Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
2. Chồng mất sớm, một mình bà phải rất vất vả để lo cho bốn đứa con ăn học. Thương mẹ chịu cảnh lầm than cơ cực vì các con, ba cô con gái đầu lòng đều chăm chỉ học hành, ngoài ra tranh thủ phụ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi vì vậy bà cũng phần nào cảm thấy ấm lòng. Hạnh phúc lớn nhất đối với bà là cả ba cô đều ăn học đến nơi đến chốn, ra trường đều được nhận công tác trong các cơ quan nhà nước và có cuộc sống ổn định lại rất hiếu thảo với mẹ.
Nhưng nỗi buồn lớn nhất của bà lại là từ thằng con trai duy nhất. Có lẽ một phần cũng do bà và các chị của nó đã quá nuông chiều khi nhà chỉ có nó là “người nối dõi tông đường”. Ngay từ nhỏ “cậu út” đã không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì, mọi việc đều đã có mẹ và các chị lo cho, nó chỉ có hai việc là ăn và học.
Vậy mà nó đã phụ lại sự thương yêu, ưu ái của cả gia đình dành cho nó. Nó ham chơi hơn ham học nên chỉ theo được đến lớp 11 rồi bỏ ngang chừng. Không có trình độ lại không quen việc đồng áng, vườn tược nên nó chẳng biết làm việc gì, chỉ biết chơi bời lêu lổng cùng nhóm bạn cũng ham chơi như nó, vì vậy đã ngoài ba mươi mà lại có tiếng là “con một” nhưng chẳng cô nào dám trao thân gửi phận cho nó.
Sau mỗi lần bà và các chị nó góp ý, khuyên nhủ nó đều hứa sẽ sửa đổi nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nhìn sang con cái người ta trong xóm, bằng tuổi nó ai cũng đã có gia đình ổn định, con cái đề huề, kinh tế không giàu có thì cũng ổn định, còn nó vẫn “ăn bám” vào một bà lão đã qua tuổi thất thập. Mỗi khi nghĩ tới đó, bà lại không cầm được nước mắt vì thương thân tủi phận và buồn vì con.
Mãi không thể chịu thấu, bà nặng lời răn dạy với hi vọng nó sẽ nhận ra lỗi lầm mà tu tỉnh làm ăn cho nên người như người ta thì nó giận dỗi bỏ nhà đi. Nó nói nó sẽ đi làm để tự nuôi sống mình mà không cần sự bảo bọc của mẹ. Trước khi đi, nó chỉ mượn bà chiếc xe Honda của gia đình làm phương tiện hành nghề. Muốn con tự bươn trải ở đời để kiếm sống cho trưởng thành và cũng để xem nó có thể làm nên “trò trống” gì bà đồng ý cho nó ra đi với chiếc xe và một chút tiền làm “lộ phí”.
Ra khỏi nhà, nó đi qua huyện bên thuê một căn phòng nhỏ với giá không thể rẻ hơn và hàng ngày ra chợ chạy xe ôm. Tiền chạy xe hàng ngày thì được ít mà lại quen xài sang nên chỉ được một tháng rưỡi nó không còn một xu dính túi nên nó mò về nhà “kiếm chác” của mẹ. Trước lúc ra khỏi nhà nó biết bà có một khoản tiền và vàng lớn để trong két sắt mà nhà thì chỉ có bà và nó là biết mã số. Nó chọn thời điểm hành động là buổi sáng khi các chị của nó đã đi dạy học, còn đứa cháu gái con chị Hai nó ở chung với bà ngoại thì đi học, ở nhà chỉ còn lại một mình bà.
Khoảng 08 giờ sáng, nó chạy xe về đến gần nhà nhưng nó không đi thẳng về nhà mà gửi tại quán cà phê đầu hẻm rồi đi bộ về nhà. Nhẹ nhàng bước tới bụi tre trước cửa, nó quan sát trong nhà đúng là chỉ có một mình mẹ nó ở nhà, bà đang lúi húi chặt củi ở phía nhà trước. Thấy vậy, nó đi vòng ra phía cửa nhà sau và lẻn vào phòng của bà. Nó đi đến chỗ bà vẫn thường hay để chìa khóa két sắt, lấy chìa khóa mở cửa tủ két sắt, nó khoắng toàn bộ số tài sản của bà để trong đó rồi quay trở ra quán cà phê, lấy xe máy và chạy về nhà trọ.
Tại đây, nó kiểm tra thì thấy “chiến lợi phẩm” của nó là 30 triệu đồng tiền mặt, 04 tấm lắc trọng lượng khoảng bốn cây vàng (loại vàng 24K), 01 đôi bông tai vàng 18K trọng lượng khoảng 01 chỉ. Đây là số tiền mà bà vừa bán vườn quýt cộng với tiền tiết kiệm bấy lâu nay mới có được. Ngay chiều hôm đó, nó mang toàn bộ số tiền mặt (30 triệu đồng) đi đá gà và thua cháy túi. Cay cú, sáng hôm sau nó mang 01 chiếc lắc đi bán được số tiền 25,4 triệu đồng rồi quay chở lại trường gà hôm trước với ý định “gỡ lại” nhưng may mắn là hòa vốn, không ăn không thua.
Trong khi đó, ở gia đình khi bà phát hiện bị mất trộm đã đi trình báo công an. Lúc đó, cả gia đình không ai nghĩ chính nó lại là thủ phạm lấy toàn bộ số tiền dành dụm tiết kiệm suốt đời của mẹ nó. Chỉ đến khi nó bị Công an bắt giữ cùng những tang vật còn lại, nó đã phải cúi đầu nhận tội, lúc đó mọi người mới té ngửa về cậu quý tử của gia đình. Tổng giá trị tài sản mà nó đã trộm cắp của bà là hơn 165 triệu đồng.
3. Tại phiên tòa sơ thẩm bà nói mà mắt ngấn lệ, bà xin Hội đồng xét xử xử nhẹ cho thằng con trai của bà. Bà cũng không yêu cầu nó phải bồi thường 01 cây vàng đã bán vì đã thua lúc đá gà hết. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an tại địa phương; xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ; tài sản mà bị cáo chiếm đoạt có giá trị lớn nên cần phải đưa bị cáo vào diện quản lý giáo dục bằng hình thức phạt tù có thời hạn để nhằm cho bị cáo được học tập, cải tạo để trở thành một người công dân có ích cho xã hội sau này.
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt nó 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 138 BLHS. Sau phiên tòa, nó làm đơn kháng cáo xin hưởng án treo nên hôm nay Tòa tỉnh lại triệu tập bà đến để tham dự phiên xét xử phúc thẩm, hai mẹ con lại ở hai địa vị đối lập.
Khi được hỏi về yêu cầu của mình, bà đã nói trong nước mắt: “Thưa Hội đồng xét xử, ông cha ta đã dạy “con dại thì cái mang”, con tôi có tội thì tôi cũng có lỗi vì đã không dạy nó đến nơi đến chốn nên mới xảy ra cơ sự ngày hôm nay. Nhưng xin Tòa xử nhẹ cho nó vì nó đã biết ăn năn hối hận về hành vi của mình. Vả lại tôi đã già rồi, thường xuyên đau yếu mà chỉ có mình nó là con trai, xin Tòa cho nó được hưởng án treo để nó về phụng dưỡng, chăm sóc cho tôi. Nếu nó phải đi tù, tôi không biết sẽ phải sống sao nữa, rồi những lúc ốm đau, bệnh tật…”.
Nói tới đó, giọng bà nghẹn đắng không còn nói được lời nào nữa. Thấu hiểu cho nỗi lòng của một người mẹ đã chịu nhiều đau khổ, mất mát trong cuộc đời. Mặt khác, bị cáo đã thực sự ăn năn, hối cải sau một thời gian bị tạm giam nên Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã khoan hồng, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, tuyên phạt bị cáo L.T.C (sinh năm 1977) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo để về chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già, sửa chữa lỗi lầm. Tòa cũng giao nó cho gia đình và chính quyền địa phương giám sát giáp dục trong thời gian thử thách.
Kết thúc phiên tòa, nó quay lại cầm đôi tay gầy guộc, gân guốc của người mẹ già, nó xin lỗi bà và hứa sẽ không làm bà đau khổ thêm nữa để có thể yên nghỉ tuổi già. Lòng bà cảm thấy phần nào thanh thản, nhẹ nhõm dù vừa mất đi một số tiền khá lớn mà nhiều năm bà mới chắt góp được. Hai mẹ con chậm bước ra khỏi phòng xử án mà trên gương mặt bà đã rạng nên một nụ cười mãn nguyện, có lẽ vì bên cạnh bà, “thằng quý tử” đã biết trở về sau bấy lâu xa cách?...
Thanh Tâm