Khi con gái lớn, các bà mẹ thường mong muốn con sẽ kể với mình rằng chúng đang yêu thương và muốn cưới một người đàn ông nào đó. Nhưng rồi cũng có những bà mẹ phải đối mặt với việc “con đang yêu một cô gái khác”.Những khoảnh khắc chết sững Cách đây 14 năm, vợ chồng chị Hòa chia tay nhau. Cô con gái duy nhất 11 tuổi theo mẹ. Vì kinh tế quá khó khăn và quyết tâm lo cho con sau này, chị Hoà đã để con lại cho mẹ đẻ rồi lên Hà Nội làm ăn. Ngày con gái vào đại học, con lên Hà Nội ở cùng mẹ. Chị Hoà “thở phào” vì đằng sau chuỗi thời gian vất vả, giờ mẹ con cũng đoàn tụ. Chị lại càng mừng hơn khi con gái rất ngoan, học giỏi... Khi con tiếp tục học lên cao học và đồng thời đi làm với mức lương khá cao, chị Hoà chỉ còn chờ đợi ngày con dẫn người yêu về và sau đó chúng bàn tính đến kế hoạch kết hôn, sinh con. Được như thế là chị thấy mãn nguyện với cuộc sống, không còn mong ước gì hơn...
Nhưng, đầu tháng 6-2010, con gái chị dẫn về nhà một người bạn gái. Cháu giới thiệu với mẹ đây là chị bạn học cùng lớp cao học. Nhân dịp lớp tạm nghỉ hè, chị ấy muốn đổi chỗ ở cũ nên đến đây ở nhờ một tuần. Chị Hoà vui vẻ đồng ý. Trong thời gian ở cùng, thấy hai đứa thân thiết, chị nghĩ chúng là bạn thân. Một trưa, chị tình cờ từ cửa hàng về nhà có chút việc riêng. Chị rất bất ngờ khi thấy xe máy của hai đứa dựng ở dưới. Tò mò lên phòng, chị nhìn vào và chôn chân tại chỗ khi trước mắt là hình ảnh con gái mình và cô bạn quấn quýt vào nhau... Với bà Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) có cô con gái thứ hai, bước vào tuổi 33, đã xây dựng gia đình và có một cậu con trai 4 tuổi. Theo đánh giá của mọi người, chị không chỉ giỏi kiếm tiền mà việc “chọn chồng” cũng rất khéo. Đấy là người đàn ông có công danh, sự nghiệp, yêu vợ, thương con và rất chu đáo với mọi người. Trong nhiều cuộc nói chuyện, hình mẫu gia đình hạnh phúc của cô con gái thứ 2 luôn được bà Loan nhắc đến để “khoe” với niềm tự hào... Nhưng cũng bỗng một ngày, người con rể tìm đến bà với gương mặt mệt mỏi và thông báo tin sét đánh: “Vợ con nhất quyết đòi ly dị”. Trước hàng loạt các câu hỏi của bà như: “Chồng ngoại tình?”, “Vợ nhất thời hồ đồ?”, “Vợ đi với đàn ông khác?”... người con rể đều lắc đầu. Lý do anh đưa ra khiến bà Loan ngất xỉu: “Vợ con yêu một người phụ nữ khác”.“Con muốn được sống thật...” Với chị Hoà, sau khoảnh khắc chết điếng, chị đã lao vào con chửi bới là hư hỏng, bệnh hoạn. Chị đuổi thẳng cô bạn của con ra khỏi nhà một cách thô bạo. Rồi chị lao về phòng nằm như bị liệt. Hơn một tuần, chị không cho con cơ hội xuất hiện, nói chuyện. Hơn một tháng sau, chị gọi con và nói chuyện. Con gái đã khóc rất nhiều và kể với mẹ rằng: “Từ rất lâu rồi, con chỉ biết quý mến và thích các cô giáo. Con rất đau đớn trong những mối tình đơn phương. Bây giờ thì con đã tìm được chị ấy. Chúng con yêu nhau và tính đến chuyện sẽ chung sống với nhau. Mong mẹ hiểu và chấp nhận”... Còn với con gái bà Loan, thời gian đầu, bà phản đối kịch liệt, không cho con gái ly hôn. Bà mắng con có học mà ngu muội đến mức đánh đổi tất cả những thứ đang có để đổi lấy thứ tình cảm “pêđê”, “ngớ ngẩn”, “mù quáng”... Thậm chí, bà còn cảnh cáo rằng nếu cứ làm theo ý mình thì bà sẽ tự tử để tránh không phải chịu nhục vì con. Nhưng, lần ấy, khi sang nhà con vào lúc cô ấy đi vắng, bà Loan tìm thấy một quyển sổ. Đó là những trang viết thấm đẫm nước mắt của một người phải chịu đựng tận cùng của sự bất hạnh. Con bà đau đớn vì phải che giấu bản thân, vì chưa từng yêu chồng, vì đời sống tình dục như tra tấn, vì khao khát được sống thật, nói thật một lần, vì khao khát được đoàn tụ với người yêu - đấy là một cô gái đã ra đi vì chạy trốn và giờ có can đảm trở lại... Bà Loan đã ngồi im và khóc. Theo thống kê của một trung tâm tư vấn tại Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 5-2010, tại đây có 2.213 lượt người truy cập vào các hộp thư thoại tự động và có 141 cuộc điện thoại hỏi về những vấn đề liên quan đến đồng tính nữ. Trong số này, phần nhiều là những người mẹ của người đồng tính nữ. Họ gọi, kể về những hoang mang, sợ hãi của mình, những khó khăn, thắc mắc họ đang gặp phải và cả những khao khát tìm hiểu để mong giúp con mình... Ở đây, họ đã luôn nhận được câu trả lời: Đồng tính không phải là bệnh và gia đình luôn luôn là chỗ dựa về tinh thần lớn nhất cho người đồng tính.
Theo Hiền Chi
PNVN
PNVN