Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu hơn 20 năm trước đây, toàn bộ khối lượng khí đồng hành khi các doanh nghiệp khai thác dầu khí đều bị đốt bỏ ngoài khơi thì đến hôm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có khả năng chế biến khí đồng hành và đưa khí vào sử dụng để sản xuất điện, đạm, phục vụ các ngành sản xuất và dân sinh. Điều ý nghĩa hơn nữa là nhà máy nằm trong Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.
Trong bối cảnh thiếu hụt khí dầu mỏ hóa lỏng LPG tại Việt Nam, công trình khánh thành được kỳ vọng sẽ có tác dụng ổn định nhu cầu của thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Dự án Nhà máy Xử lý khí Cà Mau có công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí/ngày từ nguồn khí PM3-CAA, cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 10 ngàn tỷ đồng. Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, nhà máy cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn khí hóa lỏng LPG/ngày, bổ sung khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước.
Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã tham gia trồng cây tại Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 - cây số 0, xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc.