Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài
Nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc giao thông trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi cứ vào giờ cao điểm, các trục đường huyết mạch thường xuyên chật cứng, người tham gia giao thông tại các khu vực nội thành không khác gì đi trong “ma trận” khi muốn thoát khỏi các điểm ùn tắc. Thậm chí, tại một số điểm như đường Vành đai 3 trên cao ở Hà Nội, ùn tắc giao thông có thể diễn ra bất cứ lúc nào, không kể giờ cao điểm, ngày thường hay cuối tuần. Hay như tuyến đường huyết mạch của TP HCM - Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ Bạch Đằng đến Ngã 5 Đài Liệt Sỹ) theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM ghi nhận tuyến đường này ùn tắc 615 lần trong 9 tháng, tình hình ùn tắc có xu hướng tăng và chưa thể kiểm soát.
Trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP HCM có xu hướng tăng theo từng năm, nhất là tại các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn. Nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như rào chắn thi công dự án gây hẹp lòng đường, hạ tầng chưa đồng bộ và do quá tải kết cấu hạ tầng. Từ đó hình thành nên những “điểm đen” có nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội, năm 2024, trên địa bàn thành phố có 33 điểm có nguy cơ về ùn tắc giao thông. Trong đó, 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh mới trong năm 2024. TP HCM cũng còn 24 điểm ùn tắc, trong đó nhiều nơi đã không chuyển biến suốt nhiều năm.
Chưa có giải pháp căn cơ
Trước tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, hàng năm, Sở GTVT TP Hà Nội và Sở GTVT TP HCM đã tổ chức rà soát các điểm giao thông có nguy cơ ùn tắc và các “điểm đen” có nguy cơ gây tai nạn, để có giải pháp tổ chức giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhìn chung, cũng đã thu được những kết quả cụ thể. Đơn cử tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2024, Sở GTVT đã phối hợp, thống nhất với Công an TP Hà Nội, Ban An toàn giao thông thành phố cũng như các đơn vị liên quan xử lý được 7 “điểm đen” ùn tắc giao thông, giảm số điểm có nguy cơ cao từ 33 xuống còn 26 điểm trong năm 2024.
Thế nhưng, nhìn vào số liệu những năm qua có thể thấy một thực tế là năm này xử lý được từng này “điểm đen” nhưng sang năm lại phát sinh những điểm ùn tắc mới. Năm 2019, TP Hà Nội xử lý được 9 điểm ùn tắc nhưng phát sinh 10 điểm; năm 2020 xử lý 8 điểm, phát sinh 11 điểm; năm 2021 xử lý 10 điểm, phát sinh 8 điểm; năm 2022 xử lý được 8 điểm, phát sinh 10 điểm; năm 2023, xử lý được 15/37 điểm thì lại phát sinh 11 điểm ùn tắc mới.
Ngoài việc xử lý các “điểm đen” ùn tắc giao thông, các giải pháp như xén dải phân cách, mở rộng vỉa hè và mở rộng đường cũng đã được hai thành phố lớn áp dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực triển khai những giải pháp này dường như chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhiều chuyên gia giao thông nhận định đây mới chỉ đang giải quyết phần ngọn, ngắn hạn, cần tính toán thêm các giải pháp mang tính lâu dài để giải quyết vấn đề trên.
Để có được giải pháp căn cơ, có lẽ cần phải có một cái nhìn tổng thể hơn về hệ thống giao thông đô thị, bao gồm việc quy hoạch đô thị hợp lý, kéo giảm mật độ dân cư khu vực trung tâm, phát triển giao thông công cộng một cách đồng bộ và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật giao thông là những vấn đề cấp thiết phải được đặt ra. Đồng thời, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng thành phố.
Tại TP HCM, để giải bài toán ùn tắc, tránh viễn cảnh phải mở rộng đường gấp nhiều lần, TP HCM đã, đang hoặc sẽ áp dụng nhiều phương án gồm đầu tư công trình và ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Hiện, Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Ngoài giải pháp công trình, GTVT đang đẩy mạnh giao thông thông minh thông qua nâng cấp, mở rộng mạng lưới camera giám sát, tối ưu hoạt động của đèn tín hiệu từ các trục giao thông chính đã kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại cả Hà Nội và TP HCM được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, trong đó việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là “xương sống” của vận tải hành khách công cộng.