Kêu gọi cộng đồng ngừng tiêu thụ thịt rừng từ triết lý 'Nhân - Quả' của đạo Phật

(PLVN) - Ý tưởng của chiến dịch “Tranh Nhân Quả” để kêu gọi cộng đồng ngừng tiêu thụ thịt rừng được xây dựng dựa trên triết lý nhân quả trong Phật giáo - một khái niệm quen thuộc và có sức ảnh hưởng sâu sắc đối với người Việt, đặc biệt trong đời sống tâm linh.
Hòa thượng Thích Huệ Phước tặng tranh "Tranh Nhân Quả" cho các Phật tử để giúp kêu gọi cộng đồng ngừng tiêu thụ thịt rừng. (Nguồn: Choice)

Phật giáo đã ăn sâu vào văn hóa Việt Nam, dạy con người yêu thương, sống hòa hợp với thiên nhiên và tôn trọng muôn loài.

Trước tình trạng tiêu thụ thịt rừng tại Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng, thịt rừng được bày bán công khai ở nhiều nơi, từ chợ đến nhà hàng và mạng xã hội, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ thịt rừng tăng cao, với sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Huế, Công ty TNHH Không vì lợi nhuận Choice cùng Tổ chức WildAid ra mắt Chiến dịch “Tranh Nhân Quả” dựa vào sự diễn giải từ triết lý “Nhân - Quả” của đạo Phật - một khái niệm quen thuộc và có sức ảnh hưởng sâu sắc đối với người Việt, đặc biệt trong đời sống tâm linh.

Hoạt động chính của chiến dịch xoay quanh “Tranh Nhân Quả” với nội dung nhấn mạnh những hành vi đi ngược lại giáo lý Phật giáo và hệ quả thực tế mà chúng gây ra, giúp cộng đồng nhìn nhận sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình.

Ví dụ như nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã để làm cảnh, làm thuốc hoặc ăn thịt không chỉ khiến con người lo âu, mất tự do tâm lý, mà còn dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh và vi phạm pháp luật.

Săn bắt trái phép động vật hoang dã gây suy giảm quần thể loài, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái và dẫn đến nhiều thiên tai, đe dọa trực tiếp đến đời sống con người. Tương tự, tiêu thụ động vật hoang dã sẽ có nguy cơ cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người...

Những thông điệp này, được diễn giải qua góc nhìn kết hợp khoa học và Phật giáo, giúp người xem hiểu rằng, bảo vệ động vật hoang dã không chỉ thể hiện lòng từ bi mà còn để đảm bảo một tương lai bền vững cho muôn loài.

Hòa thượng Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thành phố Huế, chia sẻ: “Theo quan điểm của nhà Phật, sự sống là cao quý nhất. Cho nên, Đức Phật đã dạy giới không sát sanh. Không sát sanh ở đây không chỉ có nghĩa là không giết sinh mạng con người mà là những thứ gì liên quan đến sự sống của con người, chúng ta cần bảo vệ và tôn trọng.

Trong một cơ sở hệ thống chúng ta cần ăn và nương tựa môi trường sinh thái để sống. Mà hệ thống đó có yên lành và được giữ gìn tốt đẹp hay không là nhờ trong môi trường xã hội của chúng ta. Do đó, việc gìn giữ môi trường sinh thái, bảo vệ động vật là điều mà tất cả chúng ta nên làm".

"Tranh Nhân Quả" được in 2.000 bản và được trao tặng trực tiếp đến 1.700 Phật tử, số còn lại sẽ được treo ở Thư Quán, nhà sinh hoạt cộng đồng, chùa và các địa điểm tập trung sinh hoạt của Phật tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài việc được tặng tranh, các Phật tử còn được tham gia vào chuỗi thuyết giảng để hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của việc bảo vệ động vật hoang dã, thiên nhiên, đa dạng sinh học, hướng tới một cuộc sống an toàn và bền vững hơn.