Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 tỉnh Thái Nguyên

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010, cơ bản các mục tiêu, định hướng đều phù hợp, sát với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương. Việc phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; Các chương trình, dự án đầu tư được tổ chức triển khai tích cực, các công trình đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
     Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên trước Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010 đã được quán triệt và triển khai có hiệu quả. Kết quả thực hiện sau 4 năm triển khai Nghị quyết về cơ bản các mục tiêu, định hướng đều phù hợp, sát với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương. Việc phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; Các chương trình, dự án đầu tư được tổ chức triển khai tích cực, các công trình đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

     Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục được duy trì và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ước đạt khoảng 11,11% so với kế hoạch đề ra là 12-13%; cao hơn bình quân giai đoạn 5 năm 2001-2005(9,14%) trong đó khu vực Công nghiệp - Xây dựng đạt 14,91%, so với kế hoạch đề ra là 16,5%; khu vực dịch vụ đạt 11,86%, so với mục tiêu đề ra là 13%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,14%, so với mục tiêu đề ra là 5,5%. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 là rất đáng khích lệ.
     Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch đúng hướng, đó là tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp trong GDP. Cụ thể năm 2005 cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - xây dựng: 38,71%; dịch vụ: 35,08%; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản: 26,21%  dự kiến kế hoạch năm 2010 cơ cấu kinh tế sẽ đạt được là: công nghiệp - xây dựng 41,60%; dịch vụ 37,32%, nông lâm nghiệp - thuỷ sản: 21,08 %
     Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2006 đạt 845,3 tỷ đồng, chiếm 10,42% GDP và tăng 17% so với năm 2005, đến năm 2010 ước thực hiện trên 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách chiếm 10,48% GDP. Tổng thu ngân sách từ năm 2006 đến 2009 và dự toán thu năm 2010 ước đạt 7.594,4 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra.
     GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2010 dự ước đạt 17,4 triệu đồng/người, tương đương khoảng 950 USD/người, tuy đã đạt mục tiêu đề ra, song mới bằng 79% so với bình quân của cả nước. Qui mô giá trị gia tăng các ngành kinh tế năm 2010 theo giá so sánh năm 2010 gấp 2,62 lần so với năm 2000.

     Hai là, huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những kết quả đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư đã tạo điều kiện để huy động được nguồn vốn khá lớn để đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 5 năm qua, vốn huy động toàn xã hội đạt 32.639 tỷ đồng, bình quân trên 6.500 tỷ đồng/năm.

     Ba là, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và công tác an sinh xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ, nâng cao chất lượng giáo dục đào tại và khoa học công nghệ tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được coi trọng đặc biệt, trong giai đoạn này đã triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, những người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách… Từ năm 2006 đến năm 2009 và ước đến hết năm 2010 toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 78.300 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết được 15.660 việc làm mới, vượt mục tiêu đề ra. Tình hình xã hội, đời sống người dân được ổn định, tỷ lệ hộ nghèo dự ước đến hết năm 2010 sẽ giảm xuống 11,5%, vượt kế hoạch đề ra, thu nhập, mức sống dân cư ngày càng được cải thiện

     Bốn là, cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tích cực, đã tiến hành thống kê, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã thực hiện công bố các bộ thủ tục hành chính giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu. Hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính các cấp đã có chuyển biến đáng kể, cùng với sự phân cấp của Trung ương cho địa phương, Thái Nguyên đã thực hiện phân cấp mạnh trên tất cả các lĩnh vực cho các cấp chính quyền địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp được đẩy mạnh đã góp phần thực hiện tốt các chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

     Năm là, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả nhất định.

     Những kết quả trong triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên sẽ là cơ sở nền tảng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo để Thái Nguyên thực sự trở thành tỉnh công nghiệp trong những năm tới, xứng đáng là trung tâm vùng Đông Bắc về kinh tế, giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh và là Trung tâm kinh tế Bắc Thủ đô Hà Nội./. 
Ân Văn Thanh

Đọc thêm