Khi các nhà hát “câu” du khách ngoại

Không hẹn mà gặp, hiện các nhà hát chèo, cải lương, hài kịch…đang ráo riết tìm hướng đi mới để thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả quốc tế. Ngành du lịch có thêm những điểm đến thực sự hấp dẫn du khách nước ngoài, đồng thời qua đó các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc cũng được giới thiệu, bảo tồn và phát triển tốt hơn…

Không hẹn mà gặp, hiện các nhà hát chèo, cải lương, hài kịch…đang ráo riết tìm hướng đi mới để thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả quốc tế. Ngành du lịch có thêm những điểm đến thực sự hấp dẫn du khách nước ngoài, đồng thời qua đó các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc cũng được giới thiệu, bảo tồn và phát triển tốt hơn…

Vở cải lương “Mệnh Đế Vương” được dịch bằng tiếng Anh.
Vở cải lương “Mệnh Đế Vương” được dịch bằng tiếng Anh.

Đua nhau “chinh phục” Tây

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều nhà hát lớn nhất cả nước, là nơi gìn giữ và phát triển các loại hình văn hoá dân gian truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca trù, quan họ, rối nước... Hiện nay con số người nước ngoài đến sống, học tập, làm việc và du lịch ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng ngày càng gia tăng. Vậy tại sao chúng ta không tranh thủ cơ hội này để giới thiệu những nét văn hóa cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cải lương đến với họ? Đó cũng là câu hỏi và cũng là sự quyết tâm của các nhà hát “chinh phục” khán giả ngoại.

Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa quyết định “thử nghiệm lần hai”  bằng cách ở mỗi tiết mục của chương trình nghệ thuật sẽ có bản dịch tiếng Anh dành cho khán giả nước ngoài… thông qua tai nghe. Tránh tình trạng gây mệt mỏi cho khán giả ngoại quốc khi phải “đeo bám” nội dung dài như ở lần thử nghiệm đầu tiên với vở “Mệnh đế vương”, lần này, Nhà hát Cải lương Hà Nội rút bớt thời lượng trong 7 tiết mục ngắn:  “Màn trống hội”, “bài hát Dạ cổ hoài lang”, “Bài hát Lý ngựa ô”, kịch ngắn “Kẻ trộm đêm giao thừa”, múa Chăm, bài hát tân cổ “Tình yêu trên dòng sông quan họ” và múa sáo. Có thể coi việc đưa tiếng Anh vào chương trình là một hành động tích cực của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam tới du khách nước ngoài.

Ngoài cải lương, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh. Chèo Hà Nội biểu diễn phục vụ khách du lịch từ các vở chèo lịch sử  “Thái úy Lý Thường Kiệt”, “Ngọc Hân công chúa”, chèo cổ “Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa...” đến chèo dân gian “Tấm Cám”, “Lọ nước thần”, “Nàng Sita” hay các vở chèo hiện đại “Chuyện tình sinh viên”...

Để phục vụ khách du lịch, Nhà hát Chèo đã đổi mới các chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp như xây dựng các sân khấu nhỏ chuyên biểu diễn các trích đoạn đặc sắc trong những vở chèo truyền thống, xen lẫn ca hát dân gian. Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội - NSƯT Trịnh Thúy Mùi lý giải, việc chia các sân khấu nhỏ rất hợp với du khách về thời gian cũng như thị hiếu của du khách nước ngoài. Nếu như các sân khấu lớn với 500 chỗ thì sân khấu nhỏ có thể biểu diễn cho đoàn khách khoảng 20 người.

Không nằm ngoài cuộc “câu” du khách quốc tế, Nhà hát Tuổi trẻ đã cố công dàn dựng và tổ chức biểu diễn ba tiểu phẩm hài kịch trong Đời cười là: “Qua sông”, “Chơi trò diễn ba diễn má”, “Phòng trút giận”, các nghệ sĩ diễn bằng tiếng Anh. Nhà hát cũng giới thiệu ba tiểu phẩm kịch hình thể mới được dàn dựng và thể hiện bằng tiếng Anh, đó là các vở “Lá rụng”, “Giấc mơ hạnh phúc”, “Ông già cõng vợ đi chơi hội” được công chúng đánh giá cao.

Tạp kỹ hay tinh túy?

Với bề dày kinh nghiệm thu hút du khách nước ngoài, Giám đốc Nhà hát múa rối nước Thăng Long, ông Nguyễn Hoàng Tuấn nhấn mạnh, vai trò của ngành du lịch có ý nghĩa đặc biệt đối với hoạt động của các nhà hát. Ông Tuấn cho biết, hiện nay, mỗi tháng Nhà hát đón gần 10.000 lượt khách quốc tế, 3000 lượt khách nội địa, lượng khách tour chiếm 70 đến 80%.

Ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm, để có được điều đó, Nhà hát đã ký hợp đồng với công ty lữ hành; tổ chức mời đại diện các công ty lữ hành đến, trao đổi về các giải pháp phục vụ tốt nhất; tham gia các sự kiện, hội chợ của ngành du lịch. Ngoài ra, Nhà hát chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, nghệ sỹ đáp ứng chế độ đãi ngộ phù hợp cho các văn nghệ sĩ yên tâm làm việc. Ngoài ra, trong quá trình biểu diễn Nhà hát có những định hướng, điều chỉnh về nghệ thuật để khách nước ngoài hiểu, yêu thích loại hình nghệ thuật rối nước Việt Nam.

Hơn nữa, để du khách quốc tế dễ cảm thụ nghệ thuật, các nhà hát không nên “ôm đồm” biến cải lương, chèo, hài thành tạp kỹ, hãy chọn cái gì tinh túy nhất của các loại hình nghệ thuật đó để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước. Và quan trọng hơn hết là các nhà hát cần chú trọng hơn phần lời dịch. Bởi lời dịch là “linh hồn” của các vở diễn. Ngôn ngữ, ý tứ của Việt Nam vốn rất đa dạng, phong phú, nhiều khi còn có ý bóng, ý ngầm. Trong khi đó, với tiếng Anh họ chỉ hiểu theo một chiều nên nếu không tìm được nghĩa tương đương sẽ khiến du khách hiểu sang một nghĩa khác.. Chính vì vậy, phải lựa chọn người dịch thật sự am hiểu về nghệ thuật cải lương, chèo, tuồng, hài và thông thạo tiếng Anh mới có thể chuyển tải đúng ngữ điệu, giúp khán giả hiểu được kịch tính và nội dung của chương trình…

“Câu” khách hiệu quả, nhà hát phải hiểu du lịch

Việc “bắt tay” với các nhà hát giúp cho các công ty lữ hành có thêm điểm đến hấp dẫn để giới thiệu cho du khách. Tuy nhiên, việc kết hợp phải được thực hiện từ sự nỗ lực từ hai bên và phải có sự gắn kết hài hoà. Quan trọng các nhà hát phải xây dựng những chương trình biểu diễn phù hợp, nội dung hấp dẫn với chương trình và thời gian tour.

Bảo Châu

Đọc thêm