Thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 8 vẫn đang được địa phương khẩn trương thực hiện. Theo thống kê, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 19 người chết, 1 người mất tích, 28 người bị thương, 71 căn nhà bị sập, hư hỏng, diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại là 308 ha, hơn 8.900 con gia cầm bị thiệt hại.
Về giao thông, sạt lở 10.000 m3 đất đá. Mưa lũ cũng khiến hơn 2.000m kênh mương bị hư hỏng, hơn 270m kè bị sạt lở. Nhiều phương tiện tàu thuyền bị chìm, hư hỏng và 120 ao đìa nuôi thủy sản bị thiệt hại.
Theo ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND Nha Trang, dự báo về cơ bão số 8 tiết chỉ đề cập có mưa lớn nên địa phương cũng rất bất ngờ không di dời dân ở những vị trí trên, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Hiện nay thành phố đang rà soát lại người dân ở các khu vực đó, xem xét tình hình thực tế các hộ dân và triển khai phương án trình UBND tỉnh hỗ trợ thiệt hại do thiên tai.
Rút kinh nghiệm của cơn bão số 8, ngoài việc tích cực khắc phục các thiệt hại, ngay từ những ngày này, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã phát đi thông báo đề nghị các địa phương, đơn vị trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó diễn biến áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.
Hiện nay, tại TP Nha Trang còn 71 điểm xung yếu, với khoảng 400 hộ dân đang sinh sống. Giải pháp đảm bảo an toàn trước mắt tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, thông báo cho các tàu, thuyền tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn, các địa phương phải có biện pháp phối hợp nhịp nhàng với nhau trong công tác phòng chống.
Đề nghị UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra các nhà xây dựng trái phép, xử lý ngay đối với các trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đồi núi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Đề nghị các trường học trên địa bàn chủ động cập nhật tình hình bão số 9 thông báo cho học sinh nghỉ học, tích cực kiểm tra hệ thống điện lưới nhất là các vùng trọng yếu.
Đặc biệt, để tránh thảm họa sạt lở, lũ quét như vừa qua, các địa phương khác phải tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa. Khi có bản tin cảnh báo chính thức và đường đi của bão được xác định, công tác sơ tán người dân phải được triển khai ngay.
Với tình hình bão số 9 có khả năng đổ bộ vào huyện đảo Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 9. Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, đơn vị đang tích cực theo dõi mọi thông tin của cơn bão qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Cán bộ, chiến sỹ trên đảo đang phối hợp với người dân tích cực triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, cơ sở vật chất. Tính đến chiều 21/11, có 12 tàu, 94 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đang vào neo đậu.
Trung tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Trường Sa lớn cho biết, đơn vị đã tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ, chiến sĩ và lực lượng nhân dân trên đảo phòng chống bão; tổ chức luyện tập các phương án phòng chống bão đề phòng các tình huống xấu; kiểm tra toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Chặt cành, tỉa cây, đối với những cây có nguy cơ đổ nhà; chằng buộc đóng bao cát bỏ lên mái nhà; kiểm tra hệ thống các loại hầm trên đảo đề phòng ngập lụt.
Đơn vị cũng phối hợp với lực lượng Biên phòng 394 sẵn sàng hướng dẫn cho tàu thuyền vào âu tránh bão.
Đánh giá về nguyên nhân gây nên những thiệt hại về người và của tại Khánh Hòa trong cơn bão số 8 vừa qua, Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Hội trưởng Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa khẳng định, TP Nha Trang như là một thung lũng, bốn bề được bao bọc bởi các dãy núi cao, mặt trước hướng ra biển.
Đây cũng là một vị thế đẹp kích thích mắt nhìn của các nhà đầu tư. Ngày càng nhiều dự án đua nhau mọc trên các tầng cao của núi, triền đồi. Dự án nào cũng muốn “tranh giành” tận hưởng cảnh quan thiên nhiên. Chính điều này đã khiến thiên nhiên có những biến chuyển, mất liên kết ổn định bề mặt trái đất.
Theo ông Lộc, chỉ riêng trên đỉnh núi Cô Tiên đã có khoảng 15-20 dự án lớn bé mọc đan xen nhau. Thậm chí các dự án còn không phân định nổi ranh giới, vô cùng lộn xộn. Cả khu rừng phòng hộ cũng không thoát khỏi lưỡi cày của hàng chục máy xúc công trình.
“Các dự án mọc lên trên nóc TP như nấm, đất rừng bị xắn ra làm đường khiến TP không còn khả năng chống đỡ với thiên tai. Một số công trình dự báo sẽ dễ gây ra hậu quả nếu thực hiện, chúng tôi đều kiên quyết can ngăn”, ông Lộc nhấn mạnh.
Mến Thương