|
Nghệ sỹ Lý Huỳnh |
Giai đoạn 1957-1965, giới võ thuật Việt Nam ai nghe đến tên Lý Huỳnh đều phải nghiêng mình kính nể. Ở thời hoàng kim của mình, Lý Huỳnh từng lập kỉ lục sang Campuchia so găng với các võ sĩ nước bạn, thượng đài 12 trận thắng 8 hòa 3 thua 1, con số đáng mơ ước đối với các võ sĩ thượng đài thời ấy.
Từng theo học các võ sư danh tiếng của giai đoạn 1950, Lý Huỳnh nhanh chóng chứng tỏ khả năng đặc biệt trong võ thuật, ngay từ năm 17 tuổi, chàng thanh niên Lý Huỳnh đã tạo tiếng vang đối với giới võ sĩ thượng đài nước ngoài bởi việc hạ gục đương kim vô địch võ thuật quân đội Pháp tại Việt Nam Francois. Giới võ thuật gọi ông bằng cái tên “Báo đen” để biểu lộ sự kính nể trước uy dũng và sự uyển chuyển, tinh anh của ông trên sàn đấu.
Nhưng hành động vang dội nhất của Lý Huỳnh thời trai trẻ chính là việc thách đấu với ngôi sao võ thuật nổi tiếng thế giới, huyền thoại Lý Tiểu Long. Báo chí Việt Nam- Hồng Kông ngày đó đưa tin rầm rộ sự kiện này, nhưng tiếc là ngay sau đó Lý Tiểu Long mất đột ngột, nên chưa bao giờ Báo đen của Việt Nam có cơ hội được so tài cao thấp với huyền thoại võ thuật Trung Quốc.
Hỏi vui ông về nguyên cớ dẫn đến việc “liều mình” của thời trai trẻ, ông kể: “Năm ấy tôi đóng phim Liên hoàn bát cước do Đài Loan sản xuất. Lúc ấy, Võ sư chỉ đạo võ thuật của phim là Hàn Anh Kiệt, sau khi xem tôi đi bài liên hoàn bát cước ngoạn mục liền hỏi tôi dám thách đấu với Lý Tiểu Long của Trung Quốc không, tôi nghĩ mình rèn luyện bao năm, tự tin ở võ thuật Việt Nam, lại tự ái dân tộc nữa, nên tôi viết thư cho Lý Tiểu Long thách đấu với ông ấy”. Hỏi ông nhắm có thể ngang ngửa với Lý Tiểu Long không, ông cười nhưng cương quyết, “tôi không nghĩ mình thua nên mới dám thách đấu, chứ đâu liều mạng chơi ngông”…
Cũng trong thập niên 70, ông bén duyên với điện ảnh với những bộ phim võ thuật Long hổ sát đấu, Báu kiếm rửa hận thù… nhân vật của ông không những võ nghệ siêu quần mà còn có diễn biến tâm lý hấp dẫn, nhưng phương châm điện ảnh của ông: Không chỉ diễn với võ thuật, mà còn phải nghiêm túc hiểu rõ tâmlý nhân vật.
Chính phương châm ấy đưa ông đến với Điện ảnh vàng của Việt Nam, với những vai diễn phản diện kinh điển: Đại uý Hoàng trong vai cô Nhíp, đại uý Long trong Mùa gió chướng, bởi các đạo diễn nhận định, gương mặt ông có cái thần, cái dũng, cái dữ, rất hợp vào vai các sĩ quan nguỵ, ác ôn. Nhắc lại chuyện, ông cười: “Thời đó tôi vào vai xong ra đường người ta ghét cay ghét đắng vì trong phim ác quá, càng ghét tôi lại càng vui vì mình diễn đạt”.
Vai diễn để đời của ông là nhân vật Hai Lúa trong Vùng gió xoáy, nhân vật khắc hoạ nổi bật tính cách người nông dân Nam bộ, trở thành một huyền thoại, và cái tên Hai Lúa cũng trở thành tính từ chung để chỉ người dân quê từ đó.
Nhưng ông chưa bao giờ là một người chịu đứng yên một chỗ. Từ nghiệp diễn, lần đầu ông bước chân vào một ngành kinh doanh mới mẻ của thời ấy: Kinh doanh điện ảnh.
Tung hoành trên thương trường và những câu chuyện chưa kể
Có thể nói, Báo đen Lý Huỳnh là một trong những nhà sản xuất phim đầu tiên phục vụ thị trường của nước ta sau 1975. Ông cũng chính là người mở đầu thời hoàng kim của phim thị trường Việt Nam mà hẳn ai trong chúng ta vẫn nhớ như Phạm công Cúc Hoa, Lửa cháy Thành Đại La, Nước mắt học trò, Vòng xoáy cuộc đời… đã góp phần tạo nên tên tuổi của một lớp diễn viên “vang bong một thời” như Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh…
|
Vợ chồng nghệ sỹ - doanh nhân Lý Huỳnh |
Phim Lửa cháy thành Đại La đầu tư hoành tráng nhất thời ấy, in tráng tại Việt Nam, tổng số tiền mà tôi đầu tư vào đấy là 500 triệu đồng, khổng lồ so với giá trị tiền thời bấy giờ. Sau đó tôi tiếp tục làm cùng thể loại với 3 phim Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Sơn thần thuỷ quái và liên tục “thắng lớn”. Hỏi ông lý do khiến ông liều lĩnh đầu tư vào điện ảnh khi trước đó chưa có thể nghiệm nào, ông cười “Máu me với nghề mà. Tôi yêu điện ảnh như máu thịt, lại thích kinh doanh, mê làm giàu, muốn làm chủ, nên đầu tư điện ảnh là hợp lý quá còn gì”.
Thắng lợi liên tục ở thể loại phim lịch sử đã khiến ông quyết định “lấn sân” sang phim tâm lý- xã hội. Bộ phim đầu tiên ông thể nghiệm là Nước mắt học trò – cũng là phim đầu tay, bài tốt nghiệp của cậu trai lớn, đạo diễn Lý Sơn. Phim mở màn cho dòng tâm lý xã hội ăn khách cực kì thời ấy, đưa “gia đình điện ảnh” Lý Huỳnh thành một trong những nhà sản xuất phim hàng đầu Việt Nam. Vừa sản xuất, kiêm luôn phát hành không đơn giản.
Hãng phim Lý Huỳnh đã nghĩ ra các chiêu thức mà bây giờ người ta gọi là marketing. “Có nhớ hồi đó mấy bộ phim ăn khách của hãng Lý Huỳnh luôn có poster thật đẹp treo khắp nơi, tờ rơi phát đầy các ngã tư và nhất là mấy chiếc xe hùng hậu phát loa quảng cáo phim sắp chiếu khắp từ thành phố tới làng quê không? Cũng nhờ mấy chiêu quảng cáo đó mà phim ăn khách quá trời”, ông nhớ lại trong tự hào.
Hỏi ông, nghệ sĩ, võ sư mà sao “nhạy” kinh doanh đến vậy, ông cười chỉ sang vợ, bà Đoàn Thị Nguyên. Ông trìu mến cầm bàn tay bà: “Tay này là tay tiền, tay bạc đó. Hồi gia đình còn nghèo, bả là người bươn chải nuôi heo, bán bút, làm đủ nghề kiếm tiền cho mấy cha con theo nghiệp diễn chứ ai”. Bà cười hào sảng: “Bán đàn heo vốn của cả nhà để làm phim đó chứ. Nghĩ cũng liều, cả nhà có mỗi đàn heo, lỡ đầu tư lỗ chắc đó, nhưng máu làm giàu của tui, mê điện ảnh của ổng cộng lại, nên… làm luôn”. Thời gian cha con ông đi làm phim dù xa hay gần, bà cũng luôn ở bên, lo toan mọi bề, tính toán chi tiêu tiền bạc. Phim Tây Sơn Hào kiệt hoành tráng, đạt kỉ lục Việt Nam về phim Việt hoánh tráng nhất, mà kinh phí chỉ có 12 tỉ.
Hai vợ chồng Lý Huỳnh chia sẻ: “Tất nhiên là còn nhờ các địa phương, đơn vị, nhờ tỉnh Bình Định ủng hộ. Nhưng so với hàng trăm tỉ để làm phim lịch sử của người ta, thì nhà tôi làm vậy là chi phí thấp nhất có thể rồi. Mình làm, tiền của mình chi ra thì phải biết xót, phải vun vén, chắt chiu chứ”. Gia đình nghệ thuật- kinh doanh ấy cũng rất chi là thực tế. Bởi thế mà, làm phim Tây Sơn hào kiệt như một thú chơi, một dự án để đời, làm vì hưởng ứng 1000 năm Thăng Long, vì trả nợ cho lịch sử dân tộc, mà ông vẫn tính rằng, có thể thu hồi vốn. Hiện, bộ phim đang trên đà hồi vốn, 14 đài tỉnh và nhiều đơn vị khác đã mua lại phim.
Niềm tự hào lớn nhất của ông trong nghiệp kinh doanh nghệ thuật là thời xưa làm phim lịch sử kéo khách đến rạp, thời nay làm phim lịch sử thì được nhà nước trân trọng, được khán giả đón nhận, và vinh dự nhận nhiều giải thưởng cho nhiều hạng mục. “Có được điều này, tôi cho rằng phần lớn là do mình làm nghiêm túc. Tôi chăm chút từng chi tiết cho từng bộ phim, phim lịch sử thì trang phục, võ sư, nghiên cứu chi tiết lịch sử, đều rất để tâm và cố gắng chính xác nhất có thể. Nghiêm túc là yếu tố tối cần thiết trong cả nghệ thuật và kinh doanh”.
“Luôn muốn là người đi trước”
Đó là câu nói mà “Báo đen” nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện. Ông kể với cái vẻ của một người luôn tự hào vì những gì gia đình mình đã gian khổ gầy dựng nên: “Nói vui, chứ sao tôi thấy, cái gì gia đình mình cũng luôn là người đi trước. Hồi xưa thì mở đầu cho sản xuất phim bán ra thị trường, mở đầu dòng phim ăn khách, rồi bây giờ, cũng mở đầu cho dòng phim lịch sử sau thời gian bị quên lãng, rồi…” cái rồi mà ông ngập ngừng, là điều mà gia đình ít khi nói đến, là ngoài thành công trong điện ảnh, đến thời đại của kinh tế thị trường gia đình ấy vẫn kịp thời nắm bắt và thành công ở một trong những ngành kinh doanh nóng bỏng hàng đầu của thương trường: Bất động sản.
Bà thì cười: “Có gì đâu, rảnh thì làm cho vui, kiếm thêm tiền làm phim”. Ông nhìn bà tủm tỉm cười, bởi ai chẳng biết, cái “làm cho vui” của hai vợ chồng Lý Huỳnh, thực chất là công ty BĐS Kim Hoàn phát đạt mà trong giới ít nhiều biết đến. Rồi báo chí đăng, vợ Lý Huỳnh chuyển cổ phiếu 400 tỉ từ một công ty BĐS sang cho con trai Lý Sơn đang điều hành Cty gia đình Lý Gia, là một trong 25 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Họ vẫn lại vẫn cười, chuyện nhỏ, nửa ngại nói về mình, nửa tự hào. Nhưng cũng lại hé lộ rằng, căn nhà mặt tiền đường 3/2 là nơi sống quen từ thuở xưa, nhưng đã chật, về già hai vợ chồng tích trữ một vài miếng đất ở quận 2 để vui thú điền viên…
Ông có một khát vọng, là làm sao để sự nghiệp kinh doanh của mình đem lại nhiều điều có ích cho xã hội. Con đường đi của ông hiện tại chứng tỏ cái tâm của ông: Kinh doanh để làm giàu, và tiền kinh doanh, ông đầu tư vào nghệ thuật điện ảnh. Và tác phẩm điện ảnh mà ông ấp ủ sản xuất, vượt ra khỏi kinh doanh kiếm lãi thông thường, đó là tác phẩm để đời, về niềm tự hào dân tộc, về những bài học mà người trẻ luôn phải suy ngẫm, ghi nhớ. Ông chỉ hé lộ đến vậy.
Luôn bảo rằng mình già rồi, giờ giao lại cho con cháu, nhưng trò chuyện về nghệ thuật, về kinh doanh, ông vẫn mắt sáng quắc tinh anh, vẫn đầy “máu lửa” với một hai dự án đang ấp ủ. Trong thương trường, ông vẫn là con “báo đen”, lúc cần thì ẩn mình rất kín, nhưng khi đã tung miếng thì thiên hạ ai cũng nể uy danh. “Gia đình này đã làm gì, thì làm tới nơi, làm cho hoành tráng, cho người ta phải nể phục”- ông nói tự tin và oai vệ như thế.
Từ hai bàn tay trắng mà nên, nên gia đình Lý Huỳnh tuy giờ đã được gán cho danh hiệu “Đại gia”, nhưng vẫn quen sống nếp sống giản dị. Gia đình có nền nếp, thứ bậc đường hoàng. Sáu người con, dù Lý Sơn thành đạt thương trường hay Lý Hùng ngôi sao điện ảnh, về vẫn một mực hiếu kính cha mẹ, yêu thương nhau. Và theo ông, đó mới chính là gia sản quý báu nhất mà cả đời ông có được.
Trân Trân