Tìm lại “hương vị” gia đình
Ẩm thực Việt Nam luôn nổi bật với các món ăn đơn giản, được chế biến từ những nguyên liệu dễ dàng tìm thấy ngay tại vườn nhà hoặc ở khu chợ đầu ngõ. Vì vậy, khi đang còn sống trong vòng tay cha mẹ, ông bà, nhiều người lại vô tâm quên mất dư vị mộc mạc ấy. Để một ngày xa rồi mới nhớ mùi vị cơm nhà da diết.
Nguyễn Hà Dương (28 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đã từng có hai năm du học tại Anh quốc tâm sự, thời còn sống với bố mẹ, cô thường ít khi về nhà ăn cơm: “Cứ rảnh, tôi lại đi ăn pizza, KFC với bạn bè trong trường”. Nhưng đến khi sống ở nước ngoài, Dương chỉ thèm một bát cơm trắng, với món thịt luộc chấm mắm tôm chua ăn cùng vài gắp rau muống luộc, mà không kiếm đâu ra được. Từ đó, cô dần trân trọng những bữa cơm gia đình hơn. Hiện nay, dù công việc rất bận rộn, nhưng cô vẫn dậy từ 6h30 sáng để chuẩn bị cơm mỗi ngày. Dương chia sẻ: “Ba bữa cơm, đều do chính tay tôi chuẩn bị, phần lớn là các món ăn thuần Việt”.
Đã từng có thời, người trẻ cho rằng phải ăn đồ tây, ngồi nhà hàng, “order” đồ từ quán về nhà mới là “thời thượng”. Chỉ đến khi rời xa gia đình, thưởng thức đủ các món ăn trong hàng quán, họ mới nhận ra mùi vị ngon nhất vẫn là những bữa cơm giản dị tự chế biến tại nhà.
Phạm Phương Anh (21 tuổi, hiện sinh sống tại Hà Nội), quê ở Hòa Bình, cho biết nhiều khi cô nhớ món thịt nướng cuốn lá bưởi. Nhớ vị thịt được ướp mắm hành cuộn trong chiếc lá bưởi xanh. Ăn một miếng, vị mặn của thịt hòa với mùi thơm ngát của lá bưởi. Nhưng từ ngày lên Hà Nội, cô chưa bao giờ được ăn lại món đặc sản này của Hòa Bình. Phương Anh nói: “Hồi còn nhỏ, mẹ tôi thường hay làm món chả cuốn lá bưởi, thịt lợn muối chua, tôi ăn nhiều đến phát ngán. Toàn trốn về nhà, xin tiền đi ăn với bạn bè. Vậy mà giờ về quê lại mong được ngồi gần bếp lửa để ăn những miếng thịt nóng hổi đẫm mỡ”.
Phương Anh đã đi rất nhiều quán, tìm những món ăn của quê hương giống như mẹ đã làm, nhưng vẫn chẳng ưng ý. Cuối cùng, cô đành chuyển ra khỏi ký túc xá của trường để thuê một căn nhà có bếp riêng, tiện cho việc nấu ăn của mình: “Tuy chỉ sống một mình, nhưng ngồi ăn mâm cơm do bản thân làm ra vẫn cảm thấy ấm áp hơn ngồi ngoài quán ăn nhộn nhịp, xô bồ”.
Hoàng Ngọc Anh hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cũng tâm sự, gia đình cô ở quê không có điều kiện kinh tế. Mỗi sáng, thay vì được bố mẹ cho tiền giống bạn bè ăn bên ngoài, bố cô thường làm cơm rang với thức ăn còn thừa từ hôm trước. Bàn ăn bốn người chỉ có một tô cơm rang, bát cà muối và đĩa cá cơm. Cứ như vậy suốt mười hai năm đi học, cô chưa bao giờ bị đói.
Ngọc Anh chia sẻ: “Hồi ấy, tháng nào cũng cố bòn tiền để ăn một cái bánh mì hot dog bán trước cổng trường vào cuối tháng cho giống bạn bè”. Bây giờ, khi bố đã mất, hai chị em trong nhà đã làm ra tiền, nhưng chẳng còn bữa cơm nào ấm cúng như vậy nữa. Hũ cà pháo trắng cay cay, mặn mặn, trước đây vốn là niềm ác cảm đối với Ngọc Anh, nay lại trở thành nỗi nhớ: “Tôi nhớ hũ cà pháo của bố. Tôi đã tìm đến rất nhiều quán ăn dân dã, nhưng chẳng bao giờ đúng vị món ăn của bố ngày xưa”.
Bữa cơm gia đình vốn là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đó là khoảng thời gian để mọi người trong nhà xum vầy bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn nóng sốt, bình dị. Hiểu được xu thế đó, nhiều quán mang hương vị truyền thống, với các món ăn mộc mạc được mở ra, thu hút rất nhiều người trẻ đến ăn. Tuy nhiên, có một sự thực, cơm nhà không phải ngon nhờ những gia vị, nguyên liệu được nêm nếm công phu, mà bởi đó là “điểm tựa ấm áp”, gắn liền ký ức yên bình của mỗi người.
Học nấu những món ăn “thuần Việt”
Có thể nói ẩm thực Việt Nam từ xưa đến nay, luôn là sự cân bằng dinh dưỡng một cách tuyệt vời. Một bữa ăn đủ đầy dinh dưỡng và lành mạnh đối với các gia đình chính là có cả chất đạm và chất xơ, tinh bột và chất béo. Chẳng thế mà, mâm cơm nhà nào cũng thấy có món mặn, món xào, luộc và món canh. Cho nên, hiện nay, nhiều người trẻ đang theo đuổi lối sống lành mạnh bằng việc học làm những món ăn truyền thống Việt Nam.
Nhiều người trẻ học nấu món ăn Việt để có được lối sống lành mạnh. (Ảnh minh họa – nguồn: Internet) |
Nguyễn Ánh Nguyệt (29 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết, cô đang đăng ký theo học một khóa nấu ăn món Việt gồm những món đơn giản như thịt kho, canh mọc, nộm gà xé phay, hải sản,… Ánh Nguyệt chia sẻ lý do, vì cô muốn có lối sống lành mạnh, tích cực hơn. Nhưng khả năng nấu ăn của cô không tốt, nên quyết tâm theo học để có thể làm những bữa cơm dinh dưỡng nhất cho bản thân. Mỗi khóa như vậy sẽ học được khoảng 15 món khác nhau. Với chi phí gần ba triệu đồng, cô được học từ cách ướp thịt, nêm nếm gia vị, chọn nguyên liệu sao cho tươi ngon nhất.
Ẩm thực của người Việt “tôn thờ” gia vị nhưng không phụ thuộc, nghĩa là biết cách gia giảm, khi nào cần gia vị và món nào cần gia vị gì. Đặc biệt, phần lớn món ăn Việt Nam là món luộc, hấp, xào, nên lượng dầu mỡ rất ít, phù hợp với sức khỏe của mọi người. Cho nên, thức ăn không chỉ giữ được vị nguyên bản, mà nhìn chung còn ít calo, giàu chất xơ rất tốt cho cơ thể. Nhiều người trẻ đã “tận dụng” lợi ích đó, để dùng các bữa cơm truyền thống làm thực đơn chữa bệnh cho mình.
Phạm Thị Nhung - một cô gái 25 tuổi nhưng đã mắc các bệnh về đường tiêu hóa khoảng hai năm nay. Tất cả bởi thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên đặt đồ bên ngoài của Nhung. Quyết tâm thay đổi lối sống, cô thường lên mạng học những món ăn “thuần Việt”, ít dầu mỡ để điều chỉnh lại cơ thể.
Nhung chia sẻ, thực đơn của cô bây giờ chủ yếu là các món ăn Việt Nam đơn giản, một bữa ăn chỉ cần đĩa rau muống xào, canh bí đỏ, thịt hầm. Sau gần một năm tự nấu ăn hai bữa mỗi ngày, cân nặng của cô cũng giảm xuống 2kg. Nhung tự hào cho biết, năm nay, vào dịp Tết, cô đã có thể trổ tài nấu món thịt đông, thịt kho tàu để chiêu đãi mọi người trong gia đình. Cô nói: “Lần đầu tiên tôi biết thức ăn thực sự có công dụng tốt. Ví dụ món bí đỏ sẽ giúp người ăn đỡ đau đầu, món trứng ngải cứu dù là đồ rán nhưng rất bổ dưỡng”.
Học món ăn Việt có nhiều cách, có người lựa chọn mua các khóa học do đầu bếp mở ra để được hướng dẫn bài bản, kỹ lưỡng nhất. Nhưng có người lại học ngay từ chính các bà, các mẹ trong nhà. Đó là trường hợp của Trịnh Quốc Thắng, anh hiện tại đang chuẩn bị sang nước ngoài du học. Để có được những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và mang hương vị quê hương thân thuộc, Quốc Thắng đã vào bếp cùng mẹ để học những món đơn giản như làm nem, thịt kho tàu, thịt rang cháy cạnh, canh cá,… Anh cho biết: “Học nấu ăn, để sang nước ngoài, nếu có thèm cũng tự làm cho bản thân những bữa ăn chất lượng nhất”.
Nguyễn Khánh Chi (30 tuổi) cho biết, mặc dù chồng và con của cô đều rất thích đi ăn ở ngoài, nhưng cô vẫn chọn cách tự nấu ăn ở nhà. Phần lớn món ăn cô làm hiện nay, đều học từ mẹ, một người thành thạo nấu những đồ ăn của ba miền Bắc – Trung – Nam. Điều đặc biệt, Khánh Chi chỉ thực sự chú tâm việc học nấu các món ăn trước khi lấy chồng vài tháng.
Chia sẻ lý do, cô cho rằng, thực phẩm tự tay lựa chọn lúc nào cũng tươi ngon và đảm bảo an toàn nhất. Hơn cả, cô muốn các thành viên trong gia đình sẽ có ít nhất vài tiếng đồng hồ để cùng nhau trò chuyện, tâm sự sau một ngày vất vả: “Tôi muốn cả gia đình có bữa ăn lành mạnh và không gian riêng tư để chia sẻ với nhau”. Chính vì vậy, dù là một bà mẹ 9X, nhưng cô vẫn cố gắng có ít nhất năm buổi tối trong tuần cả gia đình sẽ ăn tại nhà.