Khai thác giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số: Chú trọng vai trò chủ thể của cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong hoạt động khai thác giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, cần quan tâm và đặt cộng đồng dân cư tại chỗ ở vị trí trung tâm; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cần phải góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần thực chất, bền vững cho người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

Chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp nhất

Trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch (dự án 06).

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, QH và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS.

Năm 2023, QH đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Qua giám sát tối cao của QH cho thấy, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc triển khai thực hiện dự án 06 đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là việc hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai một số hoạt động như tổ chức bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành (Thanh Hóa), huyện Quang Bình (Hà Giang)...;

Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch qua các mô hình như mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), huyện Bát Xát (Lào Cai)…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn. Điển hình là một số nội dung hướng dẫn thực hiện dự án còn chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp với đặc thù của địa phương; công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thành phần của dự án còn triển khai chậm, mới tập trung thực hiện từ 6 tháng cuối năm 2022…

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS sẽ có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS với phát triển du lịch được coi là chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp nhất.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry chỉ rõ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS với phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Một mặt, để phát triển du lịch, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS sẽ là một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là nguyên liệu vô cùng quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn, có giá trị kinh tế - văn hóa cao hơn. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt hơn.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa thống nhất để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, quy hoạch, dự án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS đã được Đảng, Nhà nước ban hành. Quan tâm, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chính xác tiềm năng, lợi thế và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp hiện hữu của đồng bào DTTS.

Trên cơ sở đó, đề xuất các kế hoạch chiến lược trùng tu, tôn tạo, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển KT-XH nói chung và phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS nói riêng một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trong nội vùng, cả nước và quốc tế; đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị cả nước và khu vực, quốc tế.

Đặc biệt, cần phát huy vai trò của cộng đồng DTTS với tư cách là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Cần xây dựng, ban hành các quy định, quy chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa…