UBND tỉnh Khánh Hòa mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, các hoạt động TGPL cho người dân trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng; các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân phải được kết hợp, thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, việc triển khai thực hiện Chiến lược được chia làm 3 giai đoạn.
Cộng tác viên phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân trong một buổi trợ giúp pháp lý lưu động |
Giai đoạn I (từ nay đến hết 2015) tập trung vào các hoạt động xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin và Hộp tin về TGPL tại trụ sở tiếp dân của 80% UBND cấp huyện và UBND cấp xã; 90% trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng ở tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Đồn biên phòng; xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, thông tin về TGPL trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động xét xử lưu động của Tòa án nhân dân tỉnh và cấp huyện; biên soạn, phát hành tờ gấp, tời rơi tuyên truyền pháp luật và các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật khác;
Kiện toàn các Phòng chuyên môn của Trung tâm TGPL theo lĩnh vực TGPL và có đầy đủ các chức danh Trưởng, Phó phòng, đảm bảo mỗi lĩnh vực TGPL đều có Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Trọng tâm của giai đoạn 2013 – 2015 là củng cố các Chi nhánh, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của các Chi nhánh. Thành lập các Chi nhánh số 5, số 6 và số 7 của Trung tâm theo lộ trình: năm 2013 thành lập Chi nhánh số 5 (huyện Cam Lâm) và Chi nhánh số 6 (huyện Vạn Ninh); năm 2014 thành lập Chi nhánh số 7 (huyện Diên Khánh);
Khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu TGPL và khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL theo định kỳ hàng năm nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu TGPL của người dân; tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo quy định hiện hành; tăng cường các hoạt động TGPL ở cơ sở, ưu tiên các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và người dân ở các xã đảo trong tỉnh…
Giai đoạn II (từ 2016 đến 2020) có các hoạt động nổi bật như lắp đặt Bảng thông tin và Hộp tin về TGPL tại tất cả trụ sở tiếp dân của UBND cấp huyện và UBND cấp xã; cơ quan tố tụng ở tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Đồn biên phòng; bảo đảm thời lượng thông tin thích hợp trong tuyên truyền về TGPL phát trên hệ thống truyền thanh cấp xã; xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, thông tin về TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương;
Rà soát, củng cố và tiếp tục phát triển đội ngũ cộng tác viên, chú trọng phát triển các cộng tác viên TGPL là công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã, Hội Phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng …; bảo đảm 100% người thực hiện TGPL được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ TGPL…
Giai đoạn III (từ 2020 đến 2030): tiếp tục kiện toàn đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp, hiện đại; bảo đảm 100% người thực hiện TGPL đáp ứng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm quyền lựa chọn người thực hiện TGPL của người được TGPL; duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ TGPL trực tiếp cho người dân theo hình thức trực tuyến, qua mạng internet; Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL; Kiểm tra, đánh giá, tổng kết, báo cáo việc tổ chức thực hiện Chiến lược…
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phạm vi hoạt động trong Điều lệ của các đoàn thể, tổ chức đã được phê duyệt có kế hoạch cụ thể, tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch; đồng thời giao Sở Tư pháp trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đã được phê duyệt và theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
Hải Dương