Khai hội Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Chùa Tây Phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay (24/4 - tức 3/3 âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Chùa Tây Phương cổ kính, Huyện Thạch Thất đã long trọng tổ chức Khai hội chùa Tây Phương năm 2023.
Khai hội Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Chùa Tây Phương

Phát biểu khai mạc Lễ hội Chùa Tây phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện cho biết: Lễ hội chùa Tây Phương là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực; khẳng định truyền thống văn hoá, tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hoá, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lễ hội chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách, Phật tử thập phương."Ông cũng cho biết, việc tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.

Người dân Thạch Thất, du khách thập phương, các tăng ni phật tử về tham dự lễ hội cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc... Lễ hội sẽ lan tỏa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, góp phần xây dựng huyện Thạch Thất phát triển toàn diện, bền vững theo hướng đô thị xanh.

Các đại biểu dự lễ Khai hội Chùa Tây Phương

Các đại biểu dự lễ Khai hội Chùa Tây Phương

Theo vị chủ tịch UBND Huyện Thạch Thất, không chỉ trong quá trình tổ chức Lễ hội, Ban tổ chức và UBND các xã thị trấn luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật, chống xâm hại cảnh quan di tích, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho nhân dân địa phương. Vận động, hướng dẫn để người dân, du khách tham gia các hoạt động dịch vụ tại lễ hội nhận thức rõ, thực hành lối sống văn minh, xây dựng lễ hội chùa Tây Phương trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, là một địa chỉ luôn được nhân dân, du khách mong muốn tìm đến.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện - phát biêu tại lễ Khai hội chùa Tây Phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện - phát biêu tại lễ Khai hội chùa Tây Phương.

Tại Lễ khai hội hôm nay, sau phần văn nghệ, gióng trống khai hội, lãnh đạo huyện Thạch Thất, các vị đại biểu và du khách thập phương đã làm lễ dâng hương, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, quê hương trù phú....

Thạch Thất là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những bản sắc của văn hóa xứ Đoài, hòa chung với nền văn hóa Thăng Long Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với bề dày lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất hiện có 209 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương. Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích Chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

Nhiều hoạt động văn hóa dân gian sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.

Nhiều hoạt động văn hóa dân gian sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.

Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, Lễ hội Chùa Tây Phương có giá trị vô cùng to lớn, lan tỏa đến đông đảo các Phật tử, nhân dân trong huyện, cũng như du khách thập phương. Mùa lễ hội hàng năm tại di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương diễn ra từ đầu xuân năm mới, ngày chính hội là 6/3 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Trong tâm thức của người dân Thạch Thất vẫn lưu truyền câu ca:

“ Tây Phương phong cảnh hữu tình

Rủ nhau trẩy hội có mình có ta

Nhớ ngày Mùng 6 tháng 3

Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây“

Lễ hội truyền thống Chùa Tây Phương năm 2023 diễn ra đến hết ngày 29/3 (tức 10/3 âm lịch). Năm nay, Lễ hội truyền thống Chùa Tây Phương được tổ chức với quy mô cấp Huyện. Phần Lễ ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ Phật của người Việt Nam. Phần Hội là sự kết hợp những nét văn hóa truyền thống dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời qua nhiều hoạt động tiêu biểu như: Giao lưu văn nghệ quần chúng, các chương trình nghệ thuật dân gian như: Múa rối nước, Đi cà kheo, hát chèo…

Chùa Tây Phương có tên chữ là “Sùng Phúc Tự”, tên gọi khác là Tây Phương Cổ Tự. Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, tọa lạc tại đỉnh đồi Câu Lâu, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Vị trí tọa lạc của ngôi chùa được coi là nơi hội tụ linh khí của đất trời.

Theo sử sách ghi lại Tây Phương Cổ Tự là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam. Năm 1632, dưới đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Lạc cho phá đi chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Năm 1794, dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được trùng tu hoàn toàn và có tên gọi mới là “Tây Phương Cổ Tự”. Hình dáng bên ngoài và kiến trúc của chùa được giữ lại hoàn toàn như ngày nay.

Đến với chùa Tây Phương, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thanh tịnh, yên bình, tránh xa sự ồn ào - dù rằng Thạch Thất là vùng đất của những làng nghề đang phát triển vượt bậc mỗi ngày.

Bước chân trên 239 bậc thang đá ong, du khách sẽ lên tới đỉnh núi Câu Lâu, nơi nơi tọa lạc của ngôi chùa. Bước qua vòm cổng rêu phong, du khách như bước sang một không gian khác, không gian của từ bi, không gian của hỉ xả, không gian của những điều thiện, không gian của văn hóa và niềm tự hào về bản sắc Việt....

Đọc thêm