Khắc phục các “điểm đen”

Phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Hải Phòng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác  bảo vệ môi trường.

Phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Hải Phòng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác  bảo vệ môi trường. Trong quá trình phát triển, xuất hiện nhiều điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn không ít doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, bất chấp pháp luật, có những hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Đây có thể coi là những “điểm đen” trong công tác bảo vệ môi trường.

 

Lực lượng cảnh sát môi trường (Công an thành phố), Cảng vụ, Hải quan kiểm tra container rác thải nhập trái phép qua cảng Chùa Vẽ Ảnh: Hoàng Phước

Lực lượng cảnh sát môi trường (Công an thành phố), Cảng vụ, Hải quan kiểm tra container rác thải nhập trái phép qua cảng Chùa Vẽ

Ảnh: Hoàng Phước

Vi phạm bằng nhiều con đường

 

Mặc dù năm nay thành phố chọn và tổ chức thực hiện chủ đề “Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội”, song, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra khá nhiều. Các vi phạm xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều dạng khác nhau. Tại các cảng biển, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường phối hợp với Hải quan Hải Phòng phát hiện nhiều vụ nhập khẩu sắt, quặng phế liệu lẫn các tạp chất nguy hại cho môi trường, các phế thải độc hại, các loại động vật hoang dã, quý hiếm và các loại vật phẩm của chúng. Trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm về khai thác cát, đá tại các cụm công nghiệp của các huyện Thủy Nguyên, An Lão. Quy trình, thủ tục khai thác không bảo đảm, gây ảnh hưởng đến môi trường. Chẳng hạn, Công ty TNHH Triệu Phú do Nguyễn Văn Triệu (trú tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên) làm giám đốc khai thác, chế biến đá vôi trong khu vực nhưng không có giấy phép. Tàu HD 1294 do ông Trần Đình Dũng ở thôn Cốc Tràng, xã Chiến Thắng (An Lão) hút cát trái phép dưới lòng sông Văn Úc…Một số vi phạm liên quan đến quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải. Lực lượng chức năng kiểm tra kho bãi của Công ty TNHH Hùng Hưng kinh doanh xăng dầu, địa chỉ tại chân cầu Kiền, xã An Hồng (An Dương) phát hiện 24 tấn dầu thải, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại không theo quy định…

 

Các vi phạm được phát hiện tại nhiều khu, cụm công nghiệp phổ biến là  gây ô nhiễm đất, nước, không khí, quản lý chất thải không đúng quy định. Công ty TNHH Đức Anh tại cụm công nghiệp Vĩnh Niệm xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Công ty TNHH LIVAX trong KCN Đồ Sơn quản lý chất thải không đúng quy định. Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Sơn tại xã Kênh Giang (Thủy Nguyên) không có giấy phép xả thải… Mới đây, thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với thanh tra Bộ Tài nguyên- Môi trường thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại các KCN Tràng Duệ, Nomura Hải Phòng, Đồ Sơn, Nam Cầu Kiền phát hiện nhiều vi phạm. Các vi phạm  thường thấy là không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn các chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác, không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời các chất thải nguy hại; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo từng chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo đảm không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường, không dán nhãn theo quy định; xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…

 

Lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an thành phố phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, điều tra, xác minh 363 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, hoàn thành xử lý 311 vụ; phạt vi phạm hành chính hơn 855 triệu đồng. Trong đó, riêng lực lượng phòng, chống tội phạm môi trường phát hiện 132 vụ, phạt vi phạm hành chính 759.650.000 đồng; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành xử lý 146 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 10 cơ sở, phạt hành chính 113,4 triệu đồng.

 

Tuyên truyền, giáo dục đi đôi với xử lý

 

Thực hiện chủ đề năm “Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội”, từ đầu năm 2010, các ngành, cấp, lực lượng có nhiều hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ngành Công an, Hải quan, Tài nguyên- Môi trường… 

 

Sở Tài nguyên- Môi trường tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Tài nguyên- Môi trường, Tổng cục Môi trường tại nhà máy DAP, các KCN trên địa bàn, 2 sân gôn và 10 doanh nghiệp khác. Kết quả, đoàn xử phạt vi phạm hành chính tại 10 doanh nghiệp với số tiền 150 triệu đồng, đề xuất UBND thành phố ra quyết định xử phạt 4 công ty phát triển hạ tầng KCN 310 triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý về môi trường chưa đạt như mong muốn. Cụm công nghiệp thép Quán Toan có 7 doanh nghiệp sản xuất thép. Nồng độ ô nhiễm không khí rất cao, gây ngộ độc cho hàng chục học sinh trường THCS Quán Toan năm 2009 đến nay chưa có biện pháp khắc phục. Mới đây, vào tháng 10, Công ty TNHH Nhật Phát sản xuất sắt xốp tại cụm công nghiệp thị trấn An Lão lại bị phát hiện xả khói, bụi, tiếng ồn, nước thải ra sông Đa Độ. Trong khi trước đó, doanh nghiệp này đã bị xử lý về việc gây ô nhiễm môi trường… Để công tác bảo vệ môi trường đi vào nền nếp, dư luận mong chờ các cơ quan chức năng thường xuyên công khai các “điểm đen” về môi trường và biện pháp xử lý; kiên quyết  yêu cầu đơn vị vi phạm khắc phục các hậu quả, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Mai Hương

Đọc thêm