Nỗi buồn của vợ
Chị Th. (Q.3, TP.HCM) kể với chúng tôi về thú chơi chim cá cảnh của chồng: “Anh ấy suốt ngày đi ngồi với mấy ông bạn cùng hội, khoe những chiến lợi phẩm vừa sưu tầm. Mà đâu phải chim cá cảnh rẻ, có con cả triệu bạc cũng mua. Trong khi đó công việc thì bỏ bê, mình tôi cáng đáng…”.
Nỗi buồn như hằn lên đôi mắt chị vì từ ngày chồng mê chim cá đã không còn chí thú làm ăn như ngày xưa. Chị cho biết: “Ngày xưa hai vợ chồng làm công nhân mà vui. Có ít vốn, tôi mở quán cà phê, kêu ảnh nghỉ làm phụ quán. Ảnh nghe lời phụ nhưng cũng từ quán cà phê này ảnh đã lập hội mê chim, mê cá cảnh…”.
Quán xuyến chuyện nhà cửa đến kiếm tiền từ quán nhỏ của mình, chị Th. than: “Tôi chỉ buồn cho hai đứa nhỏ, nhiều khi đi học hổng ai đón. Tôi phải nhờ chú xe ôm đầu hẻm đón, còn ảnh thì chơi miết thôi”.
|
Một tâm sự khác cũng không kém là của chị L.. Chồng chị mê game online. Ngày xưa anh hiền khô, không biết Internet, kể từ ngày con lên cấp II, học tin học, thế là chị khuyến khích mua một chiếc máy vi tính để hai cha con cùng học. Lúc đầu đúng là cùng học thật nhưng sau đó hai cha con cùng… chơi. Game online với những màn chiến đấu tưng bừng, mỗi lần nhìn vào “nhức mắt gần chết” mà hai cha con cứ ngồi miết, có hôm quên cả ăn.
Chị đi làm cho một công ty, đọc báo thấy hiểm họa của ghiền game, chị khuyên hai cha con bỏ. Khóc lóc đủ điều, chồng và con chị hứa bỏ nhưng chừng tháng sau khi đi offline với các game thủ khác thì máu ghiền game của hai cha con lại nổi lên. Chị chia sẻ: “Giờ tôi cũng không biết làm sao cho ổng và con nghỉ hẳn game, nhưng bỏ bớt là cũng mừng rồi”.
Riêng với chị K.T. thì chồng chị lại mê… kiếm tiền. Nhà khá giả nhưng chị không vui mấy bởi “anh ấy suốt ngày họp hành, giao lưu, công tác xa…”. Nhiều hôm buổi chiều chồng vừa về, chị chưa kịp mừng vì nghĩ rằng hôm nay anh về ăn tối với chị và con. Ai dè anh tắm xong đã lo “đi gặp đối tác bàn về dự án sắp tới”.
Có những ngày về đến nhà đã 22g, anh mệt đừ, lăn ra ngủ. Thương chồng, yêu con nhưng lòng chị cũng cô đơn, trống vắng khi cuối tuần nhìn bạn bè được chồng chở đi xem phim hoặc quay lại chốn hẹn hò ngày xưa…
Chị kể: “Tôi thấy nhỏ Hiền, bạn thân, hạnh phúc quá, có khi chạnh lòng. Ngày yêu nhau, khi đó chưa có nhà cửa, xe xịn như bây giờ nhưng được cái tôi với ảnh luôn có những buổi hẹn lãng mạn”.
Đã hơn một lần chị nói nhỏ nhẹ mong muốn được chồng quan tâm hơn, lo cho gia đình. Mỗi lần như thế anh lại làm ầm lên: “Cô nghĩ tôi sướng lắm à? Tôi phải căng cái đầu lên để kiếm tiền lo cho con, cho cái nhà này được như hôm nay. Thế còn lo gì nữa?”.
Mỗi lần như vậy chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, tự thương mình và tự nghĩ: “Hạnh phúc gia đình đâu phải chỉ có chuyện vật chất sung túc. Sự quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên bằng những cử chỉ đơn giản như ăn bữa cơm chung, đi chơi cuối tuần… có những giây phút đó thì mối liên kết giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng mới bền chặt chứ”.
Giúp chồng vượt qua cơn mê
Đem những câu chuyện ấy chia sẻ với chuyên viên tư vấn tâm lý Minh Huệ thì được bà giải đáp: “Hạnh phúc gia đình cần sự chung tay của cả hai vợ chồng. Nuôi dạy con cái cũng vậy. Hai vợ chồng khi có con cần chung tay lo cho con và xem đó như một quyền lợi của mình”. Rõ ràng khi phân tích điều đó, chuyên gia Minh Huệ đã gợi ý cho nhiều cặp vợ chồng rằng việc cùng lo cho con cũng là một “đam mê” mà hai người cần hướng tới, nuôi dưỡng suốt đời.
Còn chị Phương Thảo (Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Với kinh nghiệm làm vợ 20 năm của mình, tôi nghĩ khi chồng quá đam mê một cái gì đó như game chẳng hạn, vợ không nên mặt nặng mày nhẹ. Phải dùng phương pháp ngon ngọt, hạn chế tối đa những lời nói dễ làm chồng mình mặc cảm, đẩy chồng đi xa”.
Cụ thể là gì? Chị Thảo bộc bạch: “Nấu những bữa ăn ngon, kéo anh ấy về với bữa cơm gia đình. Lên chương trình đi picnic cho cả nhà để anh ấy là “đạo diễn”. Hoặc “kéo” chồng cùng tham gia vào những hoạt động bổ ích như từ thiện, tập thể dục, đi phòng trà thưởng thức âm nhạc… Tôi vận dụng hết tất cả các biện pháp ấy để giữ chồng không quá đam mê vào nhiều thứ linh tinh, không có lợi”.
Hay chọn cách... cùng mê để hóa giải "cơn mê" của chồng như chị N.M.Thùy cũng là một gợi ý. “Nguyên mùa bóng ông xã thường không ngó ngàng đến vợ mà cứ mê trái bóng. Hồi mới cưới năm 1998, trúng mùa World Cup, tôi giận ảnh, đến khi xong mùa bóng cũng… không thèm ngủ chung. Nhưng sau đó nghe chồng giải thích cặn kẽ sở thích bóng đá là lành mạnh và xin lỗi tôi mới nhẹ lòng. Cũng may, anh ấy chỉ mê bóng chứ không mê “phòng nhì” và cá độ bóng đá” - chị Thùy nhớ lại những lần "dậy sóng" hồi chưa chia sẻ được sở thích của chồng.
Thế thì giải pháp mùa bóng này, khi chồng đang háo hức xem bóng? Chị Thùy mỉm cười thật tươi: “Tôi sẽ cùng chồng xem chung, vì sau nhiều năm làm vợ anh ấy tôi cũng đã học được cách yêu bóng đá như chồng”. Vậy là với chị Thùy, học cách yêu những sở thích, đam mê lành mạnh của chồng để cùng “đồng hành trên từng cây số” với anh cũng là một cách giữ tổ ấm luôn êm!
Theo Tuổi trẻ