|
Đoàn Chủ tịch Đại hội. |
|
Quang cảnh Đại hội. |
Sáng nay, ngày 23-9-2010, tại Nhà Văn hóa 3-2 (TP Nam Định) đã khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015). Các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Hồng Hà, nguyên Bí thư TƯ Đảng; Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đặng Quân Thụy, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên BCH TƯ Đảng là lãnh đạo các bộ, ban, ngành của TƯ; đồng chí Chu Văn Đạt, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Hồng Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình và Ninh Thuận; đại diện các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động đến dự. 349 đại biểu chính thức đại diện cho 96946 đảng viên ở 16 đảng bộ huyện, thành phố và các Đảng bộ trực thuộc đã về dự Đại hội.
|
Đồng chí Chu Văn Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đọc diễn văn khai mạc. |
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Chu Văn Đạt, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII diễn ra trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao tinh thần cách mạng, chung sức chung lòng tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năng lực, sức chiến đấu, hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên và hệ thống chính trị được nâng cao; xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng, phấn khởi; kinh tế - xã hội ổn định, phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, củng cố và giữ vững. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao… Tuy nhiên, trong 5 năm qua, tỉnh vẫn chưa tạo được sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá trên một số lĩnh vực then chốt; một số chỉ tiêu phát triển còn ở mức thấp và trung bình; một số yếu kém hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc chưa được khắc phục triệt để…
|
Màn múa hát chào mừng Đại hội. |
|
Đoàn Đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân TP Nam Định chúc mừng Đại hội. |
Với phương châm: “Dân chủ - kỷ cương - đoàn kết - trí tuệ - phát triển”, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII có nhiệm vụ: thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo các văn kiện; Dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tổng kết, đánh giá toàn diện sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhiệm kỳ 2005-2010; đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp trong nhiệm kỳ 2010-2015.
|
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội. |
Thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đồng chí Phạm Hồng Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày Báo cáo Chính trị. Báo cáo nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, 5 năm qua, quân và dân tỉnh ta đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên giành nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn mức bình quân của thời kỳ 2001-2005 (7,3%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần và quá trình CNH-HĐH. So với thời kỳ 2001-2005, quy mô nền kinh tế được mở rộng: tổng GDP tăng hơn 1,63 lần; GDP bình quân đầu người tăng hơn 2,6 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương vượt mức 1.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 3285 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh, tăng 2168 doanh nghiệp so với năm 2005. Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất tăng bình quân 20,5%/năm, trong đó công nghiệp địa phương tăng 23,2%. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong GDP tăng dần, năm 2010 đạt 36,5%. Sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển. Giá trị sản xuất bình quân tăng 3,8%/năm. Năng suất lúa bình quân đạt 118,4 tạ/ha/năm. Sản lượng lương thực bình quân đạt 950 nghìn tấn/năm, bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung có quy mô vừa, một số mô hình sản xuất có hiệu quả. Chăn nuôi tiếp tục phát triển. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt bình quân 108,4 nghìn tấn/năm. Thủy sản phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 11%/năm. Các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng, là một trong những đơn vị nhiều năm liên tục dẫn đầu toàn quốc. Hoạt động khoa học - công nghệ đã bám sát, phục vụ tốt hơn sự phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân và định hướng chính trị tư tưởng. Đã giải quyết việc làm cho 166,8 nghìn lượt người, bình quân mỗi năm tạo được 33 nghìn việc làm mới. Công tác đào tạo nghề và hệ thống cơ sở dạy nghề được quan tâm. Công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,5% năm 2005 xuống còn 6% năm 2010. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng và đảng viên, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị được nâng cao, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai thực hiện ngày càng có chiều sâu, hướng trọng tâm vào việc “làm theo”. Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác tư pháp có nhiều đổi mới. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo. Tình trạng khiếu tố vượt cấp, đông người giảm…
Trên cơ sở kết quả, bài học kinh nghiệm, nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị. Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực văn hoá, giáo dục và lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trọng tâm là CNH-HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tham gia hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Phát triển kinh tế hài hoà, gắn kết với phát triển văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sớm xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I và là trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát, Đại hội thống nhất đề ra một số chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 13-14%/năm; GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 đạt 39-40 triệu đồng. Năm 2015, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp (26,0%), công nghiệp, xây dựng (39,5%), dịch vụ (34,5%). Sản lượng lương thực hàng năm 920-950 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 85-90 triệu đồng. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 140-145 nghìn tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 1994) tăng bình quân 22-23%/năm. Giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 1994) tăng bình quân 12-13%/năm. Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn đạt 400-420 triệu USD. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 15-17%/năm. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 2200-2300 tỷ đồng. Tỷ lệ giảm sinh hàng năm 0,15-0,2‰. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 2015 đạt 60% tổng số lao động. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 còn 3%. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt 93-94%. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm 90-92%. Tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh đạt 85%...
|
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2005-2010 |
Được sự phân công của Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2005-2010…
|
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ phát biểu chỉ đạo Đại hội. |
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định trong nhiệm kỳ qua đã đoàn kết, thống nhất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới, quy mô được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng khá. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có hiệu quả. Các ngành nghề ở nông thôn được củng cố và mở rộng. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng nhanh. Đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo và đạt nhiều thành tích. Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Chất lượng lượng khám chữa bệnh cho nhân dân từng bước được nâng cao. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được triển khai mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai một cách nghiêm túc. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị; an ninh nông thôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đồng chí Tô Huy Rứa cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, kinh tế của tỉnh tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chất lượng tăng trưởng còn hạn chế. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, khả năng cạnh tranh chưa cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là tiềm năng về kinh tế biển, về nguồn nhân lực, về sức mạnh, tinh thần của con người và vùng đất Nam Định địa linh nhân kiệt. Vì thế, một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu còn ở mức thấp và trung bình so với mức phát triển chung của vùng đồng bằng sông Hồng, chưa tạo được bước phát triển đột phá trên một số lĩnh vực có tiềm năng lớn và thế mạnh của tỉnh. Công nghiệp chưa có những sản phẩm có thương hiệu mạnh và uy tín, chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn…
Về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: phát triển vừa nhanh, vừa phải bền vững là yêu cầu và mục tiêu của sự nghiệp đổi mới. Đảng bộ tỉnh Nam Định cần quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt đó trong xây dựng chiến lược, mục tiêu, phương hướng của tỉnh trong thời gian tới, trong đó cần tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt và quan tâm giải quyết đồng bộ, hài hòa, có hiệu quả các vấn đề văn hóa, xã hội. Đại hội cần thảo luận để thống nhất đề ra và thực hiện quyết liệt các giải pháp khả thi nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương khác trong khu vực, xây dựng tỉnh Nam Định tương xứng với vị trí, vai trò là trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, trong đó cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Tiếp tục mở rộng các nghề truyền thống, phát triển các nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặt đúng vị trí, tầm quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Gắn chặt quá trình phát triển công nghiệp với nhiệm vụ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, trong đó chú trọng triển khai việc xây dựng khu kinh tế tổng hợp Ninh Cơ. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Chăm lo phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng và thụ hưởng đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh. Coi trọng và phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững vị trí dẫn đầu ngành giáo dục toàn quốc. Mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo… thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Tiếp tục đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh tuyến biển trên địa bàn… Đồng chí nhấn mạnh: Đại hội có nhiệm vụ rất quan trọng là bầu ra BCH Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015; nghiên cứu thảo luận các văn kiện sẽ trình Đại hội XI của Đảng, bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ XI của Đảng. Các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn bầu ra BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII gồm những đồng chí đủ tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, đủ số lượng cơ cấu hợp lý, bảo đảm lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI…
Thay mặt Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Huy Rứa và tổ chức thực hiện những nội dung chỉ đạo đó…
Trong phiên làm việc chiều ngày 23-9, Đại hội đã thông qua Dự thảo tổng hợp Báo cáo kết quả ý kiến đóng góp vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tiếp tục nghe các tham luận… Chiều cùng ngày, Đại hôi đã tiến hành thảo luận tại tổ đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội…
|
Đồng chí Nguyễn Công Chuyên, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy trình bày tham luận tại Đại hội. |
|
Đồng chí Trần Đăng Hùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nam Định trình bày tham luận tại Đại hội. |
|
Đồng chí Lê Xuân Thủy, TUV, Giám đốc Sở NN-PTNT trình bày tham luận tại Đại Hội. |
|
Đồng chí Trần Lê Đoài, Giám đốc Sở Công Thương trình bày tham luận tại Đại Hội. |
|
Đồng chí Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở VH-TT-DL trình bày tham luận tại Đại hội. |
|
Đồng chí Chu Văn Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh bỏ phiếu tại hội trường |
Tiếp tục chương trình làm việc, buổi chiều ngày 24-9-2010, Đại hội đã công bố kết quả bầu BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Theo đó, 55 đồng chí trong tổng số 63 đồng chí trong danh sách bầu cử do BCH khóa XVII giới thiệu đã trúng cử vào BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Tiếp đó, Đại hội đã tiến hành giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm bầu chức danh Bí thư Tỉnh ủy khóa mới. Buổi chiều cùng ngày, Đại hội đã thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của các đại biểu dự đại hội vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII và vào Dự thảo các Văn kiện, Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi, bổ sung) trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
|
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII. |
Tối ngày 24-9-2010, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã họp phiên đầu tiên. Tại phiên họp, BCH đã bầu Ban TVTU, các chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVIII. Kết quả, 14 đồng chí được bầu vào Ban TVTU. Đồng chí Phạm Hồng Hà được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Khắc Hưng được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. BCH cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 6 đồng chí; đồng chí Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ban TVTU được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. |
Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ XVIII đã thành công tốt đẹp. Để Nghị quyết của Đại hội nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, năng động và sáng tạo, đưa Nghị quyết trở thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, địa phương, đơn vị ngay trong những tháng đầu, năm đầu của nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, với truyền thống cách mạng, đoàn kết, văn hiến; trên nền tảng những thành tựu to lớn đạt được và những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trên con đường xây dựng quê hương Nam Định ngày một thêm giàu mạnh, văn minh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Duy Hưng và Văn Đại