Khi nào áp dụng quy định mới nhà không phép, sai phép được nộp tiền để tồn tại?

(PLO) - Các công trình nhà xây sai phép, không phép được nộp phạt bằng tiền để tồn tại khi thỏa mãn các điều kiện nhất định. Nhưng thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này lại chưa được ấn định cụ thể, giải quyết bất cập này ra sao?
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Thay đổi thiết kế bên trong không coi là xây dựng sai phép
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Bộ Xây dựng có Thông tư 02/2014/TT-BXD quy định việc nộp phạt để tồn tại nhà xây trái phép, nhiều địa phương đã gặp không ít vướng mắc, bất cập khi triển khai vào thực tế. 
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, mới đây Bộ Xây dựng đã có công văn 2316/BXD-TTr hướng dẫn một số nội dung của các văn bản trên. Theo hướng dẫn này, chỉ áp dụng quy định nộp phạt bằng tiền với nhà xây sai phép, không phép khi thỏa mãn các điều kiện: Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tuy vậy, Nghị định 121 chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng quy định này với các trường hợp thỏa mãn điều kiện nộp phạt trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực, nghĩa là trước ngày 30/11/2013.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không coi là hành vi xây dựng sai phép: Thay đổi thiết kế bên trong mà không ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy, môi trường, công năng sử dụng, kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình, giảm số tầng so với giấy phép xây dựng đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt.
Ngoài ra, việc lấp ô thông thoáng hoặc tăng diện tích cầu thang (thuộc thiết kế bên trong công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ) mà không gây ảnh hưởng đến các yếu tố như phòng cháy chữa cháy, môi trường, công năng sử dụng, kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình thì cũng không coi là sai phép.
Tạo thuận lợi hơn cho chủ đầu tư
Về việc áp dụng Khoản 9, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Bộ hướng dẫn: hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, cấp phép xây dựng mới; thi công xây dựng công trình không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép (đối với công trình là nhà ở riêng lẻ) và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt. 
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Như vậy, chủ đầu tư sau khi thực hiện đầy đủ việc nộp phạt hành chính và nộp số lợi bất hợp pháp theo quyết định của người có thẩm quyền thì được làm thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, cơ quan cấp phép có trách nhiệm cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Sau khi chủ đầu tư nộp phạt hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép công trình được tồn tại và cấp giấy chứng nhận sở hữu theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng giải thích rõ thêm, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND cấp huyện đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định tại Khoản 9, Điều 13, Nghị định số 121. Trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Đọc thêm