Cho dù đã biết mức độ "khủng" trong việc "thổi giá" của thương vụ này nhưng chỉ khi bản kết luận điều tra được công bố thì dư luận mới "ngã ngửa" về số tiền đưa hối lộ cho một người lên tới 3 triệu đô la Mỹ.
Một con số vượt xa sự tưởng tượng của mọi người và nó cực kỳ chính xác bởi người đưa và người nhận đều "thành khẩn khai báo" - một động thái ít có xưa nay khi chỉ có người đưa khai còn người nhận chối biến, điển hình như vụ thuốc ung thư giả tại Công ty Dược Pharma mới đây hay vụ "logo xe vua" trước đó.
Báo cáo trước phiên họp toàn thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, lãnh đạo Bộ Công an cho biết đây là vụ phá án cực kỳ khó khăn bởi đụng chạm đến các nhân vật giữ những cương vị cao, "mời" được những người này vào trại giam là một việc rất khó.
Cũng rất khó khi xác định hành vi đưa và nhận hối lộ. May mà các bị can rất "thành khẩn".
Đương nhiên rồi, đưa được vụ này ra ánh sáng là cả một quá trình khó khăn, phức tạp.
Khó như thế và lớn như thế mà phát hiện, điều tra và áp dụng sự trừng phạt của pháp luật cho thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng như thế nào và khi đã có sự quyết tâm và đồng tâm thì khó đến đâu, phức tạp đến mấy cũng phanh phui ra được.
Một điểm đáng chú ý khác tại vụ án này là mục đích rút ruột tiền Nhà nước đã không thực hiện được, việc "khắc phục hậu quả" còn xảy ra trước khi vụ án bị khởi tố. Tuy nhiên, quan trọng là làm sáng tỏ những âm mưu, thủ đoạn của các bị can (kể cả số dự bị) trong việc thâu tóm tài sản của công, biến thành của tư.
Nếu không có những vụ án tương tự như thế này thì tài nguyên đất nước, ngân sách còn bị rút ruột dài dài, đưa và nhận hối lộ vẫn đường hoàng tiếp diễn.
Vụ bán tài sản công của các đời Chủ tịch Đà Nẵng làm thất thoát 20.000 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Vicem "quên" hơn 1 nghìn tỷ khi định giá tài sản trước cổ phần hóa, vụ nhận hối lộ của các Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ là "tham nhũng vặt" bởi mỗi ngày xuống địa phương họ có thể nhận hàng tỷ đồng - theo nhận định của lãnh đạo Bộ Công an.