Kêu gọi khắc phục hạ tầng giao thông Phú Quốc bị hư hỏng sau trận lụt lịch sử

(PLVN) - Đó là nội dung chính tại cuộc họp báo ngày 16/8 do Sở Thông tin truyền thông tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND huyện Phú Quốc tổ chức. Buổi họp báo thông tin tình hình mưa lớn gây ngập cục bộ trên địa bàn huyện Phú Quốc. 
Toàn cảnh cuộc họp báo
Toàn cảnh cuộc họp báo

Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, theo số liệu mới thống kê nhất của UBND huyện, đã xác định có 8.424 căn nhà ngập chính thức, thiệt hại khoảng 82 tỷ đồng, và số nhà bị tốc mái là 23 căn, thiệt hại khoảng 960 triệu đồng. Ngoài ra, còn thiệt hại về hoa màu, gia cầm, thủy cầm, các công trình điện…

Ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc phát biểu tại buổi họp báo
Ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc phát biểu tại buổi họp báo

Đặc biệt, do gặp phải gió xoáy phức tạp nên đã có 30 chuyến bay đến và đi Phú Quốc bị hủy để đảm bảo an toàn cho hành khách. Tổng thiệt hại về tài sản của người dân cũng như hạ tầng giao thông trên toàn huyện ước tính hơn 107 tỉ đồng.

Ông Phạm Công Khâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu
Ông Phạm Công Khâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu

Để xảy ra trận lụt lịch sử, theo ông Mai Văn Huỳnh có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do biển đổi khí hậu. Chỉ trong 8 ngày (từ 1/8 đến 9/8), lượng mưa đã đạt 1.170 mm, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại đảo là 2.800 mm. Riêng ngày 9/8, lượng mưa đã lên tới 335 mm. Đây là lượng mưa kỷ lục nhiều năm, diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời trùng với lúc nước biển dâng cao do triều cường.  

Ngoài ra, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư từ 2002, quy mô thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, đến nay, dân cư Phú Quốc đã phát triển nhanh, cộng thêm khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm cho một số ao hồ tự nhiên bị san lấp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy. Riêng khu vực bãi trường, do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, gây ra ngập cục bộ.


Bên cạnh đó, công tác quản lý xây dựng, đô thị tại địa phương trong thời gian vừa qua cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Việc không xử lý kịp thời những trường hợp người dân tự ý bao chiếm, xây dựng công trình lấn suối, tôn nền ít nhiều cũng làm cản trở ảnh hưởng đến dòng chảy. Đây là những hạn chế không thể chối cãi. Trong khi đó, hệ thống thoát nước hiện hữu đã bị vô hiệu hóa trước sự phát triển của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, du lịch. 

“Trước mắt, chúng tôi đã thành lập tổ xử lý "nóng" các trường hợp vi phạm đối với những hộ tự ý xây cất nhà hay công trình lấn sông, suối. Đồng thời có nhiều giải pháp ngắn và trung hạn với quyết tâm đưa Phú Quốc sớm trở thành trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao. Đối với hạ tầng giao thông bị hư hỏng sau trận ngập lụt lịch sử vừa qua thì chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng với địa phương khắc phục theo hình thức xã hội hóa để phục vụ du lịch", ông Mai Văn Huỳnh cho biết thêm.

Đọc thêm