Sai phạm cần được xử lý khi họ còn đương chức đương quyền!

(PLO) - Tiếp theo việc xử lý trường hợp 2 con gái của Bí thư Huyện ủy Chư Prông (Gia Lai) thăng tiến “thần tốc”, mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã xử lý các trường hợp bổ nhiệm sai người thân của nguyên Chủ tịch tỉnh này.
Trụ sở Huyện ủy Chư Prông
Trụ sở Huyện ủy Chư Prông

Theo đó, em gái cùng cha khác mẹ của Chủ tịch tỉnh từ một lao động bình thường lên tới chức Phó ban Dân tộc tỉnh đã xin thôi chức, chồng bà ta từ Phó Chi cục Quản lý thị trường trở về với vị trí nhân viên, con trai của nguyên Chủ tịch tỉnh đang là Chánh Thanh tra Sở Nội vụ lại trở về với chức Phó của mình.

Đáng nói là trong 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch tỉnh Gia Lai, ông “nguyên” này đã để lại rất nhiều sai phạm khó khắc phục nổi trong lĩnh vực quản lý đất đai, cửa khẩu và hiện tại mới chỉ xử lý sai phạm trong bổ nhiệm mà thôi. Tương tự ở Hải Phòng, cái huyện An Dương nổi tiếng với hiện tượng “cả nhà làm quan” cũng chỉ xử lý kỷ luật ở mức khiển trách với Bí thư Huyện ủy và vài chức danh liên quan đến việc bổ nhiệm.

Cũng trong tháng đầu tiên của năm 2018, Hải Phòng cách chức Phó Bí thư Huyện ủy An Lão có sai phạm trong quản lý đất đai và thi tuyển công chức, còn chức Chủ tịch huyện của ông ta đang trong quá trình xem xét. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm trong xây dựng đô thị hơn 50 tỷ đồng tại quận Hồng Bàng và yêu cầu cơ quan điều tra của Công an vào cuộc. 

Tại Hà Nội, “điểm nóng” tập trung ở các vỉa hè lát đá. Thanh tra thành phố đã có kết luận sau 2 tháng làm việc và chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các quận, huyện thi công hạng mục này. Các sai phạm đó thuộc về giá thành chênh lệch nhau rất lớn, chất lượng không đảm bảo, vượt giới hạn cho phép,... Trách nhiệm thuộc về UBND  các quận và các Ban quản lý dự án. Sai phạm chưa bị xử lý nhưng đã có trường hợp Trưởng ban dự án lát đá vỉa hè này được thăng chức làm Phó Chủ tịch quận, điều đó gây nên bức xúc trong dư luận và đặt ra dấu hỏi cho sự thăng tiến này.

Tình trạng những sai phạm bị các cơ quan chức năng phát hiện hoặc báo chí phanh phui nhưng không kịp thời xử lý đã tồn tại trong nhiều năm qua dẫn đến hậu quả ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn, mức lây lan nhanh hơn. Chỉ đến khi người có chức quyền mắc sai phạm đã nghỉ hưu thì các sai phạm trước đó mới bị mang ra xử lý, điều đó làm giảm đi rất nhiều tác dụng của các hình thức kỷ luật này và làm suy giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì không được phép cho tình trạng này tiếp tục tồn tại được nữa!.