Khi đất nước gặp khó khăn, phải đẩy mạnh tiết kiệm

Mục tiêu ưu tiên trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhiều yếu tố tác động đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, tiết kiệm là yếu tố quan trọng.

Mục tiêu ưu tiên trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhiều yếu tố tác động đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, tiết kiệm là yếu tố quan trọng. Vì vậy, chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm cần được làm quyết liệt hơn. Tiết kiệm được đặt ra xuất phát từ thực trạng, từ điểm xuất phát còn thấp hiện nay và từ mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới của Việt Nam , trong đó có ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Lượng ô tô sản xuất trong nước lên đến hàng trăm nghìn chiếc, cộng với trên 53.000 chiếc nhập khẩu chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của người
tiêu dùng trong nước. (?!)

Ảnh: Duy Lê

Muốn đầu tư, phải tiết kiệm tiêu dùng

 

Quan điểm “Tiết kiệm là quốc sách” được đề ra từ khá lâu, khi đất nước còn nghèo, tổng GDP và GDP bình quân đầu người còn thấp. Khi đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập, sức sản xuất của xã hội được giải phóng, việc làm giàu được khuyến khích, làm cho cả tổng GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên. Một bộ phận lớn dân cư cuộc sống được cải thiện, có bát ăn bát để, vì thế hai chữ “tiết kiệm” bị nhiều người … lơ là!

 

Nhiều khách nước ngoài phải ngạc nhiên khi thấy có những người Việt Nam dùng đồ thuộc diện hàng hiếm trên thế giới, từ ô tô, điện thoại di động, hoá mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ may hàng hiệu,…

 

Lượng ô tô sản xuất trong nước lên đến hàng trăm nghìn chiếc, cộng với trên 53.000 chiếc nhập khẩu, nhưng người mua vẫn phải… xếp giấy chờ. Lượng xe máy sản xuất trong nước lên đến trên 3,5 triệu chiếc, cộng thêm trên 95.000 chiếc nhập khẩu mà giá vẫn không giảm được… Rồi còn là điện thoại di động rất đắt tiền… Điều đáng nói là tâm lý chuộng hàng ngoại xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ dân cư và nó cần được loại bỏ khỏi đời sống tiêu dùng của người dân càng sớm càng tốt.

 

Muốn tránh nguy cơ tụt hậu phải đầu tư. Muốn đầu tư phải tiết kiệm tiêu dùng cuối cùng, tăng tiết kiệm/GDP, bởi nếu không tăng tiết kiệm phải vay nợ để đầu tư. Đã vay nợ (cả vay trong nước và vay nước ngoài) phải trả vốn và lãi, nếu vay mà để lãng phí, thất thoát, đầu tư không hiệu quả, lãi sẽ chồng lên vốn…

 

Tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân

 

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đề ra hiện nay tập trung vào kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu. Lạm phát đang là vấn đề nóng nhất, do nhiều nguyên nhân, nhưng biểu hiện cuối cùng và nhìn tổng quát là do mất cân đối giữa tiền và hàng - tức là tiền nhiều hơn hàng. Kiềm chế lạm phát cần tăng hàng, giảm tiền, giảm tổng cầu. Việc kiềm chế lạm phát cần được làm nhất quán, quyết liệt, đồng bộ.

 

Về chính sách tài khoá 2011, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 4 nội dung quan trọng, là tăng thu ngân sách; kiềm chế bội chi ngân sách không quá 5% GDP, thấp hơn tỷ lệ 5,3% theo chỉ tiêu của Quốc hội và thấp nhất trong mấy năm qua (năm 2007 là 7,3%, năm 2008 là 5,2%, năm 2009 là 6,9%, năm 2010 là 5,8%); xem xét, sắp xếp lại danh mục đầu tư của năm 2011, những dự án công trình nào thủ tục chưa xong sẽ chuyển sang năm sau, công trình nào hiệu quả không cao sẽ dừng lại; giảm 10% chi tiêu công.

 

Về tiền tệ, tín dụng, tốc độ tăng tín dụng sẽ giảm từ mức định hướng 23% trước đây xuống còn dưới 20%.

 

Như vậy, hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng GDP sẽ còn 2,5- 2,7 lần, cũng thuộc loại thấp nhất trong 11 năm qua (lần): 2001: 3,1; 2005: 2,3; 2010: 4,4; dự kiến 2011 (mới): 2,6

 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, thực hiện được các chỉ đạo trên sẽ giảm cung tiền khoảng 50.000 tỷ đồng; nếu thực hiện được 4 giải pháp về chính sách tài khoá sẽ giảm được trên 60.000 tỷ đồng; tổng cộng giảm được trên 100.000 tỷ đồng.

 

Như thế, thực chất của các giải pháp trên là giảm tổng cầu, hay tiết kiệm cả về đầu tư công, cả về tiêu dùng cuối cùng.

 

Nếu các giải pháp này được sự đồng thuận, hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân sẽ cải thiện được cán cân cung-cầu, cân đối hàng- tiền, kiềm chế được lạm phát.

 

Nhập siêu có thể được coi là vấn đề nóng thứ hai, tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán, tạo áp lực tăng tỷ giá VNĐ/ngoại tệ, lấn chiếm thị phần tiêu thụ ở trong nước, kích thích tâm lý chuộng hàng ngoại,… Chỉ tiêu năm 2011 xuất khẩu tăng 10%, nhập khẩu tăng 10,3%, nhập siêu khoảng 14 tỷ USD, bằng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cần phải tăng xuất khẩu vượt chỉ tiêu và có giải pháp đồng bộ để giảm nhập siêu.

 

Bộ Công Thương đưa ra dự kiến điều hành: nhóm mặt hàng cần nhập khẩu chiếm 81,7% và tăng 11,6%; nhóm mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu chiếm 18,3%, chỉ tăng khoảng 4,4%.

 

Vấn đề này cần được làm quyết liệt hơn và có khả năng thực hiện được với tín hiệu khả quan từ tháng 1-2011. Kết quả vượt trội trong tháng khởi đầu của năm 2011 (xuất khẩu đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 41,4% - đó là những con số rất cao so với cùng kỳ các năm trước; xuất khẩu tăng ở cả 2 khu vực, tăng ở 22/26 mặt hàng chủ yếu; giá xuất khẩu tăng khá; nhập siêu giảm so với cùng kỳ cả về kim ngạch tuyệt đối 874 triệu USD, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu: 12,4% so với 18,8%,…).

 

Cùng với kết quả của tháng 1, ngày 11-2, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 9,3% và thu hẹp biên độ giao dịch từ ±3% xuống ±1% sẽ có tác động hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, đó là những tín hiệu tạo kỳ vọng 2011 xuất khẩu sẽ tăng cao hơn, nhập siêu sẽ thấp hơn kế hoạch.

 

GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện cao lên so với cách đây 10,15 năm, nhưng còn thấp so với mức trung bình trong khu vực, ở châu Á, trên thế giới. Sản xuất trong nước vẫn chưa đủ đầu tư và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước, trên 10% phải nhập siêu từ nước ngoài; tỷ lệ tiết kiệm/GDP thấp hơn nhiều so với tỷ lệ đầu tư/GDP và khoảng cách này có xu hướng cao lên (năm 2006 là 36,3% so với 41,5%, năm 2009 là 29,2% so với 42,7%, ước năm 2010 là 28,5% so với 41,9%).

 

Để biến tín hiệu và khả năng thành hiện thực, tiết kiệm vẫn là một yếu tố hàng đầu, đòi hỏi sự đồng thuận và hưởng ứng từ doanh nghiệp và người dân.

 

Minh Ngọc

Đọc thêm