảm để đảm bảo hiệu quả trong thực hiện thu - chi ngân sách Nhà nước...
Năm là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về an sinh xã hội. Huy động mọi nguồn lực tham gia thực hiện xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội ...
Sáu là: Nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới. Tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ, năng lực. Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính Nhà nước từ tỉnh tới cấp huyện và cấp xã.
Bảy là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ...
Tám là: Hưởng ứng phong trào thi đua phấn đấu đạt thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh 2/9; chào mừng Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI...
UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, thông qua giám sát để tham gia ý kiến kịp thời với các cấp, các ngành, với UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường phối hợp có hiệu quả với Thường trực HĐND, các Ban HĐND trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ngành Trung ương; sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ; sự giám sát có hiệu quả của Đoàn Đại biểu Quốc hội, của HĐND; sự phối hợp tích cực của các Ban xây dựng Đảng, các đoàn thể trong hệ thống chính trị, các cơ quan Trung ương trên địa bàn; các cơ quan thông tin tuyên truyền của Trung ương và địa phương và nhân dân các dân tộc luôn quan tâm, tạo điều kiện, cổ vũ động viên, tạo động lực cho sự điều hành, quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh nhà đã đem lại những thành công tốt đẹp.
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XI đã biểu quyết thông qua 10 nghị quyết, gồm:
1. Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2010 tỉnh Thái Nguyên;
2. Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh Thái Nguyên năm 2009.
3. Nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020;
4. Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Trưởng ban công tác mặt trận, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và Cộng tác viên làm công tác Dân số - Gia đình - Trẻ em ở xóm và tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;
5. Nghị quyết qui định về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách tỉnh Thái Nguyên thực hiện từ năm 2011 - 2015;
6. Nghị quyết qui định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Thái Nguyên từ năm 2011 - 2015;
7. Nghị quyết về thành lập Phòng Dân tộc và đổi tên Phòng Công thương thành Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện;
8. Nghị quyết về quyết định bổ sung biên chế sự nghiệp và số lượng hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP năm 2010 của tỉnh Thái Nguyên;
9. Nghị quyết thông qua đề án đề nghị công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
10. Nghị quyết thông qua đề án đề nghị công nhận thị xã Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XI đã hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp là cơ sở pháp lý và động lực để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phân đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo.
-------------
Phạm Hồng Thanh tổng hợp