Xã Lại Xuân có khoảng 3000 lao động làm nghề sản xuất vật liệu xây dựng (khai thác, chế biến đá ). Nghề khai thác đá nuôi sống con người, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhất là đối với những lao động thời vụ, tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật khai thác đá. Họ chưa hề nghe thấy những cụm từ như “hợp đồng lao động”, “thỏa ước lao động”, tập huấn an toàn vệ sinh lao động. Cũng do thiếu hiểu biết về pháp luật lao động, họ không biết rằng, tham gia bảo hiểm là quyền lợi của mình và cũng chỉ vì “miếng cơm manh áo” mà bất chấp các quy định về an toàn lao động…
Thợ lò làm việc thủ công ở lò vôi cạnh núi Hòn Ngọc, thôn Trại Sơn, xã An Sơn (Thủy Nguyên) |
Khai thác “ăn xổi” đánh đổi mạng người
Nếu khai thác đá theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu "cắt tầng, phân lớp", nghĩa là phải làm từ trên đỉnh xuống dần đến chân núi đá. Mỗi tầng khai thác phải "bạt" rộng ra, bóc hết lớp đá này mới đến lớp khác. Làm theo quy trình này, suất đầu tư trên một đơn vị sản phẩm hàng hóa thường lớn, sản lượng khai thác không nhiều, tốc độ ra "hàng" không nhanh, nhưng bảo đảm an toàn.
Xét trên góc độ kinh tế, nhà khai thác thường chọn cách làm "ăn xổi": Thay vì khai thác từ trên cao xuống, họ khai thác từ dưới chân núi đá lên. Khoan lỗ, đặt mìn, cho nổ, tạo ra các "hàm ếch" và thuê lao động thủ công thời vụ để ra hàng. Làm như vậy mới bảo đảm có lợi nhuận, thu hồi được vốn.
Tại các mỏ đá trên dãy núi thuộc xã Lại Xuân, An Sơn, nhiều ngọn núi bị “khoét ruột”, xẻ làm đôi, làm ba …và tai nạn xảy ra là điều tất yếu. Trở lại vụ sạt lở đá làm 4 người bị thiệt mạng ở xã Lại Xuân, người dân sinh sống quanh khu vực cho biết, trước khi tai nạn xảy ra, tại điểm khai thác đá này, Công ty Tân Hoàng An đã cho nổ mìn. Rất có thể, vụ nổ mìn đã ảnh hưởng tới kết cấu đá làm rạn ngầm khiến tảng đá bị rơi vào ngày hôm sau….Chủ tịch UBND xã Lại Xuân - Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công ty Tân Hoàng An hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 100 triệu đồng. Chính quyền địa phương thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 2 triệu đồng”.
Mặc dù Công ty Tân Hoàng An nhanh chóng khắc phục hậu quả, hỗ trợ số tiền khá lớn cho các gia đình nạn nhân, nhưng vụ tai nạn thương tâm gióng lên một hồi chuông báo động về tai nạn lao động trên các công trường khai thác, sản xuất đá ở huyện Thủy Nguyên nói riêng, trên địa bàn thành phố nói chung .
Không sợ mất an toàn, tính mạng chỉ sợ mất việc
Tại lò vôi sát sườn núi Trại Sơn, nằm trong vành đai bảo vệ khu di chỉ văn hóa Tràng Kênh, cách bờ sông Kinh Thầy vài trăm mét, hơn chục lao động đang đập đá, xếp đá vào sọt, kéo đá lên miệng lò, cời vôi trong lòng lò, nhặt vôi sống đều không có bảo hộ lao động. Trang phục chỉ là bộ quần áo mặc thường ngày như đi cấy, đi gặt lúa với chiếc khăn bịt mặt và chiếc nón cũ. Thậm chí, những người đàn ông làm nhiệm vụ đập đá và kéo đá lên lò không có khẩu trang tránh bụi, không có kính bảo hộ để tránh đá bắn vào mắt. Thấy chúng tôi thắc mắc về việc không mang trang phục và kính bảo hộ, họ cười xòa: “Chúng tôi làm thế này quen rồi, chả sao cả…Với lại là người làm công nhật, lấy đâu phương tiện bảo hộ”.
Một phụ nữ đứng tuổi tên Phượng hỏi: “Các em đi bán bảo hiểm à? Tôi nói thật nhé, thu nhập có 70 nghìn đồng/người/ngày, tiền tiêu còn không đủ nói gì đến mua bảo hiểm”. Rồi quay sang mấy người cùng làm, nói tiếp: “Các cô ấy nói mua bảo hiểm, ý các cô ấy bảo mình có mua bảo hiểm không?”. Tưởng chúng tôi là người đi tiếp thị bảo hiểm, họ chối đây đẩy.
Khi được hỏi đến chủ sử dụng lao động, họ đều lắc đầu quầy quậy: “Không biết đâu, chúng tôi chỉ là những người đi làm thuê cho tư nhân thôi, chẳng biết ai là chủ cả. Cứ có việc, họ gọi là đi làm”….Trò chuyện với họ, chúng tôi nhận thấy một nghịch lý buồn: vì “miếng cơm manh áo”, họ sợ đóng cửa mỏ đá, sợ mất việc hơn là sợ mất an toàn lao động-mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mình.
Hầu hết vẫn khai thác thủ công
Phó chủ tịch UBND xã Lại Xuân - Chu Văn Hinh cho biết: Phần lớn các công ty khai thác đá đều do thành phố cấp phép, xã chỉ có trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước. Trên dãy núi thuộc các xã Lại Xuân và An Sơn hiện có 3 công ty khai thác đá được thành phố cấp phép là Công ty Phú Sơn, Tân Hoàng An và Quyết Tiến. Trong đó, Công ty Phú Sơn do người Đài Loan quản lý khai thác khoảng từ 5 đến 7 năm nay.
Theo ông Chu Văn Hinh, khai thác đá là nghề truyền thống ở địa phương nhưng là khai thác tự do. Sau khi một số công ty được cấp phép hoạt động, trên địa bàn xã tồn tại tình trạng khai thác thổ phỉ, người dân vào khai thác trộm hoặc mót xét đá ở các mỏ đá. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Ông Hinh cũng thừa nhận: “Ngoài mỏ A của Công ty Phúc Sơn khai thác mang tính công nghiệp, công nhân có bảo hộ lao động, thợ khoan bằng tay, đá từ trên núi rơi xuống có máy xúc, máy cẩu làm. Còn phần lớn các cơ sở khác vẫn là khai thác thủ công, nên khó tránh được tai nạn lao động”…
Thanh Thủy