Công tác tư pháp cơ sở là một phần việc quan trọng không thể thiếu ở các địa phương, giúp đưa chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân và thực hiện chức năng giúp UBND soạn thảo, thẩm định, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, giám sát thực hiện pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng cán bộ tư pháp cơ sở rất thiếu, chất lượng không đồng đều, do đó việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại cơ sở còn nhiều hạn chế.
Công dân chờ đợi chứng thực văn bản tại UBND xã Lê Lợi, huyện An Dương |
Làm không hết việc
Một ngày làm việc tại trụ sở UBND xã của chị Lê Thị Thu Hà, cán bộ tư pháp xã Lê Lợi (huyện An Dương) bắt đầu từ 7 giờ sáng với hàng chục bộ hồ sơ cần chứng thực. Trung bình mỗi ngày có 20-30 công dân đến UBND xã chứng thực, xin xác nhận các giấy tờ. Vào những tháng cao điểm như học sinh nhập học các trường đại học, cao đẳng, sinh viên tốt nghiệp ra trường cần hồ sơ đi làm hay giải phóng mặt bằng dự án…thì khối lượng công việc tăng gấp 2-3 lần. Theo lịch cố định, mỗi tuần chị Hà thường trực tại trụ sở 3 ngày, những ngày còn lại, chị đi cơ sở, xuống các thôn, xóm làm công tác hoà giải, tuyên truyền pháp luật…. Xã Lê Lợi là địa phương chưa bố trí được 2 cán bộ tư pháp, hộ tịch (TP-HT) nên công việc với một cán bộ TP-HT quá tải là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số xã, phường đã bố trí được 2 cán bộ TP-HT thì công việc cũng luôn bận rộn. Anh Nguyễn Hữu Việt, cán bộ TP-HT xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên) cho biết, xã có thêm một cán bộ giúp việc cho công tác tư pháp, hộ tịch nhưng mới chỉ đỡ được một phần trong khâu chứng thực, còn lại các phần việc khác cán bộ TP-HT chính vẫn phải đảm nhiệm. Tại các xã ven nội thành, thị trấn huyện, khối lượng công việc chứng thực thường gấp 2-3 lần các xã xa trung tâm. Hiện nay, công việc của cán bộ TP-HT nhiều hơn do phải đảm nhiệm phần việc về chứng thực các giao dịch bảo đảm.
Từ khi Nghị định 79 của Chính phủ quy định đưa công tác chứng thực về cơ sở, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp được phân cấp mạnh mẽ. Theo đó, người dân được hưởng lợi rất nhiều do không phải đi xa, thủ tục thông thoáng, đương nhiên công việc của cán bộ TP-HT bị quá tải. Với 11 đầu việc như vậy, một cán bộ TP-HT khó có thể làm tốt mọi công việc cùng lúc. Do vậy, cán bộ TH-HT chọn “ưu tiên” làm trước những công việc liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận con nuôi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi…, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Năng lực, trình độ cán bộ không đồng đều
Yêu cầu chung của cán bộ TP-HT cơ sở phải có trình độ từ trung cấp Luật trở lên, như vậy mới có thể đáp ứng được công việc. Đội ngũ cán bộ TP-HT toàn thành phố có trình độ cơ bản “chuẩn” so với yêu cầu. Tuy nhiên, trong công việc thực tế vốn đa dạng và đòi hỏi chính xác cao thì không phải cán bộ tư pháp nào cũng giỏi. Điều này có nhiều nguyên nhân.
Ông Trần Văn Nguyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện An Lão cho biết: Nhiều địa phương ngoại thành thường bố trí cán bộ tư pháp theo tính “ổn định”, nghĩa là chú trọng bố trí người làm công tác TP-HT lâu năm, quen việc hơn là lớp cán bộ trẻ. Với những cán bộ tư pháp nhiều tuổi (khoảng 50 tuổi trở lên) tuy có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, nhưng độ nhanh nhạy về nắm bắt các văn bản pháp luật, nhất là những văn bản mới ban hành hạn chế, ngại đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Trong công tác chứng thực tại các địa phương, cán bộ tư pháp lúng túng khi gặp những văn bản cá biệt, không phát hiện được giấy tờ giả mạo. Điều này lỗi một phần do chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể những loại giấy tờ nào không được chứng thực, cách phát hiện giấy tờ giả mạo…Vì vậy, trong bối cảnh hằng ngày có quá nhiều văn bản cần chứng thực, cán bộ tư pháp làm việc đôi khi chỉ bằng cảm quan khó có thể chính xác tuyệt đối. Thế mới có chuyện, cùng là một văn bản, cán bộ tư pháp phường này kiên quyết không chứng thực, nhưng phường khác lại chứng thực khiến người dân thắc mắc.
Về nguyên tắc, các văn bản quy phạm pháp luật của UBND trước khi ban hành, cán bộ tư pháp đều phải thẩm định. Thế nhưng, hoặc trước khi ban hành, UBND không đưa văn bản cho cán bộ tư pháp thẩm định, hoặc cán bộ tư pháp có thẩm định nhưng do trình độ hạn chế, không nhận ra lỗi sai của văn bản, không biết văn bản sai ở đâu vẫn tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành. Đã từng xảy ra chuyện hy hữu như tại phường X (quận Kiến An), ban hành một văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đã bị người dân “kiện ngược” đến cơ quan có thẩm quyền. Lý do, thay vì ban hành văn bản xử lý một phần vi phạm trong xây dựng, văn bản của UBND phường lại yêu cầu xử lý cả khối công trình trong khi phần vi phạm là rất nhỏ. Có UBND cấp huyện cũng từng bị công dân kiện quyết định hành chính do có sai sót
Theo quy định, tiêu chuẩn đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, ban hành kèm theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-1-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã có 11 nhiệm vụ bao gồm: Giúp UBND soạn thảo, thẩm định văn bản; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Trợ giúp pháp lý; Quản lý tủ sách pháp luật; Hướng dẫn hoạt động hoà giải cơ sở; Đăng ký quản lý hộ tịch; Thực hiện chứng thực; Giúp UBND thực hiện thi hành án; Giúp UBND thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức quyết định việc giáo dục tại xã, phường; Quản lý và thống kê tư pháp.
|
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, hằng năm, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các cấp ban hành được rà soát, kiểm tra, phát hiện tỷ lệ khá lớn văn bản vi phạm về căn cứ pháp lý, thể thức trình bày, trình tự ban hành.
Bài và ảnh: Phương Nam