Giữa lúc người dân miền Trung nỗ lực khôi phục cuộc sống sau trận lũ lịch sử thì ở nơi cách xa miền Trung hàng trăm cây số, những người thợ nghề mộc làng nghề Kha Lâm, phường Nam Sơn (Kiến An) cũng phải ra sức chống đỡ sóng gió thị trường. Bởi miền Trung là thị trường chính của họ, hàng tỷ đồng tiền hàng ký gửi mất trắng, hàng không tiêu thụ được, nguy cơ phá sản hiện hữu với nhiều hộ sản xuất. Đây chỉ là “giọt nước tràn ly”, từ năm 2007 đến nay, làng nghề Kha Lâm rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả.
Thưa thớt khách chọn mua sản phẩm ở làng nghề Kha Lâm, quận Kiến An Ảnh: Trường Giang |
Sản xuất đình đốn
Phó chủ tịch UBND phường Nam Sơn Trần Thị Trịnh cho biết: Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn phường có 50 hộ làm đồ gỗ ô-kan chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác, hiện chỉ còn 50 hộ làm nghề nhưng hoạt động cầm chừng. Sau đợt lũ ở miền Trung vừa qua, lại có thêm một số hộ làm đơn xin nghỉ. Khu vực miền trung vốn là địa bàn tiêu thụ chủ yếu của đồ gỗ ô-kan của làng nghề. Những năm gần đây, miền trung liên tiếp gặp thiên tai khiến thị trường tiêu thụ thu hẹp. Đồ gỗ ô-kan tuy có lợi thế giá rẻ, mẫu mã đẹp nhưng độ bền kém nên không còn được ưa chuộng, ngay cả những thị trường thu nhập thấp.
Nguồn thu giảm, đất đai lãng phí
Nghề mộc hoạt động kém hiệu quả đã tác động lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của địa phương. Làng nghề này vốn là nơi chiếm tỷ trọng lớn nguồn thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của phường. Khi làng nghề gặp khó khăn, nguồn thu của phường bị giảm. 9 tháng-2010, phường chỉ đạt 60% mức kế hoạch năm về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; hàng nghìn lao động mất việc làm, nguồn thu nhập giảm sút; đặc biệt gây lãng phí đất đai của dự án làng nghề mộc. Năm 2002, do sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề, nhu cầu mặt bằng sản xuất của người dân rất lớn. Các hộ dân làm nghề không có mặt bằng sản xuất riêng, thường tận dụng khoảng trống trong gia đình và chung quanh làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đường phố,…Trong khi đó, công nghệ sản xuất này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như bụi, bả sơn, tiếng ồn. Trước thực trạng đó, dự án làng nghề tập trung được xây dựng với mục đích đưa những hộ làm nghề vào khu vực tập trung. Năm 2005, dự án hoàn thành với quy mô hơn 3ha, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào hoạt động, mới chỉ có 2/50 hộ được giao đất trong làng nghề xây dựng xưởng sản xuất, đó là hộ chị Trần Thị Thanh và anh Nguyễn Văn Ngọc. Phần đất còn lại, dù đã nhận đất, nhưng không có nhu cầu xây dựng xưởng mộc nên các hộ vẫn bỏ trống gây lãng phí đất đai, 2 hộ đã xây dựng xưởng sản xuất trong làng nghề cũng đang tìm cách để chuyển đổi sản xuấtsang kinh doanh gỗ thịt, kinh doanh vận tải.
Người dân loay hoay, chính quyền chưa mạnh tay
Làm thế nào để duy trì làng nghề, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; sử dụng mặt bằng làng nghề hiệu quả là bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương và người dân làng nghề. Khi việc tiêu thụ đồ gỗ ô-kan gặp khó khăn, nhiều hộ dân ngừng sản xuất chuyển hướng kinh doanh đồ gỗ. Các hộ này liên doanh, liên kết với các cơ sở làm đồ gỗ ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Tây (cũ) nhập hàng về bán. Một số hộ duy trì sản xuất song chuyển đổi từ làm đồ gồ ô-kan sang gỗ thịt. Tuy nhiên, chủng loại mặt hàng khá đơn điệu, chủ yếu là đồ thờ, bàn thờ, kệ, tủ thờ. Mặt hàng chưa có thương hiệu như sản phẩm đồ gỗ ô-kan trước đây. Số hộ đóng đồ gỗ thịt có quy mô lớn hiện chỉ có vài hộ. Như hộ anh Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Gác ở khu Kha Lâm 2, hộ anh Phạm Văn Trung ở khu Kha Lâm 1,… Điều này ảnh hưởng trực tiếp việc khôi phục làng nghề truyền thống.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa, đó là mặt bằng sản xuất của dự án làng nghề mộc. Theo quy định phê duyệt, dự án làng nghề chỉ tiếp nhận những hộ sản xuất đồ gỗ. Việc xây dựng nhà ở hay mặt bằng sản xuất những ngành nghề khác trong dự án làng nghề là vi phạm. Chính vì quy định này, nhiều hộ dân có nhu cầu sử dụng mặt bằng nhưng do ngành nghề sản xuất không đúng quy định nên phải chấp nhận đi thuê, mượn mặt bằng ở nơi khác, trong khi mặt bằng trong làng nghề thì bỏ trống. Tình trạng trên vừa gây lãng phí đất đai và bức xúc trong dân. Điều đáng nói, vấn đề sản xuất đồ gỗ ô-kan gặp khó khăn diễn ra từ 5 năm nay, ngay sau khi dự án làng nghề hoàn thiện. Các cấp chính quyền, UBND quận, phường chưa có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời, trong khi người dân loay hoay tìm hướng tháo gỡ khó khăn, duy trì nghề truyền thống.
Nguyên Mai