Khát việc làm, hàng loạt cử nhân sư phạm sập bẫy ‘chạy biên chế’

(PLO) -  Bằng thủ đoạn làm giả các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 5/2013 đến tháng 3/2015, Phạm Thị Tư (SN 1962, ngụ thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt cử nhân sư phạm khát việc làm.
Bị cáo Tư bị tuyên phạt 12 năm tù, nhưng nghi phạm cùng gây án hiện đã bỏ ra nước ngoài sinh sống

Sau khi nhận thông tin phản ánh về việc sử dụng giấy tờ không hợp lệ để thuyên chuyển công tác của chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1991, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), ngày 2/10/2014 UBND Quốc Oai huyện có công văn chuyển toàn bộ tài liệu đến công an huyện điều tra. Qua xác minh, CQĐT nhận thấy có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra như sau: Tháng 12/2013, Tư biết chị Quỳnh đang dạy hợp đồng tại trường tiểu học xã Yên Trung, huyện Thạch Thất nên bắt chuyện giới thiệu có người quen ở Sở Nội vụ đang có suất vào viên chức ngành giáo dục mà không phải thi tuyển với chi phí 100 triệu đồng.

Chị Quỳnh tin lời, cuối tháng 12/2013 đã đến nhà Tư đưa 100 triệu nhờ xin việc. Tư khai sau khi nhận số tiền trên đã đưa cho Phạm Thị Tâm (SN 1982, ngụ xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, là em cùng cha khác mẹ) 95 triệu đồng nhờ làm giả 1 tờ Quyết định của UBND huyện Thạch Thất về việc tuyển dụng và phân công chị Quỳnh nhận công tác tại trường tiểu học Kim Quan và Quyết định của Sở Nội vụ về việc bổ nhiệm chính thức vào ngạch viên chức đối với chị Quỳnh để đưa cho chị này.

Tháng 7/2014, Tư gọi chị Quỳnh đến nhà đưa hai tờ quyết định trên và dặn chờ có quyết định mới thì đi làm. Mặc dù kiểm tra các bản quyết định, thấy có chi tiết không đúng, nhưng vì Tư nói là “có suất chen ngang”, nên nạn nhân vẫn tin tưởng.

Sau vài ngày, Tư lại gọi điện cho chị Quỳnh đến nhà viết sơ yếu lý lịch, đơn xin chuyển công tác để đưa cho em cùng cha khác mẹ làm giả xác nhận của trường tiểu học Kim Quan và làm giả công văn của UBND về việc đồng ý thuyên chuyển công tác đối với chị Quỳnh gửi UBND huyện Quốc Oai.

Sau khi có các bản quyết định và hồ sơ giả trên, Tư và em gái mang đến nhà ông phó phòng nội vụ huyện Quốc Oai nhờ giúp đỡ. Do không biết các giấy tờ là giả, UBND huyện Quốc Oai ra quyết định tiếp nhận và điều động viên chức đối với chị Quỳnh về dạy học tại trường tiểu học Bồng Xuân (huyện Quốc Oai) kể từ ngày 1/9/2014. Sau đó Tư yêu cầu chị Quỳnh đưa thêm 3,2 triệu đồng tiền mua hồ sơ, quà “cảm ơn” phó phòng nội vụ huyện.

Sau khi những giấy tờ trên bị nghi ngờ, tố cáo, CQĐT đã ra quyết định trưng cầu giám định các tài liệu trên, Phòng kĩ thuật hình sự CA TP Hà Nội kết luận các giấy tờ trên là giả. Ngày 17/3/2015, CQĐT CA huyện Quốc Oai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Tư về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tại CQĐT, ban đầu Tâm không thừa nhận việc làm giả các tờ quyết định cũng như nhận 95 triệu đồng như chị gái khai. Quá trình điều tra xác định Tâm và gia đình không có mặt tại địa phương. Đến ngày 1/9/2015, Tâm đã ra nước ngoài.

Về phía phó phòng nội vụ huyện Quốc Oai khai nhận rằng vì Tâm là bạn con trai ông, do không biết hồ sơ Tâm nhờ xin chuyển công tác cho chị Quỳnh là giả nên giúp đỡ. Sau khi xong việc, Tâm có “cảm ơn” 5 triệu đồng. Đến khi biết hồ sơ là giả, ông đã trả lại Tâm số tiền trên. Về phía bị cáo Tư, khai nhận mọi hành vi như kết luận điều tra nêu, và đã tự nguyện trả lại nạn nhân 103 triệu đồng. 

Ngoài nạn nhân trên, Tư khai nhận đã dùng thủ đoạn giả lo chạy việc vào viên chức nhà nước trong ngành giáo dục, làm giả con dấu của các cơ quan, tổ chức để tạo dựng lòng tin, nhận tiền rồi chiếm đoạt của 5 người khác. 

CQĐT kết luận từ tháng 5/2013 đến khi bị bắt, Tư đã nhiều lần làm giả các quyết định, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa 6 nạn nhân chiếm đoạt 850 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo khai báo thành khẩn và mong nhận được hưởng khoan hồng của pháp luật. Nhưng điều này không được các bị hại đồng tình mà đề nghị mức án đúng người đúng tội. Đồng thời các bị cáo đề nghị bị hại phải khắc phục hậu quả.

Đại diện VKS cho rằng hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền lợi của bị hại. Ngoài ra, hành vi làm giả con dấu của bị cáo ảnh hưởng xấu và làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước. Vì vậy cần có mức hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Trong khi đó, người nhà bị cáo cho rằng không hề biết việc Tư lừa đảo cho đến khi CQĐT triệu tập. 

Sau giờ nghị án,  HĐXX tuyên bị cáo Tư chịu mức án 12 năm tù về tội tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Buộc bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại./.

Đọc thêm