Khi "mối tình" doanh nghiệp và bóng đá... lung lay

 Cởi bỏ chiếc áo bao cấp vốn kìm hãm sự phát triển, bóng đá Việt Nam đã được “xã hội hoá” khi có sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Tính trung bình, mỗi năm các doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng một ngàn tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam...

Cởi bỏ chiếc áo bao cấp vốn kìm hãm sự phát triển, bóng đá Việt Nam đã được “xã hội hoá” khi có sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Tính trung bình, mỗi năm các doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng một ngàn tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam.

Khi "mối tình" doanh nghiệp và bóng đá... lung lay ảnh 1
 

Sự tham gia của doanh nghiệp đã đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới cả về lượng lẫn chất. Nhưng ở thời điểm tưởng chừng như sẽ thăng hoa mạnh mẽ để bắt đầu một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ sau 10 năm thử nghiệm, thì những “quả bom tấn” đã được kích nổ, khiến cho những hình ảnh của bóng đá Việt Nam bị méo mó hẳn đi. 

Tập đoàn Hoà Phát tuyên bố “ly hôn” với bóng đá sau mối lương duyên 8 năm. Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB (ông  chủ CLB HN.ACB) Nguyễn Đức Kiên lại công kích mạnh mẽ VFF, tổ chức đang điều hành nền bóng đá Việt Nam cùng với lời đe doạ, sẽ bỏ bóng đá nếu không thay đổi. Một số ông bầu khác cũng cho biết, sẽ xem xét lại “mối tình” với bóng đá nếu không có cải tổ cuộc chơi từ VFF… Lý do, theo các ông bầu, là do sự thất vọng, mất niềm tin bởi bất cập trong công tác tổ chức, điều hành của VFF.

Liệu đó chỉ là những hành động tức giận nhất thời của một số ông chủ đội bóng hay là sự chán chường thực sự của đại đa số các doanh nghiệp khi duyên tình với bóng đá đã cạn?

Doanh nghiệp nổi nhờ bóng đá 

Khi mà mối lợi từ bóng đá gần như là con số không tròn trĩnh bởi các nguồn thu chủ yếu từ các khoản như bản quyền truyền hình, vé vào cổng, đồ lưu niệm… của các đội bóng ở Việt Nam gần như chỉ mang tính tượng trưng  thì không thể cho rằng, bóng đá là nguồn sinh lợi thực sự đối với doanh nghiệp. Nhưng nếu như đầu tư vào một lĩnh vực mà toàn thấy lỗ, không thu lợi được gì thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ rút lẹ. Bóng đá không mang về cho các ông bầu những khoản thu trực tiếp, nhưng ở một chừng mực nào đó, nó cũng có hiệu quả nhất định trong công tác quảng bá thương hiệu.

Lấy một ví dụ đơn thuần là ở Việt Nam, các kênh truyền thông đang phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn như báo giấy về lĩnh vực thể thao cũng đã có gần  chục đầu báo. Các tờ báo xã hội cũng rất nhiều mà gần như đều có 1 chuyên trang dành riêng cho thể thao mà “đất diễn” chủ yếu là dành cho bóng đá. Và sẽ như một món ăn thiếu gia vị nếu như các kênh truyền hình thiếu hẳn đi các bản tin, chuyên mục thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Đó là chưa kể đến hệ thống các trang mạng điện tử ngày càng nở rộ. Tất nhiên, một phần không thể thiếu trong các cổng điện tử ấy là tin tức bóng đá.

Sơ lược về các phương tiện nghe nhìn cho thấy, bóng đá chiếm phần quan trọng trên các kênh truyền thông. Thế nên, nếu doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá thì thương hiệu ấy xuất hiện một cách đều đặn và gần như thường nhật trên các báo, đài. Chính vì thế, đầu tư vào bóng đá là một kênh quảng bá rất hiệu quả, giúp cho thương hiệu của các doanh nghiệp đi nhanh đến với đời sống xã hội hơn. Không phải cảm tín, nhưng thực sự, mấy ai biết đến ngân hàng Nam Việt (Navibank) hay Kienlongbank trước khi họ gắn kết với bóng đá.

Chính lãnh đạo Kienglongbank cũng thừa nhận là doanh thu của Kienlongbank tăng lên đáng kể nhờ bóng đá. “Bởi nhờ bóng đá mà người dân biết đến Kienlongbank nhiều hơn, nên đã đến giao dịch nhiều hơn”, Tổng giám đốc Kienlongbank Trương Hoàng Lương hồ hởi cho biết trong  buổi gặp gỡ sau khi Kienlongbank Kiên Giang giành quyền thăng hạng.

Không nói thẳng, nhưng đích thân ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch tập đoàn HAGL) cũng từng phát biểu “bất cần bài báo đó nói tốt hay xấu về đội bóng, miễn là cái tên HAGL xuất hiện trên các trang báo là được” như một sự thừa nhận về tính hiệu quả của quảng bá qua bóng đá đối với thương hiệu.

“Đầu tư cho bóng đá là kênh quảng bá thương hiệu hiệu quả nhất, thương hiệu Bia Huda nổi tiếng cũng một phần nhờ đội bóng”, ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty bia Huda cũng thừa nhận.

Một chút dông dài về “tầm quan trọng” của bóng đá để thấy, vì sao, ngoài sự đam mê, ngày càng nhiều ông bầu nhảy vào bóng đá trong chục năm qua khi bóng đá Việt Nam chuyển thành mô hình chuyên nghiệp. Từ chỗ bầu Thắng (Chủ tịch tập đoàn Đồng Tâm Long An Võ Quốc Thắng), bầu Đức trong bước sơ khai ban đầu thì hiện nay số lượng doanh nhân nhảy vào làm bóng đá đã tăng lên đáng kể.

Đó là chưa kể đến, hàng loạt doanh nghiệp cũng tham gia cuộc chơi với tư cách là nhà tài trợ cho các CLB, giải đấu như Cao su Việt Nam (Đồng Tháp), Maritime bank (Becamex Bình Dương), tập đoàn Hoa Sen (tài trợ hạng Nhất và cúp Quốc gia), Eximbank (V.League), Sơn Kova (U19 Quốc gia), Thái Sơn Nam (U17 Quốc gia)…Nếu không được lợi lộc thì chắc gì, Eximbank đã bỏ ra 100 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm tài trợ V.League.

Nhưng bóng đá sống khoẻ là nhờ doanh nghiệp

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa, các doanh nghiệp chỉ biết “đội ơn” bóng đá. “Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói đến tiền”, phát biểu ấy có tính thực dụng cao nhưng nó phản ánh đúng bản chất của bóng đá chuyên nghiệp. Không có tiền, bóng đá sẽ chết yểu. Lấy ví vụ của Huda Huế và Sài Gòn Xuân Thành (SG.XT) ở mùa giải hạng Nhất 2011 vừa rồi để so sánh. Với một đội bóng vẫn bị kìm kẹp bởi cơ chế bao cấp phụ thuộc vào ngân sân nhà nước thì với mức đầu tư hơn chục tỷ đồng, Huda Huế đã không thể chống chọi được và cuối cùng, phải rớt  xuống hạng Nhì, dù rằng, đội bóng Cố đô được xếp vào hạng có truyền thống cao ở bóng đá Việt Nam.

Trong khi đó, quyền tự quyết trong tay, nên Chủ tịch tập đoàn SG.XT Nguyễn Đức Thuỵ đã biến một đội bóng không có tên tuổi (chuyển giao từ V&V sau khi giành quyền thăng hạng Nhất sau mùa bóng 2010) trở thành một thế lực đích thực của bóng đá Việt Nam khi giành chiếc vé thăng hạng trong cuộc chơi không có đối thủ ở mùa giải 2011. Tất nhiên, thành công mỹ mãn ấy của SG.XT là nhờ sự đầu tư lớn khi chỉ tính riêng dàn cầu thủ của SG.XT đã tốn cỡ 110 tỷ đồng. 

Cũng từ số tiền mà SG.XT bỏ ra để  nâng cấp đội hình cho mùa giải  vừa rồi cho thấy, các ông bầu đã phải dốc hầu bao một số tiền không nhỏ để đầu tư vào đội bóng. Navibank Sài Gòn (N.SG) là một ví dụ khác về mức độ đầu tư cho bóng đá. Để tuyển mộ một  dàn cầu thủ mới  có chất lượng hơn, tập đoàn đầu tư Sài Gòn (chủ  của CLB N.SG) phải bỏ ra 70 tỷ đồng chỉ để chuyển nhượng, lót tay cho khoảng 20 bản hợp đồng mới của đội. Với Becamex Bình Dương (B.BD), thì theo ước tính của những người trong cuộc, để nâng chất đội hình cho mục tiêu  vô địch ở V.League 2012, đội bóng miền Đông Nam Bộ phải bỏ ra khoảng 50 tỷ đồng để mua cầu thủ. Có thể kể ra một số bàn hợp đồng mới của B.BD như Việt Thắng (9 tỷ/3 mùa), Nguyễn Hoàng Helio (8 tỷ/mùa), Tăng Tuấn (4,5 tỷ/3 mùa)… thì phần nào cho thấy, con số 50 tỷ đồng chỉ dành riêng cho việc chiêu mộ cầu thủ không phải để nổ mà là mức chi thực tế của B.BD. 

Chi phí để đầu tư cho bóng đá đâu chỉ mỗi khoản chiêu dụ cầu thủ. Những khoản như lương, thưởng cho cầu thủ, cho mỗi trận thắng cũng ngốn một số tiền không nhỏ của các doanh nghiệp. Trong mặt bằng chung của V.League hiện tại, thì lương của mỗi cầu thủ có chuyên môn khá cũng cỡ 20-30 triệu đồng/tháng. Một số trường hợp còn cao gấp đôi. Như lương tháng của tiền đạo Quang Hải (N.SG) là 50 triệu, Tấn Trường (CS.ĐT) 40 triệu, Như Thành (Vissai Ninh Bình) 60 triệu…

Mức thưởng cho các trận thắng của các đội cũng đã tăng với con số chóng mặt. Bây giờ, 300-500 triệu đồng cho mỗi trận thắng gần như là …lạc hậu. Thay vào đó là những khoản tiền tỷ. Chẳng hạn, tính trung bình thì bầu Đỗ Quang Hiển thường thưởng cỡ 1,5 tỷ đồng cho mỗi trận thắng của HN T&T. Hay N.SG cũng tốn khoảng 10 tỷ đồng cho tiền thưởng trong suốt hành trình ( 5 trận đấu) đến với chiếc cúp Quốc gia của thầy trò Mai Đức Chung ở mùa giải vừa mới kết thúc.

Với những con số thống kê đơn lẻ ấy đã phần nào cho thấy, số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư cho bóng đá không không phải nhỏ. Như tính toán của ông chủ của HAGL Đoàn Nguyên Đức thì trung bình, ngân sách hoạt động của các CLB dao động trong khoảng 70-80 tỷ đồng/mùa giải. Việt Nam có 14 câu lạc bộ bóng đá, vị chị mỗi năm, các doanh nghiệp bỏ ra tổng số tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng. Câu hỏi được đặt ra là nếu vẫn được bao bộc bởi nguồn ngân sách nhà nước như trước đây thì liệu lãnh đạo các đội bóng có dám chi số tiền ấy? Chắc chắn, ngân sách các địa phương sẽ không kham nổi và chỉ có doanh nghiệp mới dám bỏ ra số tiền ấy.

Khi doanh nhân rời bỏ cuộc chơi

Chỉ vài tuần sau khi V.League 2011 kết thúc, lãnh đạo tập đoàn Hoà Phát đã tuyên bố, rời cuộc chơi và kết thúc mối lương duyên với bóng đá. Trên thế giới, việc một ông chủ rút lui khỏi bóng đá để nhường cho một doanh nghiệp khác là hết sức bình thường. Nhưng không như Manchester United đã bao lần đổi chủ mà cái tên ấy vẫn tồn tại, với bóng đá Việt Nam khi một doanh nghiệp rút lui cũng đồng nghĩa, một cái tên sẽ biến mất. Để tồn tại, chắc chắn CLB đó phải được chuyển giao và lại được khoác lên mình cái tên hoàn toàn mới toanh, hoàn toàn xa lạ (đây là một phần ở mặt trái của bóng đá Việt Nam thời chuyên nghiệp).

Quay trở lại với chuyện của Hoà Phát Hà Nội. Vì sao tập đoàn Hòa Phát quyết định nghỉ làm bóng đá? Câu hỏi này đang khiến nhiều người phải đau đầu để tìm câu trả lời chuẩn xác nhất. Thất vọng vì thành tích ư? HP.HN chưa bao giờ là một ông lớn trong làng bóng đá Việt nên lãnh đạo CLB này dĩ nhiên không cho phép mình ảo tưởng về chỗ đứng tại V.League. Thiếu tiền ư? Càng khó tin. Bởi Hòa Phát là một tập đoàn đa ngành nghề có những khoản lợi nhuận sau thuế kếch xù với khoảng 2.000 tỷ đồng, nên thừa sức nuôi đội bóng. Hơn thế nữa, đồng hành cùng bóng đá, Hòa Phát sẽ quảng bá được những dự án lớn, đặc biệt là bất động sản mà tập đoàn này đang theo đuổi.

Đó chính là chữ TÍN của doanh nghiệp với bóng đá Việt Nam, mà cụ thể là VFF. Họ đã không thể xây dựng một nền bóng đá trong sạch như khát khao của các ông bầu và công chúng. VFF dựng xây nền bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam trong sự lắp ghét cẩu thả, yếu đuối về luật pháp và xử lý mang tính chất “bảo vệ giải đấu, Ban tổ chức hơn là bảo vệ sự trong sáng của bóng đá”.

Người ta đồn rằng bầu Kiên của Hà Nội ACB và bầu Trần Đình Long của HP.HN đã có mối quan hệ làm ăn khăng khít từ trước bởi họ đã chung vốn trong ngân hàng Kiên Long. Nhưng chuyện đó không có nghĩa là ông Long sang nhượng Hòa Phát HN cho  Hà Nội ACB dễ dàng. Mà thực sự cách điều hành của VFF, cũng như chuyện trọng tài, bạo lực, đi đêm, nhân nhượng…khiến ông Long không còn toàn tâm theo đuổi giấc mơ của mình nữa. 

Theo ước tính, Tập đoàn Hòa Phát đã bỏ ra khoảng xấp xỉ 400 tỷ đồng sau 8 năm làm bóng đá. Thế nhưng, tất cả giờ chỉ là con số không chỉ vì lãnh đạo CLB chuyển hướng đầu tư. Tương lai của hàng trăm con người vốn là thành viên ban huấn luyện, cầu thủ, cán bộ công nhân viên CLB Hòa Phát cũng bị đặt dấu hỏi.

Đó là biểu hiện thật kỳ lạ bởi ông Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là người có tiếng đam mê trái bóng tròn và niềm vui lớn nhất đối với ông là nói chuyện về nó. Hình ảnh còn đọng lại đến bây giờ là cách doanh nhân Việt Nam thứ hai sở hữu máy bay riêng cười hả hê: “Tôi làm bóng đá cho vui chứ có chạy theo thành tích đâu mà cứu với giúp”. Nhưng bây giờ ông thấy cuộc vui đã tàn và kéo theo ông là sự mệt mỏi của một con người dấn thân cho đam mê, nhưng bị phụ bạc.

“Chúng tôi đã bỏ nhiều tiền của vào bóng đá, rất tâm huyết nhưng VFF và ban tổ chức giải lại thờ ơ. Tôi đã xem xét nghiêm túc việc bỏ bóng đá. Mà chẳng riêng tôi, đã có Hòa Phát và 7 CLB sẵn sang làm điều này”, Chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên bức xúc về công tác điều hành của VFF trong buổi họp tổng kết mùa giải mới diễn ra. Trong lần đăng đàn hiếm hoi kéo dài khoảng 30 phút của mình, ông chủ của HN.ACB đã chỉ rõ những mặt trái đang “phá hoại” nền bóng đá Việt Nam.

Nhức nhối nhất là sự thiếu công tâm của trọng tài. Theo lời kể của ông Kiên từ tiết lộ của lãnh đạo HP.HN thì có người đã gợi ý chung chi 500 triệu đồng của giới cầm cho một trận thắng của HP.HN trước ĐT.LA để đảm bảo chắc chắn trụ hạng. Không chỉ về lực lượng cầm cân nảy mực trên sân, mà sự bất cập trong điều lệ, quy chế hoạt động cũng đã ông chỉ rõ.

"Số tiền mà doanh nghiệp phải đầu tư lên tới 70-80 tỷ đồng thậm chí có đơn vị mạnh chi tới 200 tỷ đồng một năm, đổi lại là sự uể oải trong thi đấu, cổ động viên ngày càng ít tới sân. Có thời điểm cầu thủ đá cho ông bầu xem như một hình thức ru ngủ tinh thần", bầu Đức chua xót nói.

Những thực trạng như khán đài ngày càng trống vắng, tình trạng đi đêm, lôi kéo cầu thủ, khiến cho  giá trị của các cầu thủ trở nên ảo, sự vung tiền quá đáng của một số CLB… đã được ông Kiên chỉ ra như một bức tranh tổng thể đầy xám xịch của bóng đá Việt Nam. Đứng trước một thực trạng ấy, nhưng những người trong cuộc, cụ thể là VFF đã không có động thái tích cực nào khi ngó lơ, không có biện pháp chế tài nào đáng kể để hạn chế, đưa nền bóng đá đi vào đúng với quỹ đạo của một giải đấu chuyên nghiệp.

Trở lại với đội bóng Cố đô do Công ty Bia Huda tài trợ chính gần 10 năm nay, ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty Bia Huế cho hay: Đối với doanh nghiệp thì việc đầu tư là phải tính đến hiệu quả, nhưng thực sự mà nói thì những năm gần đây hiệu quả mang lại rất thấp, không chỉ người hâm mộ cảm thấy chán nản mà tinh thần cán bộ công nhân trong Cty cũng “mất hứng” vì đội nhà thua liên tục. Từ chỗ đá giải chuyên nghiệp, nay đội bóng Huda Huế rớt xuống đá ở giải hạng nhì. Nếu Huda Huế trụ hạng nhất và tiến lên chuyên nghiệp thì chúng tôi cũng không ngần ngại đầu tư theo khả năng của mình nhưng nếu ngược lại, chúng tôi phải tìm hướng đầu tư khác.

Thời cuộc phải thế, biết làm sao bây giờ

Nhớ lại những ngày đầu bóng đá Việt Nam có giải đấu chuyên nghiệp, công chúng nhớ tới những con người mạnh dạn đầu tư cho bóng đá như Bầu Đức (HAGL), bầu Thắng (GĐT.LA), bầu Thành (Xi măng Hải Phòng), bầu Trường (Vissai Ninh Bình)…luôn có những chiến lược mạnh mẽ để phát triển bóng đá, và việc họ luôn đứng trong top đầu và vô địch mùa giải là chuyện thường tình.

Việc bầu Đức bỏ tiền ra mua ngôi sao Đông Nam Á Kiatisuk, rồi bầu Thắng có được HLV tài ba Calisto, bầu Thành đưa cả ngôi sao thế giới Denilson về với TP Cảng Hải Phòng…Rồi tới cả Bình Dương, Ninh Bình, Đà Nẵng…đều chi mạnh tay cho CLB trong các vụ chuyển nhượng. Tất cả đều khát khao tột bậc là đưa CLB của mình lên đỉnh cao của V-league.

Nhưng rồi, họ đã nản vì bóng đá Việt Nam thiếu một lộ trình chuyên nghiệp, thiếu sự công bằng và nản mua bán, đi đêm, bạo lực… vẫn diễn ra thường xuyên. Tinh thần hăng say của ngày đầu đến với bóng đá đã quá mệt mỏi. Các doanh nghiệp không muốn thương hiệu của mình bị “bôi bẩn” trong một giải đấu thiếu sự trong sạch, minh bạch.

“Bóng đá phải cho sạch thì mới giữ được ý nghĩa, còn nếu bị chi phối quá nhiều các yếu tố bên ngoài sân cỏ thì bóng đá Việt Nam khó lòng đạt được mục tiêu chuyên nghiệp. Chúng tôi nghiêm khắc xem việc không có mặt ở V-league mùa tới là một kinh nghiêm lớn”, bầu Thắng của GĐT.LA nhấn mạnh.

Trong lời nói giã từ CLB Hòa Phát Hà Nội, chủ tịch CLB HP.HN Nguyễn Mạnh Tuấn buồn bã: “Hơn bất cứ ai, chúng tôi (những lãnh đạo của tập đoàn Hòa Phát) là những người tiếc nuối nhất, buồn nhất nếu chuyện chia tay với bóng đá xảy ra, nhưng ngày hôm nay, tập đoàn Hòa Phát vẫn phải chính thức xác nhận việc sẽ không tham gia tài trợ cho CLB bóng đá HP.HN bắt đầu từ mùa giải 2012”. Và rồi ông thốt lên chua xót: “Thời cuộc phải thế, biết làm sao bây giờ”.

 Quay trở lại với buổi họp tổng kết mùa giải mới vừa diễn ra, Chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên đã lên tiếng mạnh mẽ về hoạt động kém cỏi của VFF và BTC giải: “Các anh có biết vì sao Hòa Phát bỏ bóng đá không? Vì họ mất niềm tin vào VFF. Nếu tất cả các doanh nghiệp đều bỏ, các anh chơi với ai? VFF đã phình to nhưng chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, hoạt động không hiệu quả. Nói không quá, VFF còn bao cấp hơn cả thời bao cấp”.

Một tiếng chuông báo động

Năm 2004, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam lúc ấy là ông Mai Liêm Trực (đồng thời là Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông) đã nhận xét, Bộ máy điều hành của LĐBĐ Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội. Bảy năm sau, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ vẫn bảo lưu quan điểm của người tiền nhiệm trong một cuộc trả lời với báo chí. Rõ ràng, khi nền bóng đá đang phát triển ngày càng nhanh và mạnh mà những người điều hành vẫn giậm chân tại chỗ, không bắt kịp với thời cuộc là không ổn. Và vì thế, không khó để lý giải cho những nỗi bức xúc vốn bị dồn nén lâu dài của những ông bầu vốn là doanh nhân luôn đi trước và nắm bắt thời cuộc một cách nhạy bén.

Tất nhiên, chưa chắc, lãnh đạo của Hoà Phát bỏ bóng đá hoàn toàn do quá thất vọng với cách điều hành của VFF bởi không phải ai trong thành phần chóp bu của tập đoàn này cũng mê bóng đá như bầu Tuấn, bầu Long. Và cũng chưa hẳn, tất cả những lời phát biểu, những bức xúc mà bầu Kiên nói ra trong buổi tổng kết mùa giải 2011 đều hoàn toàn chính xác. Nhưng có một thực tế rằng, nếu không có những tồn tại trong lòng nền bóng đá Việt Nam, thì khó có những bức xúc gay gắt đến thế. Những lời nói thẳng, nói thật của các ông bầu đội bóng cũng nhằm cho sự đi lên của bóng đá Việt Nam. Những lời phát biểu của bầu Kiên, hành động bỏ cuộc chơi của tập đoàn Hoà Phát là sự cảnh tỉnh lớn đối với tương lai của bóng đá Việt Nam. 

Tiếp thu những phát biểu, góp ý từ các ông bầu của đội bóng, chỉnh lý bộ máy điều hành, khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại là điều mà VFF cần hành động. Cầu thị không phải là một sự hạ thấp mình mà đó là vì sự phát triển cái chung của bóng đá Việt Nam để từ đó, tạo ra một sân chơi bình đẳng, trong sạch, minh bạch và trung thực. Trong một môi trường lành mạnh như thế thì bóng đá Việt Nam sẽ không lo gì việc thiếu đầu tư của các doanh nhân như lo lắng “sợ doanh nghiệp quay lưng” của Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Nguyễn Trọng Hỷ sau khi Hoà Phát tuyên bố bỏ cuộc, Chủ tịch HN.ACB Nguyễn Đức Kiên doạ cũng rời bỏ bóng đá.

"Mối lương duyên" giữa doanh nghiệp và bóng đá đã đem lại sự sôi động không chỉ cho các địa phương, các câu lạc bộ mà sự sôi động đó còn lan tỏa trên phạm vi cả nước. Bóng đá Việt Nam trên con đường chuyên nghiệp và phát triển phải thật sự biết ơn các doanh nghiệp đã kết duyên với họ, biết ơn các doanh nhân đã có cái tâm đến với bóng đá.

“Giải V-League sẽ không thành chuyên nghiệp nếu thiếu vắng doanh nghiệp, vì tương lai bóng đá Việt Nam tôi luôn có tư tưởng cầu thị lắng nghe tất cả. Bóng đá Việt Nam rất cần doanh nghiệp, tôi mong sẽ nhận được sự chia sẻ từ các doanh nghiệp đang đầu tư vào bóng đá”, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói.

Tuy nhiên, nếu không thay đổi, chấp nhận chung sống với sự thực đã phần nào được phơi bày thì, các doanh nghiệp tháo chạy cũng là điều dễ hiểu. Khi ấy, có thể bóng đá Việt Nam sẽ trở lại thời bao cấp như hơn 10 năm trước. Mà trong cơ chế bị kìm kẹp đủ đường thì khó cho mong ước vươn ra tầm thế giới ở một ngày nào đó trong tương lai. Bởi không có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp thì đồng nghĩa, tài chính sẽ eo hẹp. Như đã nói, bóng đá chuyên nghiệp là nói đến tiền mà không có tiền thì không thể xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp.

* Chủ tịch CLB HA-GL Đoàn Nguyên Đức:

“Kinh doanh bóng đá chưa mang lại lợi nhuận”

Bóng đá đã cho tôi rất nhiều thứ. Nhưng nếu như lấy bóng đá mà nuôi bóng đá thì không thể. Kể cả khi đội vừa tiếp nhận Kiatisak, nhưng được cái thương hiệu đăng quang rất nhanh.

Ngày nay đi con đường ấy đã quá cũ kỹ nên tính hiệu quả không còn cao. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn muốn quảng bá thương hiệu mình thì họ vẫn hay làm như điều tôi đã làm cách đây 10 năm. Bây giờ phải bằng cách khác chứ sáo mòn kiểu đó tôi không làm nữa.

Dưới cái nhìn của một doanh nghiệp nếu nói rằng bóng đá Việt Nam mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp thì đó chỉ là những lợi nhuận vô hình mà qua vụ chuyển nhượng Zico Thái tôi đã nói. Còn nếu kinh doanh bóng đá mà mang lại lợi luận thì ở Việt Nam chưa có đâu. Trong 10 năm nữa cũng chưa chắc có.

Vừa qua, chuyện anh Kiên của Hà Nội ACB nêu những bức xúc ấy thực tế đúng hoàn toàn. Tôi hiểu được rằng anh ấy không phải doạ nghỉ chơi mà anh ấy đang muốn đánh động những người làm bóng đá hãy có những cải cách thật sâu để giới doanh nghiệp như chúng tôi còn thú vị cống hiến. Nói thật nếu chúng tôi mà rút hết bóng đá thì bóng đá Việt Nam sẽ ra sao, trở về thời bao cấp à?

* HLV Nguyễn Thành Vinh:

“Các ông bầu rất muốn làm bóng đá tử tế”

Giải đấu năm nay là một giải đấu tốn rất nhiều tiền của các đội bóng và rất nghiệt ngã. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi sự nghiệt ngã không nằm ở tính đua tranh chuyên môn, mà là những toan tính không lành mạnh của nhiều người tham gia giải đấu. Là người trong cuộc, tôi biết mấy năm nay các ông bầu rất muốn được làm bóng đá tử tế. Họ không bao giờ chơi với trọng tài. Nếu tất cả các ông bầu đều cùng ký hiệp ước nói không với bóng đá tiêu cực, thì chắc chắn bóng đá ta sẽ lên chuyên nghiệp rất nhanh.

Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty Bia Huế :

“Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư”

Muốn tiến lên chuyên nghiệp thì trước hết Ban lãnh đạo VFF phải là những người có tâm, có tầm, dám lên tiếng loại bỏ những ung nhọt mới phát triển được. Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư như thế, cổ động viên cuồng nhiệt như thế nhưng cách điều hành từ Liên đoàn cho đến Ban tổ chức giải còn quá nhiều chuyện phải bàn, nhất là đội ngũ làm trọng tài. Đội ngũ trọng tài không thể thao túng nền bóng đá nước nhà bằng cách này hay cách khác được, nếu có tiêu cực như anh Kiên nói tôi cũng đề nghị là phải xử lý nghiêm. Bóng đá Việt Nam chỉ có thể được nâng tầm, khi các giải đấu quốc nội đảm bảo sạch và công bằng 100%. Muốn làm được như vậy, trước hết VFF cần phải nỗ lực tạo ra một môi trường bóng đá lành mạnh.

* Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ:

“Bóng đá rất cần doanh nghiệp”

Bóng đá Việt Nam đang tiến lên chuyên nghiệp, để thực hiện điều này VFF rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp. Giải V-League sẽ không thành chuyên nghiệp nếu thiếu vắng doanh nghiệp, vì tương lai bóng đá Việt Nam tôi luôn có tư tưởng cầu thị lắng nghe tất cả. Bóng đá Việt Nam rất cần doanh nghiệp, tôi mong sẽ nhận được sự chia sẻ từ các doanh nghiệp đang đầu tư vào bóng đá.

Đăng Bình - Quang Tám - Tuấn Ngọc

Đọc thêm