Khai thác khoáng sản không có quy hoạch: Đất canh tác bị ô nhiễm, thu hẹp

Các điểm khai thác đá đều nằm lộ thiên trên cao. Sau khi khai thác đá, các doanh nghiệp không tái tạo mặt bằng, vào mùa nắng gió đã cuốn theo bụi đất tấp vào nhà các hộ dân sinh sống gần đó, còn mùa mưa, nước từ trên núi đá mang theo đất từ mỏ đá đổ dồn xuống các tuyến mương dẫn nước

Các điểm khai thác đá đều nằm lộ thiên trên cao. Sau khi khai thác đá, các doanh nghiệp không tái tạo mặt bằng, vào mùa nắng gió đã cuốn theo bụi đất tấp vào nhà các hộ dân sinh sống gần đó, còn mùa mưa, nước từ trên núi đá mang theo đất từ mỏ đá đổ dồn xuống các tuyến mương dẫn nước và cánh đồng lúa dưới chân núi gây sa bồi một phần diện tích sản xuất của người dân. Đây là hình ảnh thường thấy tại một số điểm khai thác đá vôi ở khu vực Lại Xuân (Thủy Nguyên).

Hết mùa lúa, nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã Cao Minh (Vĩnh Bảo) bị người dân lấy đất đóng gạch, hủy hoại đất màu.
Hết mùa lúa, nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã Cao Minh (Vĩnh Bảo) bị người dân lấy đất đóng gạch, hủy hoại đất màu.

Tình trạng đất bị ô nhiễm không thể sản xuất hay diện tích đất canh tác bị thu hẹp do hoạt động khai thác khoáng sản đang diễn ra ở nhiều nơi với  mức độ khác nhau. Xã Quang Hưng (An Lão) có 5 km sông Văn Úc luôn xảy ra việc khai thác cát trái phép trên địa bàn xã diễn ra từ nhiều năm nay, thường xuyên có 4-5 tàu hút cát hoạt động, cao điểm có tới 10 tàu hút cát cả ngày lẫn đêm, nhiều tàu neo cách bờ 20-30m. Thiệt hại do khai thác cát trái phép đã, đang và sẽ xảy ra với mức độ lớn, nghiêm trọng hơn. Bãi Câu Thượng (xã Quang Hưng) bình quân mỗi năm bị lở thêm 3-4 m. Trong một đêm, gia đình ông Lê (thôn Câu Thượng) bị trôi mất 3 khóm tre Bát Độ. Khai thác cát trái phép trên sông làm sạt lở bờ bãi, thu hẹp diện tích đất sản xuất diễn ra ở nhiều tuyến sông khác, như sông Đá Bạc, Lạch Tray, sông Hàn,…

Khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra. Đặc biệt các khu vực được cấp phép khai thác trước năm 1996, nay nằm trong khu vực cấm hoạt động khai thác, song tới nay vẫn chưa có biện pháp dừng khai thác, di dời sang vị trí khác. Khai thác khoáng sản không thực hiện việc phục hồi môi trường phủ xanh tại khu vực khai thác mỏ làm tổn hại chất lượng đất tại khu mỏ. Việc tái sử dụng đất tại các khu mỏ này hầu như chưa có. Đất không còn độ phì nhiêu, không còn là môi trường sống của hệ sinh thái. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra phổ biến trên địa bàn các xã An Sơn, Lại Xuân, Minh Tân, Lưu Kiếm và thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên). Nguồn chất thải rắn của ngành khai thác mỏ chứa không ít hàm lượng các nguyên tố độc hại... Những chất thải rắn vứt bừa bãi, ngấm nước mưa và rỉ ra nước gây ô nhiễm đất, sông ngòi, ao hồ và nguồn nước ngầm. Nguồn nước ô nhiễm này  dùng để tưới đồng ruộng sẽ làm thay đổi chất đất và kết cấu đất, ảnh hưởng tới hoạt động của vi sinh vật trong đất, cản trở sự sinh trưởng của bộ rễ thực vật và ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng

Ô nhiễm môi trường đất là sự làm biến đổi thành phần, tính chất của đất gây ra bởi những tập quán phản vệ sinh của các hoạt động sản xuất nông nghiệp với những phương thức canh tác khác nhau và do sự thải bỏ không hợp lí các chất cặn bã đặc và lỏng vào đất. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường đất còn do sự lắng đọng của các chất gây ô nhiễm không khí lắng xuống đất (theo nước mưa),... Các nguồn chính gây ô nhiễm đất gồm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng phát sinh do việc sản xuất chăn nuôi không hợp vệ sinh, dùng phân tươi bón cây...; các loại chất thải rắn, phóng xạ, nhựa dẻo, bao bì nilon, kim loại, amiăng phát sinh từ các nguồn thải công nghiệp đưa vào đất; các loại hoá chất độc hại sinh ra do sự phân huỷ các loại hoá chất sử dụng trong nông nghiệp (như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích sinh trưởng, vv.) ngấm vào đất.

Để khắc phục tình trạng trên cần có các biện pháp quản lý, quy hoạch sử dụng đất hợp lý. Ngoài quy hoạch tổng thể cần có quy hoạch chi tiết đến xã, phường, thị trấn. Gắn chiến lược sử dụng và bảo vệ môi trường tài nguyên đất với chiến lược phục hồi rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi rừng ngập mặn. (theo kế hoạch sử dụng đất của thành phố, đến năm 2015, diện tích rừng đặc dụng của thành phố tăng thêm 1700 ha so với hiện nay, diện tích các khu bảo tồn giữ nguyên). Bên cạnh đó phải có chính sách bảo vệ và sử dụng hợp lý, tăng cường hỗ trợ việc khai thác bền vững tài nguyên đất; tính toán sử dụng hợp lý quỹ đất/./.

 Nguyên Mai

Đọc thêm