Ngày Đức Phật thành đạo: Phật tử mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, với lòng từ bi và trí tuệ, các Phật tử mong muốn lan tỏa tinh thần Phật giáo đến cộng đồng, truyền tải những giá trị sâu sắc về sự thức tỉnh, yêu thương và bình an trong cuộc sống. 

Ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo (8/12 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, đánh dấu khoảnh khắc Đức Phật Siddhartha Gautama đạt được giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề. Đây là biểu tượng cho sự thức tỉnh, khi Đức Phật nhận ra bản chất của cuộc sống và tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau. Ý nghĩa của ngày này không chỉ là một lần để tưởng niệm và tôn vinh giác ngộ của Đức Phật, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người về con đường tu hành, sự từ bi và trí tuệ, hướng tới cuộc sống an lạc và giải thoát nỗi đau trong đời.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời, ngay từ nhỏ, anh Trần Văn Đức (Phật tử, doanh nhân tại TP Đà Nẵng) đã được gia đình đưa lên chùa nghe giảng đạo Phật và tụng kinh. Thời gian trôi đi, những tiếng chuông chùa ngân vang cùng những lời kinh sâu lắng nhẹ nhàng thấm sâu vào tâm hồn, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của một Phật tử.

Giống như một ‘sứ giả’ mang sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị nhân văn của đạo Phật, suốt nhiều năm qua, anh Trần Văn Đức đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa, thường xuyên chia sẻ những bài học sâu sắc từ Phật giáo qua các cuộc trò chuyện, những bài viết và các kênh truyền thông xã hội.

Trước thềm ngày lễ trọng đại của Phật giáo - ngày Đức Phật thành đạo, cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc gìn giữ và lan tỏa tinh thần Phật Giáo, anh Trần Văn Đức đã dành gần 1 tháng để lên ý tưởng và tự tay trang trí nhà cửa để kính mừng ngày lễ này đặc biệt này.

Ngày Đức Phật thành đạo: Phật tử mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo ảnh 1

Phật tử Trần Văn Đức tự tay lên ý tưởng và trang trí nhà cửa (Ảnh: NVCC)

Tất cả các đồ vật trang trí trong nhà đều do anh Đức tự tay thiết kế và chuẩn bị, từ những thứ đơn giản nhất: trang trí lễ đài kính mừng Đức Phật, trang trí cây Bồ đề, trang trí biểu tượng Đức Phật, thiết kế banner, tấm trang trí, chuẩn bị cờ Phật giáo, bánh xe Pháp Luân, hoa tươi, bánh kẹo, nước trà mời khách đến chơi... Không dừng lại ở đó, anh còn gieo duyên, tặng miễn phí cây Bồ đề, các mẫu thiết kế cho nhiều Phật tử tại nhiều tỉnh/thành.

Anh Trần Văn Đức cho biết, vai trò của Phật giáo đối với Phật tử vô cùng quan trọng, không chỉ ở phương diện tín ngưỡng mà còn trong công việc hình thành và phát triển nhân cách. Đều đặn mỗi ngày anh Đức sẽ dành ra 15 – 20 phút để thiền định, hay cuối tuần anh lại tìm về với cửa Phật để tìm lại chính mình, tạm gác lại những lo toan, bề ngoài của cuộc sống. Những lời dạy của Đức Phật không chỉ được anh áp dụng trong cuộc sống hàng ngày mà còn cả trong công việc. Là một người kinh doanh, anh luôn áp dụng lời dạy của Đức Phật là phải sống có đạo đức, luôn trung thực để tạo niềm tin với khách hàng, sử dụng trí tuệ của chính mình...

Ngày Đức Phật thành đạo: Phật tử mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo ảnh 2

Phật tử Trần Văn Đức trang hoàng nhà cửa rực rỡ, bắt mắt kính mừng ngày Đức Phật thành đạo (Ảnh: NVCC)

Cũng theo nam Phật tử, Phật giáo có 3 ngày lễ lớn trong năm gồm Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan và ngày Đức Phật thành đạo. Trong đó ngày Đức Phật thành đạo tuy quan trọng nhưng chưa được đông đảo người dân biết đến. Chính vì thế anh luôn mong muốn lan tỏa sâu rộng hơn về ý nghĩa của ngày lễ này đến với cộng đồng.

"Tôi mong muốn lan tỏa để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu hơn về ngày Đức Phật thành đạo, ngày mà ngài tìm ra những giáo lý ý nghĩa trong cuộc sống. Bởi nếu không có ngày này thì tôi và các Phật tử sẽ không có Đạo Phật. Khi đã hiểu được ý nghĩa, mọi người sẽ tự mình tìm hiểu và thực hành các giáo lý của Đức Phật, giúp bước qua những tiêu cực, cám dỗ của cuộc sống để hướng đến những điều tốt đẹp. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều hoạt động, các cuộc thi để Phật tử và người dân quan tâm và hiểu hơn về Ngày Lễ quan trọng của Phật Giáo" anh Đức bày tỏ.

Ngày Đức Phật thành đạo: Phật tử mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo ảnh 3

Anh Đức lan tỏa, truyền cảm hứng tới nhiều Phật tử tại các địa phương (Ảnh: NVCC)

Cũng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống Phật giáo suốt nhiều năm, chị Amanda Na Nguyễn (Phật tử, doanh nhân tại Hà Nội) chia sẻ: “Đức Phật là một nhân vật có thật trong lịch sử, đã trải qua tất cả những nỗi thống khổ mà chúng sinh đã và đang trải qua, những sự thay đổi về tâm sinh lý, vật lý trong thân thể và tâm thức. Từ một người bình thường ngài đã trở thành đấng giác ngộ trong cuộc đời. Mỗi lần nhìn thấy tấm gương của Đức Phật, tôi đều thôi thúc bản thân cần tu tập để trở nên tốt đẹp, thiện lành hơn, noi gương theo dấu chân Phật để làm lợi lạc cho mọi người và chúng sinh".

Chị Amanda Na Nguyễn cho rằng, giáo lý cốt yếu của Đạo Phật là 'Tánh không' tức là mọi sự vật, hiện tượng đều không có tự tánh cố định, độc lập và thường hằng, mọi thứ đến và đi đều do nhân duyên. Cốt tủy của Phật Giáo làm lành – tránh làm ác, nếu nghĩ tốt thì hành động của thân và khẩu đều tốt, như Đức Lạt Ma 14 từng nói "Mục đích chính của chúng ta trong đời là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không giúp được họ thì đừng hại họ". (Ảnh: NVCC)
Chị Amanda Na Nguyễn cho rằng, giáo lý cốt yếu của Đạo Phật là 'Tánh không' tức là mọi sự vật, hiện tượng đều không có tự tánh cố định, độc lập và thường hằng, mọi thứ đến và đi đều do nhân duyên. Cốt tủy của Phật Giáo làm lành – tránh làm ác, nếu nghĩ tốt thì hành động của thân và khẩu đều tốt, như Đức Lạt Ma 14 từng nói "Mục đích chính của chúng ta trong đời là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không giúp được họ thì đừng hại họ". (Ảnh: NVCC)

Mỗi dịp kính mừng ngày Đức Phật thành đạo, nữ Phật tử ấy lại nhớ về câu nói của ngài “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Theo chị, câu nói ấy như chứa đựng một thông điệp sâu sắc về khả năng giác ngộ của tất cả chúng sinh. Tất cả mọi người, dù xuất thân hay hoàn cảnh thế nào, thông qua con đường tu tập, rèn luyện, nếu kiên trì đều có thể trở thành Phật.

Phật tử Amanda Na Nguyễn thường xuyên làm việc thiện để giúp đỡ mọi người (Ảnh: NVCC)

Phật tử Amanda Na Nguyễn thường xuyên làm việc thiện để giúp đỡ mọi người (Ảnh: NVCC)

"Đức Phật đã bỏ lầu son, gác vàng, từ bỏ gia đình để tu tập không phải vì bản thân mình mà vì mọi người, vì chúng sinh, để hiểu về vô thường. Phật Giáo không phải là tôn giáo mê tín, Đức Phật từng nói phải đốt đuốc lên để tìm đường, những lời ngài dạy vẫn còn ở đó. Từ bi và trí tuệ cũng là hai yếu tố cốt lõi trong việc rèn luyện tâm hồn mà Đức Phật dạy, giúp tôi đạt được sự hòa hợp, an lạc trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Nếu muốn trở thành một đấng giác ngộ như Đức Phật cần phải tự “đốt đuốc mà đi”, tức là tự tu tập. Khi mà tu tập theo Đức Phật, không cần đợi đến kiếp sau, ngay kiếp này chúng ta đã đạt tới thành quả là bình an và hạnh phúc. Khi có được bình an, mọi thứ trong cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn cả trong đời sống hàng ngày và công việc”, Phật tử Amanda Na Nguyễn nói.