Nhà trình tường của người Dao Tiền ở xóm Bản Chang, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ. Xóm có gần 50 hộ dân, 100% đều là dân tộc Dao Tiền, sinh sống chủ yếu ở men sườn đồi núi cao với nghề trồng trúc sào, dong riềng, ngô, chăn nuôi gia cầm và gia súc nhỏ lẻ. Hầu hết, bà con nơi đây vẫn giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc nhà trình tường từ xa xưa truyền lại.
Theo ông Bàn Hữu Ngọc, Trưởng xóm Bản Chang, xã Thành Công cho biết: “Ở đây khí hậu mát mẻ, mùa đông nhiệt độ thấp hơn các nơi khác rất nhiều, vậy nên các cụ ngày xưa đã nghĩ đến việc làm một ngôi nhà vừa là nhà ở vừa như hang để chống được sương mù, cái lạnh cắt da của mùa đông trên núi, vào mùa hè mát mẻ, lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ. Vì lẽ đó, ngôi nhà trình tường đã xuất hiện và tồn tại cho đến bây giờ.
Để làm được một ngôi nhà trình tường vững chắc thì phải tỉ mẩn từ khâu làm móng nhà. Thông thường, móng nhà được đào sâu khoảng 1 mét rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn lên cao hơn mặt sân khoảng 40 - 60 cm. Còn vật liệu chính để làm tường nhà là đất sét, đất cao lanh hay đất thịt dưới chân núi đá vôi, có nhiều ở huyện Nguyên Bình.
Làm móng xong đến công đoạn đắp đất thành tường, trước tiên phải làm chiếc khuôn bằng gỗ rồi cào đất núi đã chọn vào thúng, sàng đổ vào khuôn gỗ ván, cầm chày gỗ thay nhau giã đến khi đất kết dính với nhau, tháo khuôn ra không rơi mới được. Khi xong tầng lượt thứ nhất, lại tiếp tục tháo khuôn gỗ đặt tiếp lượt tầng thứ hai, mỗi lượt tầng ván khuôn cao 50 - 70 cm. Đất giã và nện càng nhuyễn và chặt thì sau này tường sẽ không bị nứt và giữ được lâu bền. Tường đất của ngôi nhà thường cao 5 - 6 lượt tầng ván khuôn, thậm chí có gia đình làm cao 7 - 8 tầng khuôn.
Trình xong tường xung quanh, lấy gỗ làm khung nhà bên trong tường. Bên trong nhà sẽ là hệ thống cột gỗ để phân chia các phòng. Bên ngoài tường mài nhẵn, giã đất mịn, trơn và quét lớp vôi tạo nên màu trắng trang nhã cho ngôi nhà. Mái nhà được lợp ngói âm dương. Cạnh nhà là tường rào đá cao nửa người, chủ yếu để phân tách đất nhà với vùng đất đồi nương phía bên ngoài. Nhà trình tường được xây bao bọc kín đáo không giống nhà sàn hay nhà dựng bằng gỗ, vào mùa hè ở bên trong rất mát mẻ vì có hệ thống thông gió, cách nhiệt còn mùa đông lại rất ấm áp”.
Với sự khéo léo, điêu luyện của đôi tay cùng sức mạnh của người Dao Tiền, những bức tường bằng đất chắc chắn, vững chãi, phẳng phiu, dù trải qua nhiều biến cố, thời gian nhưng chất lượng tường rất bảo đảm an toàn. Nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà trình tường của người Dao Tiền ở Bản Chang là được xây theo một khuôn mẫu thống nhất, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian, hai cửa gồm: Một cửa chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng lợn phía sau. Ngoài ra, còn làm thêm 2 cửa sổ ở bên trái, bên phải lối ra vào và 1 cửa sổ ở gian bếp.
Ba gian nhà được sắp xếp: Gian bên trái dùng để đặt buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải là buồng ngủ của con cái; gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, bày bàn ghế tiếp khách, một số gia đình đặt thêm 1 - 2 giường dành cho khách. Bên trong nhà còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính. Do đó, dù đã trải qua hơn 50 - 70 năm nhưng những ngôi nhà trình tường nơi đây vẫn giữ được khá nguyên bản.
“Nhìn bề ngoài, kiến trúc ngôi nhà trình tường rất đơn giản nhưng khi làm thì lại hết sức công phu, tốn nhiều thời gian. Vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước, việc làm nhà trình tường gần như hoàn toàn thủ công bằng sức người do giao thông, phương tiện, kỹ thuật còn khó khăn, lạc hậu. Người dân ở đây rất đoàn kết, mỗi dịp ai đó làm nhà thì cả dòng họ, các anh em, làng xóm lại cùng nhau bàn bạc, chuẩn bị vật liệu, giúp sức xây dựng những ngôi nhà liền kề, chung tường nhà với nhau”, ông Bàn Hữu Sen ở xóm Bản Chang chia sẻ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân có xu hướng xây dựng những ngôi nhà cấp bốn bằng gạch đá và những ngôi nhà trình tường đang dần bị mai một. Để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những ngôi nhà trình tường này, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân ý thức bảo tồn vốn quý của cha ông để lại; hạn chế nâng cấp, tu sửa làm thay đổi kết cấu nguyên bản của ngôi nhà; tích cực giới thiệu, quảng bá du lịch về cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao tiền để tuyến du lịch Phia Đén – Phia Oắc, xã Thành Công trở thành một điểm dừng chân lý tưởng cho khách tham quan.