Khi Bộ Tài chính không tin doanh nghiệp xăng dầu

Nhiều “khác biệt” trong bảng giá cơ sở của doanh nghiệp xăng dầu đã được Bộ Tài chính “phát hiện”. Thực tế, mặt hàng xăng đã từng lãi tới 341 đồng/lít chứ không hề hòa vốn, hay lỗ như doanh nghiệp kêu ca.
Nhiều “khác biệt” trong bảng giá cơ sở của doanh nghiệp xăng dầu đã được Bộ Tài chính “phát hiện”. Thực tế, mặt hàng xăng đã từng lãi tới 341 đồng/lít chứ không hề hòa vốn, hay lỗ như doanh nghiệp kêu ca. Kêu lỗ vì phải giảm giá xăng Đúng lúc, dư luận đang căng như dây đàn về chuyện giá xăng, khi giá thế giới đã giảm liên tục tới 19-20 USD/thùng, doanh nghiệp lần chần, nơi kêu lỗ nặng, nơi bảo “mới chỉ hòa vốn” thì Bộ Tài chính ra lệnh: phải giảm giá xăng. Các doanh nghiệp xăng dầu bằng mặt nhưng không bằng lòng. Bởi lý do “muôn thuở” như vị Phó Tổng Giám đốc Petrolimex từng nhấn mạnh: “Chưa đủ lợi nhuận định mức thì chưa thể giảm giá được.” Tính tới ngày 25/5, thời điểm Bộ Tài chính “chốt” mọi chi phí đầu vào để xét chuyện giảm giá xăng vừa qua, bảng giá cơ sở xăng dầu của Petrolimex cho thấy, mặt hàng xăng mới dư 63 đồng/lít.
Giá xăng dầu vẫn còn nhiều tù mù chưa minh bạch (ảnh: Phạm Huyền)
Do đó, sau khi “bị” bắt phải giảm 500 đồng/lít, giá xăng bán lẻ còn 16.490 đồng, người tiêu dùng sẽ “tự nhìn thấy” rằng: doanh nghiệp từ lãi chút ít đã chuyển sang lỗ tới 437 đồng/lít. Và mặc dù được bù 200 đồng/lít từ Quĩ, mặt hàng xăng sẽ vẫn bị lỗ tới 237 đồng/lít. Ông Vương Đình Dung, Giám đốc Công ty xăng dầu quân đội bức xúc nói: “Bộ ép doanh nghiệp như vậy là vô lý. Ngay tại thời điểm đó, nếu Petrolimex có chút lãi ít nhờ điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn thì chúng tôi vẫn lỗ nặng." “Giờ, phải giảm giá như vậy, mặt hàng xăng còn tiếp tục lỗ sâu hơn!”, ông Dung nói. Với những con số công khai trên, so sánh ra, nhiều người cũng sẽ tin rằng, “sự ấm ức” của doanh nghiệp xăng dầu là có lý. Được biết, ngay sau khi có tin phải giảm giá bán lẻ, không ít lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu đã gọi điện, “kêu khóc” với lãnh đạo Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ở lần này, lãnh đạo Bộ Tài chính đã kiên quyết: không chống lệnh của Bộ.Giá cơ sở không cao như doanh nghiệp tính Nếu gọi "yêu cầu phải giảm giá xăng" của Bộ Tài chính là ép uổng thì cũng chẳng phải là "ép" oan cho doanh nghiệp. Nỗi ấm ức của doanh nghiệp khó mà được "đồng cảm" khi mà, tính toán của Bộ Tài chính lại cho kết quả “ngược lại”: doanh nghiệp không lỗ như vẫn kêu với báo chí và dư sức để giảm giá cho người tiêu dùng. Cùng một mức giá FOB bình quân 30 ngày như nhau, nhưng giá CIF tại cảng Việt Nam qui về VND và giá cơ sở do doanh nghiệp công bố cao hơn  nhiều so với kết quả giám sát của Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp không lỗ nhiều như vẫn kêu với báo chí (ảnh: Phạm Huyền)
Tại thời điểm ngày 25/5, Petrolimex cho biết, nếu không tính lợi nhuận định mức, giá cơ sở xăng A92 sẽ là 16.927 đồng/lít. Nhưng tính toán của Bộ Tài chính cho biết, giá cơ sở xăng A92 chỉ là 16.649 đồng, thấp hơn tới 278 đồng/lít. Tương tự, giá cơ sở dầu diesel mà Petrolimex công bố là 15.058 đồng/lít, Bộ Tài chính cho biết là 14.886 đồng/lít, “vênh” tới 172 đồng/lít. Giá cơ sở dầu hỏa do doanh nghiệp tính là 15.454 đồng/lít, cao hơn mức của Bộ Tài chính tính (15.217 đồng/lít) là 237 đồng/lít. Sự sai lệch này cũng bắt đầu từ mức giá CIF khác nhau giữa bảng giá của bộ và của doanh nghiệp. Cụ thể, Petrolimex cho biết, giá CIF xăng A92 là 10.592 đồng/lít, dầu diesel là 11.251 đồng/lít, dầu hỏa  là 11.212 đồng/lít. Nhưng theo Bộ Tài chính, giá CIF thực tế thấp hơn nhiều. Cụ thể, theo 3 mặt hàng trên, mức giá CIF nhập về Việt Nam chỉ là 10.413 đồng/lít đối với xăng,  11.096 đồng/lít dầu diesel và 11.046 đồng/lít dầu hỏa. Bởi thế, với kết quả trên, Bộ Tài chính cho hay, doanh nghiệp đã lãi tới 341 đồng/lít xăng chứ không phải là lỗ nặng hay chỉ mới hòa vốn 63 đồng như Petrolimex công bố. Đó là căn cứ xác đáng để cần phải giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Sau khi giảm giá bán lẻ như vậy, doanh nghiệp vẫn lãi tới 41 đồng/lít xăng chứ không lỗ như công ty xăng dầu quân đội kêu ca. Phân tích thêm về điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho hay, doanh nghiệp công khai giá cơ sở là rất tích cực nhưng 2 yếu tố là chi phí bảo hiểm và vận chuyển tử cảng nước ngoài về Việt Nam, cũng như tỷ giá lại chưa nêu rõ. "Khi điều hành giá, Bộ phải căn cứ dữ liệu để tính toán chứ không phải "tin" hoàn toàn theo những gì doanh nghiệp công bố lên, nhưng chắc chắn giảm giá như vậy, doanh nghiệp không lỗ", ông Thỏa khẳng định. Không thể phủ nhận sự tiên phong của Petrolimex trong việc công khai hàng ngày bảng tính giá cơ sở xăng dầu nhưng từ khi có bảng giá này, người tiêu dùng chỉ thấy, giá bán lẻ thường xuyên là giá lỗ.
Theo Phạm Huyền
VietNamNet

Đọc thêm