Việc thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng cũng là một chủ trương của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng là rất khó, một tỷ lệ rất thấp trong thống kê của cơ quan thi hành án đã nói lên điều đó. Thế nên, để những tội phạm tham nhũng tự nguyện khắc phục hậu quả lại là một việc khó khả thi hơn, mặc dù họ biết là việc khắc phục hậu quả đó trực tiếp mang đến cho họ một sự trừng phạt nhẹ nhàng hơn.
Trong thương vụ mua bán AVG, có hai bị can đã xin khắc phục gần 3 triệu USD. Trong vụ bán tài sản công và cấp đất cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm thất thoát của Nhà nước 11.000 tỷ đồng song chỉ nộp 1 tỷ khắc phục hậu quả hay nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh bị cáo buộc làm thiệt hại hơn 100 tỷ cũng chỉ tự nguyện nhỉnh hơn một chút là nộp hơn 2 tỷ khắc phục hậu quả. Còn rất nhiều các ví dụ khác tương tự, thậm chí có tội phạm tham nhũng không chịu nộp lại một xu nào.
Hiện trạng trên cho thấy cần phải áp dụng những biện pháp quyết liệt và hữu hiệu để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà có và phải tìm cách thu hồi những bất động sản mà họ hoặc gia đình họ đang sở hữu (việc này chưa từng có tiền lệ trong xử lý tài sản tham nhũng).
Đã đành, đất nước không thể giàu lên, nợ công không thể giảm bằng việc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng không thể để những kẻ tham nhũng giàu lên vì tài sản ăn cắp đó. Nếu để như vậy thì không những tạo tiền đề cho tham nhũng tiếp tục mà còn gây nên nhưng bất công xã hội và đặc biệt, tính nghiêm minh pháp luật bị xâm hại nghiêm trọng.
Nếu làm giàu từ tham nhũng không khó và tài sản bất chính (không phải bất minh) không được thu hồi thì sẽ còn nhiều người đi theo con đường đó mặc cho ở cuối con đường nhà tù đang đợi họ.