Sáng nay 15/10, Lễ công bố quyết định thành lập và khai giảng khóa I của trường Trung cấp Luật Thái Nguyên – Trường Trung cấp Luật đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc - đã long trọng được tổ chức tại TP.Thái Nguyên. Trường cũng là “món quà tri ân” của Bộ Tư pháp đến Đảng bộ, nhân dân chiến khu Việt Bắc và nằm trong hệ thống các trường trung cấp Luật do Bộ Tư pháp thành lập trên cả nước (sau trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Vị Thanh (Hậu Giang).
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao Quyết định thành lập trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cho Hiệu trưởng Nguyễn Đỗ Kiên. |
Trường do Bộ Tư pháp thành lập nhằm đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp luật đủ cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Học sinh tốt nghiệp trường phải có trình độ hiểu biết pháp luật cơ bản và thành thạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp theo từng chức trách đảm nhiệm đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn, một số chức danh cán bộ cơ quan Tư pháp, THA và cán bộ chính quyền cơ sở...
Hiệu trưởng Nguyễn Đỗ Kiên (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Tư pháp) cho biết, thời gian đầu, Trường sẽ khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thành công việc đào tạo khoá I để đặt nền móng cho việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo các khoá sau, đồng thời từng bước mở rộng quy mô đào tạo theo lộ trình đã xác định trong Đề án thành lập Trường...
Hiện nay, Trường có hơn 30 cán bộ giáo viên, chưa kể giáo viên thỉnh giảng; 3 khoa chuyên môn. Khóa đầu tiên (2011-2012), Trường đã tuyển được 300 học sinh, là các công chức, dự nguồn công chức các xã của tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi phía Bắc, ưu tiên 60-70% là người dân tộc. Năm học 2012-2013 sẽ có từ 500 - 700 học sinh và tăng dần theo các năm.
Chúc mừng và giao nhiệm vụ cho trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Trường cần khắc phục khó khăn ban đầu để thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, đặc biệt tạo điều kiện cho các học sinh là người dân tộc thiểu số hoàn thành tốt chương trình đào tạo. Đồng thời, phát triển đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên cơ hữu. Để đảm bảo nguồn tuyển sinh bền vững, ổn định Trường cần chủ động bám sát chiến lược phát triển nhân lực của quốc gia, qui hoạch đào tạo nhân lực của ngành Tư pháp và các địa phương để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng yêu cầu sử dụng cán bộ những năm tới. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện về nguồn tuyển sinh (là công chức, dự nguồn công chức, thí sinh tự do) cho Trường.
Là một trong những cơ sở đào tạo Luật chính quy của Việt Nam, Trường cần ý thức được vinh dự, tự haò, trách nhiệm, đáp ứng niềm tin của lãnh đạo Bộ, địa phương, xứng đáng góp phần vào đào tạo nhân lực cho ngành và địa phương.
H.Giang