Về Đạo Trù, Hồ Sơn hay Hợp Châu (Tam Đảo)… ngay trong những ngày thường, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp làn điệu Soọng Cô dặt dìu, réo rắt lòng người vang lên từ các câu lạc bộ. Không chỉ vậy, ở Tam Đảo còn có “đặc sản” ít người biết, ấy là những đám cưới hỏi của người Sán Dìu kéo dài đằng đẵng suốt cả năm ròng.
Réo rắt những làn điệu cổ
Tôi lên Tam Đảo đã mấy lần, vậy mà lần nào cũng thế, hình ảnh những cô gái Sán Dìu xinh đẹp, mặc những chiếc váy xẻ tà hát đối và ríu rít nói cười luôn khiến tâm trí như bị mê hoặc. Kỳ thực cũng lạ, nói riêng về chuyện trang phục của những cô gái Sán Dìu ấy cũng là cả một nét bản sắc chẳng ở đâu có được. Nghe nói, người Sán Dìu sống quanh chân núi Tam Đảo đều là hệ tộc Mán “Váy lá” hay còn gọi là Mán “Váy xẻ”. Sở dĩ phân biệt như vậy là bởi trang phục này có thể dùng để ước định, phân biệt các tộc người Sán Dìu với nhau.
Nguyên trước kia, những chiếc váy lá còn được ghép từ 8 đến 10 mảnh vải buông xuống. Những mảnh vải được xếp chồng mép ở phía trên rồi may lại thành cạp váy. Tuy ghép chồng liền nhưng mỗi lần chuyển động là các mảnh vải lá ấy lại để lộ những khoảng trống trên đùi hay bắp chân của các cô gái. Sự phô diễn đường nét tinh tế này khiến không ít chàng trai bị quyến rũ, lơ đãng như kẻ mất hồn.
Tạm gác lại câu chuyện quanh bộ váy xẻ tà của các thiếu nữ Sán Dìu, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến nét đẹp văn hóa truyền thống đã đi cùng người Sán Dìu qua bao thế hệ, đó là Soọng Cô - lối đối đáp, giao duyên với đủ các bài bản, làn điệu.
Nhắc đến Soọng Cô, những cao niên dưới chân Tam Đảo chẳng mấy ai còn nhớ rõ gốc tích. Họ chỉ biết rằng, điệu hát đã gắn bó như thể người Thái ở vùng Tây Bắc không thể thiếu múa xòe, người Cao Lan không thể thiếu Sình Ca. Đã từng có thời điểm, vào mùa xuân hay dịp các lễ hội, đám cưới, hỏi... thanh niên Sán Dìu lại nô nức cùng nhau họp lại hát Soọng Cô.
Họ kết thành từng nhóm, qua mỗi làng thì dừng lại hát một đêm, hôm sau cùng rủ thanh niên nơi đó nhập vào đám hát đến các làng khác. Có khi đám hát có tới vài chục người và thường kéo dài cả chục ngày.
“Ngày trước, nếu ai không đi hát, biết hát, khó mà lấy được vợ, được chồng. Cuộc hát càng kéo dài, càng chứng tỏ sự hiểu biết văn hóa truyền thống của người trong cuộc… Mỗi đêm hát đều có các bước. Chập tối hát gọi, mời ngồi xuống chiếu, mời nước, mời trầu. Nửa đêm là hát hỏi: hỏi về quê quán, gia sự, hát thăm dò tìm hiểu nghề nghiệp, ý nguyện của nhau. Canh ba chủ nhà mời ăn lót dạ xôi hoặc chè. Sau đó là hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau. Sáng ra thì họ vừa tiễn nhau ra cổng vừa hát hẹn hò cuộc hát tới. Từ những đêm hát này mà có biết bao đôi trai gái đã bén duyên nhau” - ông Trương Văn Thăng, Phó Chủ nhiệm CLB Soọng Cô chợ Tình, thôn Tân Lập (xã Đạo Trù) kể về những nét độc đáo của điệu Soọng Cô.
Rộn rã là vậy, nhưng theo dòng chảy thời gian, người Sán Dìu không còn thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Nhiều trẻ em không được cha mẹ truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Các nét văn hóa truyền thống ít nhiều phai nhạt, làn điệu Soọng Cô cũng dần bị mai một.
May thay, ngay trước nguy cơ thất truyền ấy, nhiều CLB hát Soọng Cô đã ra đời và tích cực truyền dạy lại những tinh hoa cho thế hệ trẻ. Theo thống kê, trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện có khoảng 30 CLB hát Soọng Cô. Những CLB này chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã Đạo Trù, Yên Dương, Hồ Sơn, Đại Đình… huyện Tam Đảo; Ngọc Thanh - thị xã Phúc Yên, Trung Mỹ - huyện Bình Xuyên.
Tục cưới hỏi kỳ lạ
Bên cạnh những nét nổi bật từ Soọng Cô, người Sán Dìu xưa còn có “đặc sản” là phong tục cưới hỏi “có một không hai” hết sức độc đáo. Nhắc lại lệ tục này, một cán bộ xã Đạo Trù bộc bạch: “Trước kia tục lệ ăn hỏi còn lai rai cả năm ấy chứ. Ấy là quan niệm của người Sán Dìu, phải kéo dài việc cưới hỏi nhằm mục đích đề cao giá trị của người con gái khi đi lấy chồng”.
Theo lời vị cán bộ này, mặc dù lễ ăn hỏi kéo dài cả năm nhưng vật chất không hề tốn kém. Nói cách khác, sở dĩ hỷ sự kéo dài là bởi tục lệ được chia ra nhiều giai đoạn. “Nếu phía nhà trai mà không kiên trì theo đuổi thì chẳng thể lấy được vợ đâu” – vị cán bộ xã hóm hỉnh.
Theo đó, vào tiết trời đầu mùa xuân, gia đình nào có con trai trưởng thành thì bố mẹ nhờ ông mối đến nhà gái xin lá số (lá số này thường ghi các thông tin như ngày, tháng, năm sinh của cô gái – PV) mang về cho nhà trai. Sau khi có lá số, phía nhà trai sẽ nhờ một thầy cao tay khác so tuổi giữa chàng trai và cô gái. Nếu chàng trai và cô gái hợp tuổi thì nhà trai sắm một lễ nhỏ sang báo cho nhà gái biết.
Nghi thức dạm hỏi của người Sán Dìu thường kéo dài trong một năm, bắt đầu từ ngày 15 tháng giêng. Đám cưới sẽ chỉ được tổ chức từ tháng 8 trở đi. Điểm đặc biệt ở chỗ, từ tháng giêng đến tháng 8, mỗi tháng nhà trai đến nhà gái một lần để thực hiện các thủ tục trong lễ ăn hỏi.
Chẳng hạn, trong tháng giêng nhà trai sẽ đến để xin ngày tháng năm sinh của cô gái; tháng Hai họ sẽ đến hỏi gia đình nhà gái có đồng ý cho con gái chồng vào năm nay không; khoảng tháng Ba hoặc tháng Tư thì lễ ăn hỏi chính thức được diễn ra.
Một cao niên người Sán Dìu ở Đạo Trù kể: “Ông mối sang nhà gái hỏi xem nhà gái lĩnh những thứ gì rồi về báo cho nhà trai biết để chuẩn bị. Thông thường, nhà gái phát lễ 15 – 20 đồng bạc trắng, 80kg thịt lợn móc, 200 quả cau, 2kg chè, 1 con trâu, 1 tủ đựng quần áo... Sau lễ Sang bạc, nhà trai ấn định ngày cưới và thông tin cho nhà gái biết bằng một tờ giấy”.
Người Sán Dìu thường quan niệm, cô dâu vào nhà chồng khi mặt trời lặn sẽ tránh được rủi ro trong cuộc sống. Bởi vậy, khi sang đến nhà trai, nếu trời chưa tối hẳn thì đoàn đưa dâu phải chờ ngoài làng, đợi cho đến khi trời tối hẳn mới được vào nhà.
Ngày nay, nghi lễ cưới hỏi của người dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo đã có ít nhiều thay đổi. Dễ thấy nhất là chuyện đám cưới không còn kéo dài cả năm như trước. Như ở miền xuôi, hiện đám cưới của người Sán Dìu chỉ được tổ chức trong 1 - 2 ngày. Dù đã ngắn lại nhưng nét đặc trưng là điệu hát Soọng Cô đối đáp giữa nhà trai và nhà gái vẫn là “thủ tục” góp vui không thể thiếu.
Giã từ những câu chuyện kỳ lạ dưới chân Tam Đảo, tôi ngược về Hà Nội. Bên đường, xen lẫn trong làn mưa bụi là sự ồn ã từ dòng xe cộ ngược xuôi đổ dồn về thắng cảnh du lịch. Vẳng đâu đó trong bạt ngàn su su là lời hát nỉ non mời gọi: “Cây vừng ra quả đom đóm soi/Hát bài dân ca trước đi gọi/Hát bài dân ca gọi chủ nhà/Chủ nhà gọi nàng hãy dậy đi…”. Điệu Soọng Cô cùng sắc áo chàm phấp phới như một nét duyên lạ làm nên miền cổ tích.