Câu ca “Rau muống tháng 10 con dâu nhường mẹ chồng” còn là biểu tượng của tình cảm yêu thương của con dâu đối với mẹ chồng. Tháng 10, đã bắt đầu vào mùa se lạnh, nên rau muống – món ăn yêu thích của người Việt- không còn dồi dào như những ngày hè trước đó; thế nên, con dâu vì yêu kính mà nhường phần cho mẹ chồng mình. Hành động này đã gián tiếp nói lên rằng, trong lòng con dâu, người mẹ của chồng đã thực sự “đổi ngôi” như một người mẹ đẻ…
“Tôi đã bật khóc vì thương mẹ…”
Mỗi khi nhóm phụ nữ ở cơ quan xúm lại “tán” chuyện nói xấu mẹ chồng là chị Lê Thu Minh - ở Tuy Hòa, Phú Yên lại lảng ra. Không phải vì chị không muốn trò chuyện với đồng nghiệp, mà chỉ đơn giản là do chị may mắn có được một bà mẹ chồng quá tuyệt vời, nên có muốn cũng không thể nói xấu được. Bà Nguyễn Thị Sửu – mẹ chồng chị Thu Minh – vốn là người gốc Huế nên rất chịu thương chịu khó. Chồng mất sớm, để lại cho bà hai đứa con trai còn nhỏ tuổi.
|
Thương con, bà ở vậy để nuôi con nên người, nên có bao nhiều tình cảm bà dồn hết cho hai đứa con trai. Ngày con trai cả, là chồng chị Thu Minh bây giờ, về xin phép bà lấy vợ, bà cũng thấy chạnh buồn, nhưng rồi bà tự nhủ: “trồng cây cũng phải đến ngày hái quả, miễn sao là mình yêu thương con dâu thật lòng, thì nó nỡ nào mà xử xấu với mẹ chồng”.
Nghĩ sao làm vậy, ngay từ khi chị Thu Minh bỡ ngỡ về làm dâu, bà đã yêu thương chị hết lòng. Ngày cháu nội ra đời, bà đóng cửa ngôi nhà ở quê lại để đi lên thành phố giúp con dâu chăm cháu. Hai vợ chồng chị Minh ở một căn nhà tập thể cơ quan chật hẹp, lại thêm cậu em trai chồng ở cùng, nên khi thấy mẹ lên đã bàn nhau trải nệm xuống đất nằm nhường giường cho hai bà cháu. Biết vậy, bà từ chối vì lý do con dâu mới đẻ nằm đất không tốt, còn con trai thì phải nằm cạnh để đêm hôm còn đỡ đần vợ chuyện tã lót.
Hàng sáng cứ 5h là bà đã dậy lo cơm cháo, để cho các con được ngủ thêm. Đến bữa, có miếng ngon con dâu nhường mẹ chồng, mẹ lại gắp vào bát hai con trai hay gắp lại cho con dâu. “Một hôm tôi thấy mẹ nói chuyện muốn về quê. Tôi muốn giữ mẹ đã gặng hỏi lý do. Mẹ nói, cháu đã lớn như cầu nhiều hơn mà vợ chồng con đồng lương công chức lại đèo thêm nuôi cả mẹ, cả em. Mẹ ở lại là gánh nặng cho con. Mẹ thương con nhưng không ở thêm được. Nghe thế tôi đã bật khóc vì thương mẹ” – chị Thu Minh kể.
Mẹ sẽ là người mẹ thứ hai của con
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh có một bài thơ “Mẹ của anh” rất nổi tiếng tỏ bày tấm lòng yêu kính của con dâu đối với người mẹ đã sinh ra chồng mình: “Phải đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong ”.
Trên trang blog của mình, chị Nguyễn Thị Hoa bên cạnh việc post lên bài thơ đó còn dành cho mẹ chồng tương lai của mình những lời tâm sự thật đáng trân trọng “Dù mẹ là ai đi chăng nữa, chắc chắn mẹ sẽ là một người phụ nữ tuyệt vời vì đã sinh ra chồng con. Con tin chồng con là người tuyệt vời thì nhất định người nuôi dưỡng anh ấy sẽ tuyệt vời hơn thế bởi con biết, con cái bị ảnh hưởng rất nhiều từ người mẹ. Dù con biết, sẽ có đôi lúc con và mẹ sẽ chẳng tránh khỏi những phút không hài lòng, nhưng con tin rằng khi mẹ đã yêu thương con như con gái thì chắc hẳn sẽ không bao giờ mẹ giận con. Con tin rằng mẹ sẽ là người mẹ thứ hai dẫn dắt con để con hoàn thiện mình hơn và làm cho chồng con và gia đình mình hạnh phúc…”.
Khi được hỏi sao lại viết những dòng tràn đầy lạc quan như vậy, khi chưa nếm trải từng nếm trải một ngày làm dâu, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, mẹ đẻ của chị cũng là một bà mẹ chồng tuyệt vời hết lòng yêu thương, coi con dâu như con đẻ, nên chị rất mong muốn mẹ chồng tương lai của mình cũng sẽ đối xử với mình như vậy, bởi “tình cảm chỉ toàn vẹn khi nó tự nguyện và xuất phát từ hai phía. Mẹ chồng yêu con dâu, tất sẽ được con dâu yêu lại”- chị Hoa nói.
Hồng Anh