Khi chủ đầu tư "giết di tích"

 Chỉ riêng đợt chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội vừa rồi, đã có hàng trăm di tích đề xướng trùng tu, trong đó nhiều chùa thay vì phục hồi nguyên trạng lại tính chuyện đập bỏ để xây mới. Cần biết rằng, trùng tu là giữ bằng được sự nguyên vẹn của di tích chứ không phải đổ tiền vào phục vụ tâm lý hoành tráng - thứ “virus” đang giết chết các di tích cổ của cha ông.

Chỉ riêng đợt chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội vừa rồi, đã có hàng trăm di tích đề xướng trùng tu, trong đó nhiều chùa thay vì phục hồi nguyên trạng lại tính chuyện đập bỏ để xây mới. Cần biết rằng, trùng tu là giữ bằng được sự nguyên vẹn của di tích chứ không phải đổ tiền vào phục vụ tâm lý hoành tráng - thứ “virus” đang giết chết các di tích cổ của cha ông.

Chiếu rồng, bàn đá, lư hương bằng đá “hoành tráng” ở chùa Võng Thị (Tây Hồ, Hà Nội)
Chiếu rồng, bàn đá, lư hương bằng đá “hoành tráng” ở chùa Võng Thị (Tây Hồ, Hà Nội)

Luật - dày nhưng thiếu, đội ngũ trùng tu - nhiều nhưng yếu

Nền tảng pháp lý cho công tác trùng tu đang có rất nhiều vấn đề bất hợp lý còn tồn đọng. Hiện, hầu hết các dự án tôn tạo di tích đều dựa trên cơ sở Quy chế số 05/2003/QĐ-BVHTT và Quyết định 13/2004/QĐ-BVHTT qui định kỹ càng từ các điều kiện để lập dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích Lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, người lập dự án tôn tạo di tích lại không thể bỏ qua Quyết định 957/QĐ-BXD về định mức chi phí cho công trình và Văn bản QCVN 03: 2009/BXD về phân loại, phân cấp công trình xây dựng.

Như vậy, ngoại trừ các di tích thuộc hàng quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh, số còn lại chỉ được xếp hạng là các công trình dân dụng.

Thạc sĩ Phạm Đức Hân - Giám đốc công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt là người hiểu rõ vấn đề này bởi anh không ít lần đau đầu khi tính dự toán dựa trên hệ thống luật “nhiều nhưng thiếu” như hiện nay. “Nếu theo Quyết định 957/QĐ-BXD thì chi phí tư vấn thiết kế tu bổ tôn tạo một di tích đang được qui định bằng chi phí tư vấn thiết kế cho một công trình xây dựng... nhà cấp ba, cấp bốn!” - ông Hân tỏ ra bức xúc. 

Hãy làm phép so sánh. Để xây dựng một ngôi nhà bình thường, người tư vấn thiết kế chỉ việc khảo sát qua tình trạng của ngôi nhà rồi lập dự án. Trong khi, việc lập một dự của công trình trùng tu di tích phải trải qua nhiều quá trình như khảo sát thu thập thông tin, đánh giá giá trị và thực trạng công trình, khảo cổ học, thậm chí một số nơi phải lập cả hội thảo về di tích rồi mới đưa ra phương án thiết kế tu bổ... Với từng ấy đầu việc, tỷ lệ tiền dành cho tư vấn thiết kế công trình cổ phải cao hơn so với các công trình dân dụng nói chung rất nhiều mới đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 “Giá như Quy chế số 05/2003/QĐ-BVHTT và Quyết định 13/2004/QĐ-BVHTT không dừng ở mức “qui chế” và “quyết định” mà đưa lên thành luật, kèm theo đó là văn bản hướng dẫn phù hợp, chi tiết thì những công trình thuộc dạng đặc biệt như các di tích cổ sẽ không bị trùng tu một cách cẩu thả như hiện nay” - ông Hân nhận định.

Cần biết rằng, trước đây số đơn vị, công ty chuyên về trùng tu di tích hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó cũng chỉ có một vài cái tên quen thuộc được nhiều người biết đến như Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương, Công ty Mỹ thuật trung ương, Viện Bảo tồn di tích... Song, kể từ khi Nhà nước cho phép tôn tạo di tích bằng nguồn tiền “xã hội hóa” thì phong trào tôn tạo di tích nở rộ. Các công ty xây dựng cơ bản nào có đăng ký thêm lĩnh vực tu bổ, tôn tạo công trình văn hóa đều sắn tay vào trùng tu công trình cổ như một nghề “tay trái” kiếm thêm. “Hiện trong nước chỉ có khoảng 30-35% các công ty nhận nhiệm vụ trùng tu là có chuyên môn thực sự về di tích cổ. Còn lại, đa số các công trình trùng tu rơi vào tay những công ty xây dựng nói chung” - anh Hân cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - Viện Mỹ thuật Việt Nam cũng đồng tình với nhận định trên. “Giám sát cho một công trình trùng tu di tích phải là một người làm khoa học, khác với người chuyên về làm xây dựng”, ông Bình phân tích. “Ví dụ như trước đây có một nhà nghiên cứu người Ý trùng tu tháp Chăm. Người ta nghiên cứu cách người Chăm làm gạch như thế nào? Sau khi nghiên cứu xong rồi, người ta mới thực nghiệm rồi đưa ra cách trùng tu. Có những công trình làm tới 10 năm, mỗi ngày họ ghép tỉ mỉ từng viên gạch một. Cũng vẫn là thợ Việt Nam thôi, nhưng có chuyên gia bên cạnh là khác hẳn. Nhà nghiên cứu kiêm luôn giám sát thợ, có những chi tiết phức tạp yêu cầu nhà nghiên cứu phải làm thay cả thợ. Còn ở Việt Nam, người tư vấn về trùng tu có nghiên cứu, nhưng họ lại không giám sát. Người giám sát công trình chả nghiên cứu gì sất! Họ chỉ có kiến thức về kết cấu thôi, chứ về chuyên môn làm sao họ có thể thay thế được người nghiên cứu được?” .

Di tích bị “giết” bởi chủ đầu tư

TS.Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng cục Di sản văn hóa từng cảnh báo về những kiểu “yêu mến” di tích một cách thiếu hiểu biết của các chủ đầu tư. “Ở nhiều nơi, chính quyền, ngành văn hóa địa phương, nhân dân sở tại, vị tăng ni trụ trì, vì chưa có nhận thức đầy đủ về pháp lý và các nguyên tắc khoa học bảo tồn di tích, nên khi thấy di tích xuống cấp, đang rất mong muốn có kinh phí để tu bổ di tích, đã sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của các tổ chức, cán nhân công đức kinh phí cho việc tu bổ di tích” - TS.Hùng cho hay. Ông đưa ra ví dụ về một người sẵn sàng cung tiến hàng trăm triệu đồng để sửa lại gác chuông có niên đại thế kỷ XVI bị hư hỏng với điều kiện cho phép làm bằng... bê tông! Theo ông Hùng, những yêu cầu kiểu đó nguy hiểm chẳng kém gì hành động lấn chiếm, vi phạm di tích!

Ông Phạm Đức Hân đưa ra câu chuyện buồn cho một di tích đã bị hủy hoại. Trước đây, công ty ông được giới thiệu đến khảo sát tại một ngôi chùa rất đẹp với kiến trúc thời Nguyễn muộn và được xây dựng bê tông cốt thép thời kỳ đầu thế kỷ XX. Do phát triển đô thị, nền chùa bị thấp hơn so với khu vực nên bị ngập úng. Khi đến làm việc, sư trụ trì nhất quyết yêu cầu phá bỏ di tích gốc và “xây cho tôi một cái chùa hai tầng ở đó” với lý do chùa quá bé so với nhu cầu sử dụng.

“Tôi nhận thấy chùa chưa bị hư hại đến mức xây lại nên đưa ra giải pháp xử lý để công trình không bị ngập úng và vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ nhưng nhà chùa không chấp nhận, nhất nhất muốn xây hai tầng to và hoành tráng. Kết cục, phương án bị hủy và nhà chùa đã thuê một đơn vị tư vấn khác trình phương án thiết kế với hành lang nối tòa này với tòa khác như một quán ăn Trung Hoa cùng ngói âm dương và vô số thứ lòe loẹt khác” - ông Hân chua xót nói.

Trong trùng tu di tích cho phép một số hạng mục phù hợp với hiện đại như nơi ở, công trình phụ, song mảng kiến trúc tâm linh lại khác hoàn toàn. Về nguyên tắc, việc tự ý xây dựng làm mới công trình chẳng khác nào vi phạm pháp luật. Đặc biệt, di tích đã được xếp hạng quốc gia muốn tôn tạo phải được sự cho phép thông qua Sở Văn hóa, Cục di sản văn hóa và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, đa số trường hợp trùng tu trái phép đều lách luật hoặc dựa vào các mối quan hệ cá nhân để tự ý phá hoại di tích.

“Nếu tính đó là vi phạm luật phải có chế tài xử lý kèm theo, nhưng đến giờ chế tài này vẫn chưa rõ ràng. Ở những ngôi chùa tại thành phố lớn, người ta thấy hiện tượng trái phép quá rõ ràng thì cho đình chỉ công trình, chứ ở vùng nông thôn xa xôi, thấy vi phạm đấy mà không thể xử lý nổi. Hậu quả là quĩ di sản của cha ông để lại ngày càng mai một” - ông Hân cám cảnh.

(Còn tiếp)

Bạch Viên

Đọc thêm