Cụ thể, ngày 1/8, trong quá trình lấy mẫu tại phường được chỉ đạo phong tỏa cứng tại Nại Hiên Đông, ông Trần Vinh, Phó chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng xảy ra xích mích với nhân viên y tế lấy mẫu.
Sau đó ông Vinh về nhà và được lực lượng chức năng có mặt tại nơi ông Vinh sinh sống, hình ảnh thể hiện có sử dụng “còng”- khóa số tám, để đưa ông Vinh ra xe, đến trụ sở cơ quan công an làm việc.
Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xác nhận với báo chí, đã nắm thông tin vụ việc ông Vinh có xích mích với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. “Ai đúng ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó theo đúng quy định và quan điểm của Thường trực HĐND TP là không bao che, dung túng cho sai phạm nếu có”, ông Trung nói.
Hiện tại, vụ việc đang được các lực lượng chức năng làm rõ và chưa có thông tin cụ thể nên khi có kết luận, báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhập.
Nại |
Phường Nại Hiên Đông thực hiện phong tỏa cứng để phòng chống dịch COVID-19 |
Tuy nhiên, những ngày qua, hình ảnh hình ảnh lực lượng chức năng phường sử dụng công cụ hỗ trợ (ở đây là “còng”- khóa số tám) với công dân được nhiều người quan tâm đặt câu hỏi, khi nào người thi hành công vụ được phép còng tay người khác?
Báo PLVN xin trích đăng ký kiến của Luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) để người dân được biết:
Liên quan đến biện pháp còng tay, hay còn gọi là sử dụng công cụ hỗ trợ (ở đây là “còng” - khóa số tám) để xử lý các vấn đề phát sinh, hiện nay đã có các quy định trong những trường hợp, điều kiện nào, cơ quan thi hành công vụ được sử dụng, nhằm tránh việc lạm dụng sử dụng biện pháp này khi không cần thiết.
Theo đó, theo Điều 61 Luật Quản lý, Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có quy định việc sử dụng công cụ hỗ trợ (trong đó có khóa số tám – “còng”) được sử dụng trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, trong trường hợp ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
Thứ hai, ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
Thứ ba, ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy;
Thứ tư, để phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, trong các trường hợp mà người thi hành nhiệm vụ bảo đảm anh ninh, trật tự được sử dụng súng quân dụng với những trường hợp cụ thể được nêu tại Điều 23 Luật Quản lý, Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, theo đó, việc sử dụng công cụ hỗ trợ, hay còng tay có thể được sử dụng khi người thi hành công vụ được phép nổ súng quân dụng, và kèm theo đó được sử dụng công cụ hỗ trợ (tùy từng trường hợp phù hợp có thể sử dụng thêm còng tay để xử lý):
(1) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
(2) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;
(3) Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;
(4) Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
(5) Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.
(6) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;
(7) Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
(8) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
(9) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;
(10) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
(11) Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Như vậy, chỉ trong những trường hợp nhất định, người thi hành công vụ mới được sử dụng công cụ hỗ trợ, trong đó có khóa số tám (còng tay).
Đồng thời, theo quy định tại Điều 61 và khoản 2 Điều 22 của Luật Quản lý, Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì khi sử dụng công cụ hỗ trợ như còng số tám cũng phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Một là, Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
Hai là, Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
Ba là, Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
Bốn là, Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
Như thế, việc sử dụng khóa số tám- còng tay trên thực tiễn cần thực hiện đúng với các quy định của pháp luật nêu trên.