Khi ballet kết hợp với dân gian Việt

(PLVN) - Những năm gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam luôn nỗ lực đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt, qua sự kết hợp nghệ thuật hội họa truyền thống hay sự kết nối giữa truyền thuyết dân gian Việt Nam với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới.
Sự độc đáo của vở vũ kịch Đông Hồ khi truyền thống hội hoạ dân gian kết hợp cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới.(ảnh Nhà hát Vũ kịch Việt Nam).

Sự giao thoa tinh hoa nghệ thuật

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ ra mắt khán giả vở vũ kịch mới mang tên “Đông Hồ” của biên đạo người Anh gốc Việt - Nguyễn Ngọc Anh tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22 - 23/3/2023.

Vở vũ kịch “Đông Hồ” được xây dựng với chuỗi bức tranh như “Hứng dừa”; “Đám cưới chuột”; “Đánh ghen”; “Vinh quy bái tổ”; “Lý ngư vọng nguyệt”… được vẽ bằng vũ điệu ballet cổ điển thế giới. Đó chính là sự độc đáo của Đông Hồ khi truyền thống hội hoạ dân gian kết hợp cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới.

Nói về vở vũ kịch này, biên đạo Ngọc Anh chia sẻ: “Tôi rất muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ, hay những thiết kế trang phục, mà bằng "ngòi bút" sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet. Mặt khác, dù sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt, vẫn muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”.

Biên đạo Ngọc Anh thể hiện những cảm nhận của bản thân về nghệ thuật hội họa của tranh Đông Hồ qua mỗi màn múa trong tác phẩm. Ngọc Anh không tập trung về phương pháp kể chuyện chi tiết, mà dẫn dắt người xem hướng tới sự tinh tế giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận nhiều hơn. Thông điệp “cho và nhận” xuyên suốt vở múa chính là sự kết nối chặt chẽ dựa trên giá trị nhân văn của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, “Đông Hồ” còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua “Bốn mùa - New For Seasons”, bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi - một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới.

Nói về ý tưởng đưa “Đông Hồ” lên sân khấu ballet, ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, cho biết: “Vẫn đi theo tôn chỉ của Nhà hát là đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam quyết định xây dựng “Đông Hồ” với mong muốn gắn kết hơn nữa, làm mới hơn nữa sợi dây kết nối giữa nghệ thuật hội họa truyền thống với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới. Để người yêu múa không còn cảm thấy sự xa vời của nghệ thuật dân gian truyền thống, mà nó đã và đang hiển hiện trong từng vũ khúc ballet cổ điển của phương Tây”.

Để giúp khán giả có cái nhìn sâu hơn về vở ballet Đông Hồ, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với sự đồng hành của Thanh Productions, còn tạo nên một Galary Tranh Đông Hồ với sự góp mặt của nghệ nhân đến từ làng tranh Đông Hồ tại sảnh đón tiếp của Nhà hát Lớn Hà Nội. Các khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu các vật liệu, quá trình làm nên một tác phẩm tranh và trực tiếp tham gia tạo nên bức tranh Đông Hồ của riêng mình.

Điểm chạm văn hóa độc đáo

Trước đó, vở ballet “Hàm lệ minh châu” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã thu hút khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dựa trên truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy, “Hàm lệ minh châu” kể về một mối tình đẹp nhưng nhuốm màu bi kịch bởi những toan tính vụ lợi, sự đấu tranh nội tâm giữa bên tình, bên hiếu.

Vở ballet là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các hình thức thể hiện của múa ballet cổ điển với múa dân gian truyền thống Việt Nam và múa đương đại, tạo nên phong cách riêng bằng ngôn ngữ thể hình. Kết hợp với phần âm nhạc được viết bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng của trường phái ấn tượng - claude debussy, “Hàm lệ minh châu” trở thành một điểm gặp văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.

Vở ballet có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa mối tình của đôi trai gái của xã hội ngày nay và mối tình đau khổ giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy của xa xưa, khiến mỗi người đều suy ngẫm.

Nói về “Hàm lệ minh châu”, NSND Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc biến ý tưởng về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy thành hiện thực thông qua ngôn ngữ ballet. Một thách thức khác là làm thế nào để sử dụng chất liệu múa ballet, nhạc của phương Tây kết hợp một cách hiệu quả với nội dung chuyện tình phương Đông tạo nên sự truyền tải hợp lý, ấn tượng với khán giả”.

“Hàm lệ minh châu” đã đạt giải Giải xuất sắc của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài thay mặt hội đồng nghệ thuật của liên hoan đánh giá Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với năng lượng dồi dào luôn chứng minh khả năng dựng kịch múa xuất sắc. Chương trình của họ đã chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời đạt độ chuẩn xác vươn tầm quốc tế.

Hơn 60 năm qua, Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam ghi dấu với những tác phẩm, vở diễn nổi tiếng, từ Đại hợp xướng giao hưởng mang tên “Điện Biên Phủ còn sống mãi”, nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng”, “Cô Sao”, “Người tạc tượng của Đỗ Nhuận”, “Bên bờ K’rôngpa của Nhật Lai”, vũ kịch “Chị Sứ” của Xuân Định, “Phá lao” của Nguyễn Việt... đến những tác phẩm kinh điển của thế giới được dàn dựng công phu và biểu diễn thành công như nhạc kịch “Phidelio” của Bethoven, “Ruồi Trâu” của Xpadavecxki, Madame Butterfly, vở vũ kịch: Spactak, Gieselle, Hồ thiên nga...

Mỗi bước đi của Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam đều có dấu ấn của sự nỗ lực, sự cống hiến và tâm huyết của các nghệ sĩ, diễn viên tài năng.