Khi chồng là... cai ngục

Có muôn kiểu độc chiếm của các ông chồng đối với vợ mình, mà kiểu nào cũng đáng sợ như nhau. Điều đáng nói ở đây, những ông chồng như vậy không phải là những người “chân đất mắt toét”, mà đều là trí thức, thậm chí có người có học hàm học vị cao, thế nhưng họ lại trở thành người "cai ngục" của chính gia đình, khiến các bà vợ trở nên khốn khổ như tù nhân trong nhà. 

Có muôn kiểu độc chiếm của các ông chồng đối với vợ mình, mà kiểu nào cũng đáng sợ như nhau. Điều đáng nói ở đây, những ông chồng như vậy không phải là những người “chân đất mắt toét”, mà đều là trí thức, thậm chí có người có học hàm học vị cao, thế nhưng họ lại trở thành người "cai ngục" của chính gia đình, khiến các bà vợ trở nên khốn khổ như tù nhân trong nhà. 

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa
Chị Lưu Thị Mai Phương, nhân viên phòng nhân sự một công ty dịch vụ vận tải tại đường Cộng Hoà, TPHCM là người mà ai nhìn vào cũng phải chép miệng mơ ước. Chị Phương đẹp, sang trọng, lương tháng khá, gia đình giàu có, chồng lại là trưởng phòng một công ty kinh doanh nội thất. Có ai biết rằng, đêm đêm chị Phương đều khóc thầm cho số phận của mình. Tiếng là nhà giàu, vợ một trưởng phòng nhưng chưa bao giờ chị được chồng mình đưa đi đến dự buổi tiệc hay sinh hoạt nào của công ty chồng. 
Nhân viên chồng cũng chưa một lần biết mặt chị. Đã thế, tất cả các liên hoan, tiệc, lễ lạt của công ty mình, ngoại trừ bắt buộc ra thì chị không bao giờ được phép tham dự. Theo lập luận của chồng chị, phụ nữ giao tiếp rộng rãi bên ngoài thì càng dễ "sinh tật", dễ gây mất hạnh phúc gia đình. Đã bao lần, chị mong muốn được diện những bộ đồ đẹp, được đi đó đi đây, được đi du lịch cùng công ty, cùng bè bạn nhưng không hề có một ngoại lệ nào với người như chồng chị. Bao lần đấu tranh, khóc lóc rồi đâu lại vào đấy. Chị thấy mình khổ sở, thiệt thòi và ngày càng tù mòn.
Anh Trịnh Tiến Minh, phó giám đốc kĩ thuật một công ty sắt thép ở Quận 3 thì lại có cách "độc quyền" vợ chẳng giống ai. Anh sắm sửa cho vợ mình những vật dụng hiện đại nhất, những thứ đồ trang sức, trang phục sành điệu, đẹp đẽ nhất. Nhưng, bù lại tất cả, chị chỉ có mỗi mỗi dịp mặc những thứ ấy, đó là khi đi làm. Chị đi làm ở một công ty thiết kế do chồng chị xin cho, công ty toàn là nữ. Lại làm chung với em họ của chồng, nên chẳng cách nào dối chồng đi đâu được. Mà làm sao có cơ hội để lén đi đâu, làm gì, khi mà chồng chị, sáng sáng đánh xe chở chị đi làm, chiều chiều đánh xe chở chị về, nếu có bận quá hay công tác gì, thì giao cho lái xe hoặc cô em họ chồng. 
Anh bảo rằng, đi làm mười năm nay, anh chứng kiến bao cảnh ngoại tình sờ sờ trước mắt, khi mà dân công sở tận dụng từng giây, từng phút rảnh rỗi để trốn vợ trốn chồng, kéo nhau vào nhà nghỉ. Vì không muốn mình rơi vào trường hợp bị cắm sừng mà không biết, nên anh phải "phong toả" như thế, theo anh là để giữ vợ và giữ hạnh phúc gia đình mà thôi.
Tất nhiên, những kiểu "độc quyền" ấy, xét cho cùng cũng là một hình thức của bạo hành - bạo hành về tinh thần. Nó khiến người vợ, dù đời sống vật chất đầy đủ, dù chồng nâng niu, không "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" bao giờ, nhưng luôn phải sống trong cảnh đè nén, gò bó, tù túng. Cuộc sống của họ chẳng khác nào cá chậu chim lồng. Ngoài chồng con, ngoài gia đình ra, không còn dám mơ đến một thú vui nào khác. Lâu dần, nó triệt tiêu trong các chị niềm mơ ước, niềm vui được tận hưởng nhiều điều đẹp đẽ, thú vui chung quanh. Có chị, tức tưởi vì chồng rất thương, rất chiều, nhưng cấm cản mọi quan hệ. Đến nỗi về nhà thăm cha mẹ ruột còn bị nói nặng nói nhẹ, bị giận dỗi, ngăn cản...
Chị Liêu Thị Hoa, ngụ Phan Văn Trị, Bình Thạnh thì từ một cô gái làm trong lĩnh vực marketing, hoạt bát, sinh động, đến khi lấy phải ông chồng có tính “sở hữu cao”, đã phải rút về làm một công việc giáo vụ ở trường học, sáng đi tối về. Rồi dần, chị còn mất thói quen cười đùa, trêu chọc vốn là điểm mạnh của mình. Gặp đàn ông khác, chị không dám nhìn, dám nói chuyện, chỉ vì đức ông chồng vốn quá ghen, đã vài phen gây ẩu đả với người khác vì tội dám "nói chuyện thân mật" với vợ mình. Một ông anh họ xa của chị Hoa, đi nước ngoài chục năm mới về Việt Nam, lâu quá gặp lại em gái, mừng rỡ đến ôm choàng em, chồng chị Hoa chưa hiểu gì đã đến giáng cho ông anh một cú đấm muốn vẹo quai hàm.
Với sự ích kỉ, với những quan niệm chật hẹp và cổ hủ, các ông chồng ấy đã biến cuộc sống vợ mình thành ngục tù. Dĩ nhiên, không thể bao biện cho những hành động tiêu cực, coi thường bạn đời như thế  bằng lý do "quá thương, quá yêu" hay "muốn giữ hạnh phúc gia đình". Những cách "bảo vệ" của họ, hầu như đều nhận được những hậu quả không hay: Gia đình rạn nứt, người bạn đời rơi vào khủng hoảng tâm lý, hoặc dẫn đến tan vỡ hôn nhân.
Một điều quan trọng là, để bảo vệ cuộc sống gia đình, cũng như bảo vệ cuộc sống chính mình, người vợ đừng nên tự nguyên hoặc cho phép mình bị ép thành món đồ sở hữu như thế. Mạnh mẽ khẳng định giá trị cũng như giữ vững quan điểm sống chân chính của mình là điều các chị cần làm.
Kim Cúc

Đọc thêm