1001 lỗi do... đánh máy
“Lỗi đánh máy” đáng ra là một cụm từ mang tính kĩ thuật, thế nhưng từ bấy lâu nay đã trở nên quen thuộc được sử dụng khi một văn bản ban hành có sai sót, sai phạm hoặc dư luận phản ứng. Mức độ sử dụng liên tục của cụm này cho thấy sự đáng buồn trong văn hóa nhận trách nhiệm - phủi trách nhiệm nói chung.
Với một số cơ quan công quyền, đây là cụm từ rất quen thuộc được dùng để giải thích cho những cái sai khi công bố văn bản. Có cảm giác như người có trách nhiệm đánh văn bản trong những cơ quan nhà nước ấy dường như là những người đãng trí nhất thế giới, khi lỗi đánh máy liên tục xảy ra, từ lớn đến nhỏ, từ vô thưởng vô phạt đến nghiêm trọng, từ gây cười đến... cười ra nước mắt.
Thi thoảng, người ta lại thấy người dân phải “nhảy dựng” vì một văn bản đưa ra. Ví như cách đây vài năm, một thông tư của Bộ Tài nguyên - Môi trường làm người dân hốt hoảng vì sợ phải phải ghi hết tất cả thành viên trong gia đình vào số đỏ.
Ngay sau sự phản ứng của người dân, Bộ này lập tức chỉnh sửa lại và giải thích do đánh máy không rõ khiến người dân hiểu lầm. Hay năm rồi, ở Thanh Hóa, kết quả thi công chức của một vài người cao bất thường từ rớt thành đậu, bị đặt nghi vấn, cũng được giải thích là do… đánh máy.
Rồi tại một vài bệnh viện nọ, chả biết lỗi đánh máy thế nào mà bệnh nhân nam được chẩn đoán u xơ tử cung, bệnh nhân nữ thì rối loạn cương dương, rồi ra đủ thứ kết quả chữa trị loạn xạ làm bệnh nhân hãi hùng.
Chuyện khiến người dân “giật mình” từ lỗi đánh máy thì đều đều, năm nào cũng có từ vài đến vài mươi vụ. Năm nay cũng thế, lại cũng đến hẹn lỗi đánh máy xuất hiện, từ thành phố lớn đến tỉnh lẻ, huyện lỵ xa xôi. Từ y tế đến giáo dục, quản lý nhà nước...
Hay như Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản; lãi suất trung bình trên thị trường; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của tòa.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 11/1/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019. Tuy nhiên, theo TAND Tối cao, do sơ suất trong lỗi đánh máy, soát xét nên Nghị quyết 01/2019 có sai sót về kỹ thuật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Thông báo 15/HĐTP để đính chính nghị quyết này.
Bộ Tư pháp từng đưa ra một con số, có khoảng 20% văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng vi hiến, trái luật. Nhưng không ít trong số đó đã được cơ quan có trách nhiệm giải thích nguyên nhân sai là do sơ suất khâu đánh máy.
Như vậy, có vẻ như người quan trọng nhất để mọi văn bản nhà nước được ban hành trơn tru không phải là người lãnh đạo hay người phụ trách chuyên môn mà chính là người đánh máy.
Người đánh máy cũng được xem là những kẻ “thích” đánh sai, sửa ý của cấp trên khi các văn bản đến tay họ thường xuyên bị biến ý, đổi từ, gây ra nhiều sai lệch hay bức xúc cho người dân. 1001 lỗi đều từ đánh mà ra và dường như cơ quan nào cũng nên có sẵn một đánh máy để sẵn sàng nhận lỗi khi văn bản bị sai (!).
“Đánh máy là nghề nguy hiểm ở Việt Nam” (Ảnh minh họa) |
Nếu như với nhiều cơ quan công quyền, lỗi do đánh máy là một cụm từ quen thuộc để giải thích, để đưa nguyên nhân lỗi sai, thì với người dân, giờ đây, “lỗi đánh máy” đã trở thành cụm từ mang tính châm biếm cao. Khi người dân nhắc đến “lỗi đánh máy”, nghĩa là họ nghĩ đến sự giải thích, chống chế một cách thô vụng, trơ trẽn.
Thiếu trách nhiệm hay thiếu lòng tự trọng?
Trong ban hành văn bản thì có lỗi đánh máy, còn trong các lĩnh vực khác, cũng có hàng loạt cách chống chế tương tự như thế. Một khi những “lỗi đánh máy” thành lý do phổ biến để “cứu” người sai, và cán bộ gây lỗi vẫn ung dung “thoát hiểm” sau khi đưa ra “lỗi đánh máy”, thì đây cũng có thể là mô hình được các cán bộ thiếu trách nhiệm sử dụng trong nhiều trường hợp khác. Ví như “đánh trống lảng”, hay “trùng hợp”, “nguyên nhân khách quan”...
Như câu chuyện xả lũ. Cứ đến hẹn lại lên, thời điểm nào lũ lớn về thì người dân trong một số vùng có đập thủy điện lại tang thương, lao đao vì vấn đề xả lũ. Người ta xả lũ vô tội vạ, xả lũ bất ngờ, bất chấp sinh mạng, tài sản, đường sinh sống của người dân vùng lũ.
Thế rồi đợt lũ nào cũng thế, cũng sẽ có những điệp khúc quen thuộc “xả lũ là cần thiết” diễn ra. Người ta đổ thừa cho thiên tai, đổ thừa cho biến đổi khí hậu, cho hồ dung tích không đủ so với lượng nước từ trời đổ xuống. Những nhà đầu tư, những đơn vị chủ quản chống chế tới cùng, cho đến lúc bị khởi tố thì thôi.
Trong khi đó, hàng trăm sinh mạng, hàng trăm ngôi nhà, hàng chục tỉ, trăm tỉ tài sản của người dân ra đi chỉ sau một động thái xả lũ bừa bãi không kế hoạch, thì họ chẳng may may áy náy, xin lỗi lấy một lời. Như chủ sở hữu Nhà máy thủy điện Sử Pán 1, nơi diễn ra vụ xả lũ kinh hoàng đêm 24/6 khiến nhiều người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, mất mạng chỉ trả lời đơn giản một câu đầy vô cảm: “Nhà máy thuỷ điện cần làm để chống vỡ đập.
Lúc đó, vào 3h sáng nên chúng tôi không thể kịp thông báo với người dân cũng như chính quyền. Chúng tôi chỉ quyên góp ủng hộ bà con theo sự kêu gọi của lãnh đạo tỉnh và UBND huyện. Còn đền bù và khắc phục hậu quả, chúng tôi không phải trực tiếp gây ra lũ. Nếu không xả mưa bà con vẫn bị lũ”.
Hay giải thích cho việc van cửa xả hồ thủy điện Đắk Kar không hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng trong trận lũ vừa qua tại Tây Nguyên, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Kar cho rằng, nguyên nhân vì hồ mới, chưa vận hành nên nhiều cây củi, cây gỗ trôi về kẹt vào phay tràn khiến cửa van không nâng lên được!
Chuyện thủy điện đã vậy, những câu chuyện trong các lĩnh vực khác cũng chẳng khác là mấy. Như chuyện một vị Bộ trưởng, sau khi ban hành một văn bản quy định nữ sinh viên không được phép bán dâm… quá 4 lần, khi bị chỉ trích mạnh mẽ, đã đổ lỗi cho… người soạn thảo văn bản có năng lực hạn chế.
Rồi những câu chuyện, lý do cười ra nước mắt, khi các vị quan chức cấp xã, huyện bị phát hiện có hành vi vi phạm đạo đức, cùng vợ người khác trong nhà nghỉ, thì vị nào cũng như vị nấy, giải thích do trúng gió, do mệt, phải vào nhà nghỉ nói chuyện…
Dường như, cho dù chả ai tin, cho dù bị chỉ trích, bị chế giễu vì những đổ lỗi, những lý do quá ngớ ngẩn, thì nhiều bậc lãnh đạo của các cơ quan vẫn cho rằng, thà thế vẫn còn hơn đứng ra nhận trách nhiệm về mình.
Nguyên nhân của thói quen đổ lỗi này chính là sự thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu lòng dũng cảm, thậm chí thiếu cả tự trọng đã ăn sâu vào trong tâm thế của một số cán bộ cơ quan công quyền. Nhận sai, nghĩa là tạo cơ hội cho người ta chỉ trích; nhận sai, nghĩa là bị công kích, bị cảnh cáo, có nguy cơ chiếc ghế bị lung lay.
Nguyên nhân sâu xa cũng là do tâm thế của nhiều cán bộ, làm cán bộ là để nhận bổng lộc chứ không phải để phục vụ dân, xảy ra chuyện gì, thà dân cười, dân chê, thà mặt dày đưa ra lý do trẻ con chả thèm tin, cũng cố thủ bảo vệ ghế.
Thi thoảng người ta lại đọc cái tin, lãnh đạo ban ngành, địa phương của một nước phát triển nào đó từ chức vì lỗi lầm từ thuộc cấp, từ khách quan hay lỗi bản thân mình. Sự việc xảy ra, họ ngay lập tức nhận lỗi về mình, từ chức và cúi đầu xin lỗi dân. Ở ta, chỉ đơn giản là chuyện cái văn bản ban hành, số cán bộ chủ động nhận lỗi khi sai không phải không có, những hiếm hoi như sao giữa ban ngày.
Phải chăng, văn hóa nhận trách nhiệm, nhận lỗi của chúng ta đang “hổng” từ nền tảng?.