Khi nhà giàu ’tháo chạy’ khỏi trường ’tây’

Trường Hanoi Academy (khu đô thị Ciputra) vừa thành lập tuyển được gần 600 học sinh. Nhưng khi các em vào học, phụ huynh "té ngửa", trường tiết kiệm tối đa cơ sở vật chất và chương trình dạy lúc nói của Anh, Úc, lúc bảo của Mỹ.

Những năm gần đây, nắm bắt tâm lý “sính ngoại” của không ít gia đình khá giả, các trường quốc tế mọc lên ồ ạt với những lời quảng cáo hấp dẫn. Nhưng không ít phụ huynh đã phải mang con mình “tháo chạy” khỏi các trường “tây” này.

Những cuộc “tháo chạy”

Để kịp thời thông tin đa chiều về các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ hôm nay, Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục “Pháp luật - Học đường” trên các số báo ra ngày Thứ tư hàng tuần.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội hiện nay, đặc biệt là các khu đô thị mới đang tồn tại khá nhiều trường “chất lượng cao”, trường “quốc tế” với những cái tên nước ngoài hấp dẫn. Tuy nhiên, phía sau "mê hồn trận" đó là một sự thật ngoài mong đợi.

Chị Thanh Trâm (ở quận Đống Đa) cho biết: “Trường công lập tuy gần nhà nhưng phụ huynh chúng tôi phải xếp hàng từ nửa đêm để mua đơn cho con, đến lúc vào học thì mỗi lớp sơ sơ khoảng hơn 50-70 cháu. Vì thế gia đình tôi quyết định xin cho con vào học Trường mẫu giáo Vietkids. Cứ tưởng con mình sẽ được hưởng điều kiện học tập tối ưu nhưng sĩ số ở lớp con tôi tăng dần từ 15 đến 20 rồi 30..., diện tích phòng học, phòng chơi chật hẹp, chất lượng bữa ăn co hẹp dần...”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Trần Thị Nga (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, con trai chị vào học lớp 1 Trường quốc tế VIP được hơn 1 tháng thì chị phải cho nghỉ để xin sang trường khác học vì “chất lượng của trường không như quảng cáo, cũng không tương xứng với tiền phụ huynh đóng góp”.

Và gần đây nhất, Trường quốc tế Hanoi Academy với cách quảng cáo rầm rộ, đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng lại đặt ở giữa khu đô thị Ciputra, ngay trong năm đầu tuyển sinh (2009-2010), trường này đã tuyển được gần 600 học sinh, cùng nhiều giáo viên giỏi.

Nhưng khi vào học, phụ huynh mới té ngửa, trường có cơ sở vật chất nhưng lại dùng tiết kiệm tối đa và thiếu bàn tay “nhạc trưởng”. Điều mà các phụ huynh bức xúc là nhà trường không giải thích được chương trình, lúc thì bảo của Anh, Úc, lúc thì bảo của Mỹ, mà chẳng nhìn thấy giấy trắng mực đen đâu cả.

Quyết định chuyển trường cho con chỉ sau 2 tháng, phụ huynh có tên H.M.D nói: “Điều mình băn khoăn là chương trình học ít yếu tố quốc tế quá. Chương trình tiếng Anh lại không có bản quyền, mà mình lại cần cho con học ở đâu có chương trình quốc tế để khi di cư sang nước ngoài con không bị bỡ ngỡ”.

Trên diễn đàn Web Trẻ thơ, một phụ huynh tâm sự: “Năm sau mà trường không ổn hơn thì mình lại “chạy chọt” một suất cho con về trường Việt rồi mình làm gia sư cho con thôi”. Một phụ huynh khác ngậm ngùi: “Tôi có hai con học ở đây, một bé lớp 1 và một bé lớp 3, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Quay về trường cũ thì không được, chuyển trường mới thì lại e “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Trong khi chờ đợi sự thay đổi của trường thì tôi đành phải cho hai cháu học thêm tuần hai buổi chương trình tiếng Việt và hai buổi tiếng Anh ở ngoài. Nếu hết học kỳ 1 mà trường vẫn như vậy thì cũng phải lo trường khác cho con thôi”.

Học phí ngất ngưởng vẫn... lạm thu?

Có một nghịch lý là tuy học phí ở các trường quốc tế luôn cao ngất nhưng vẫn còn tình trạng... lạm thu. Không ít phụ huynh của Trường quốc tế Kinder world thắc mắc: Từ nhiều năm nay, mỗi năm học sinh phải đóng 1.000USD cho quỹ phát triển của nhà trường.

Chưa hết, hàng năm, mỗi học sinh phải nộp khoảng 80USD tiền e-learning (học trực tuyến) cho bài học ở nhà, nhưng không hiệu quả. Còn trường quốc tế Hanoi Academy thì thậm chí phụ huynh còn phải đóng cả tiền  mua bản quyền chương trình quốc tế (?!).

Chị N.A, một phụ huynh vừa xin rút hồ sơ cho con khỏi Trường Hà Nội - Academy, bức xúc: “Cho con học các trường này, phần lớn phụ huynh đều xác định sẽ tốn kém. Nhưng điều nhiều người bức xúc, không chịu nổi là cách thu tiền không đúng với thỏa thuận, không giải thích và cũng không minh bạch”.

Trong các phiếu báo thu tiền do phụ huynh Trường Hà Nội - Academy cung cấp, tổng các khoản phải nộp đối với một phụ huynh mới đăng ký vào trường lên đến 5.000-6.000 USD tùy bậc học, bao gồm phí ghi danh, phí hồ sơ nhập học, phí xây dựng trường, đồng phục, học phí.

Tây hay ta?

Anh Phạm Hoài P. một phụ huynh có con học Trường SIS chia sẻ: “Sẽ là hết sức sai lầm nếu phụ huynh cho rằng, gửi con vào trường quốc tế ở Việt Nam thì con họ sẽ không bị áp lực học hành, vừa học vừa chơi...

Bởi theo cam kết khi mở trường thì những trường này vẫn phải đảm bảo dạy đúng, đủ theo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam quy định. Như vậy, để học cả chương trình “tây” thì khối lượng kiến thức mà học sinh ở những trường này phải nhận là gấp đôi nhưng thực tế thì quỹ thời gian chỉ bằng các trường Việt Nam nên học sinh không có nhiều thời gian để ôn luyện, trau dồi các kiến thức đã học, nhiều thứ phải học nên không đi sâu được cái gì”.

Theo ông Nguyễn Tiến Trường - Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), số trường quốc tế ở Hà Nội hiện nay (có 100% vốn đầu tư nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng chương trình của nước ngoài) chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là những trường của đại sứ quán một số nước thành lập để đáp ứng nhu cầu học tập của con em họ.

Những trường còn lại nói chính xác chỉ là những trường có yếu tố nước ngoài. Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ tiến hành thanh kiểm tra một số trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.

Một phụ huynh có con học ở trường Việt Úc đã 5 năm (2 năm mẫu giáo và 3 năm tiểu học) cho biết: “Tôi chọn trường quốc tế cho con theo học vì mong muốn con được giỏi tiếng Anh, được năng động hơn trong các họat động thể chất bên cạnh học văn hóa”. Tuy nhiên, theo phụ huynh này, tiếng Việt của cháu không thể bằng học sinh học trường Việt đã đành, nhưng khả năng nói, vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh của cháu cũng kém rất xa so với trình độ tiếng Anh cùng độ tuổi của trẻ con nước ngoài, do đó “đa số các bạn trong lớp con tôi vẫn phải theo học thêm tiếng Anh vào các ngày cuối tuần”.

Nhiều phụ huynh có xu hướng tân tiến, muốn cho con được học ở môi trường thoải mái, tự tin, tự lập... cũng phải khóc dở, mếu dở với chính sự tự tin thái quá của con mình khi con em họ có thể chạy nhảy, ngồi vắt vẻo lên bàn trong giờ học mà không bị phê bình. Và khi rời khỏi trường học những đứa trẻ “tây hóa” đó dễ bị đánh giá là thiếu lễ độ, ích kỷ, hay chành chọe, chỉ coi trọng vật chất...

Một giáo viên đang dạy ở một trường THPT quốc tế cho hay: Kỷ luật của nhà trường khá khắt khe nhưng chỉ đối với giáo viên, còn học sinh thì ngược lại. Học sinh có thể... xúc phạm giáo viên nhưng không dễ bị kỷ luật, nếu học sinh vi phạm thì thường giáo viên quản nhiệm sẽ là người bị kỷ luật. Khi nhắc nhở một học sinh, tôi đã bị dọa: “Con mà về mách ba mẹ là ngày mai cô mất việc ngay”?!

Giảm “sính ngoại”?

Có thể nói, đã có một xu hướng tìm trường chất lượng cho con thay vì chạy theo trường ngoại. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu cho rằng, nhiều người vẫn nhầm lẫn cho rằng mô hình trường chất lượng cao phải là những trường quốc tế, có yếu tố nước ngoài.

Thực chất, để khẳng định chất lượng giáo dục và gây dựng “thương hiệu”, nhiều trường tư thục của Hà Nội không gắn mác chất lượng cao hay trường quốc tế vẫn có thể cung cấp dịch vụ, trình độ chất lượng cao, có thể học các môn văn hóa bằng tiếng Anh nhưng vẫn là chương trình của người Việt, học văn hóa Việt.

Đầu năm học này, trong số 14 trường THPT ở Hà Nội bị “treo” chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, có cả hai trường quốc tế. Đó là Trường phổ thông quốc tế Phú Châu chưa được phép tuyển sinh vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu thiết bị dạy học và các bộ môn. Hay cơ cấu tổ chức bộ máy của chi nhánh Trường quốc tế Horizon vẫn chưa được thành phố công nhận khiến chỉ tiêu tuyển sinh vẫn bị “treo”.

Cô giáo Bùi Thị Hải - Hiệu trưởng trường M.N.B Hà Nội cho biết: Nhiều trường hợp có con học trường quốc tế, trường mang tên nước ngoài nhưng sau đó đã xin về học ở trường tôi. Nguyên nhân không chỉ bởi học phí cao trong khi chất lượng chưa tương xứng mà bởi phụ huynh chưa yên tâm và đặt niềm tin vào trường khi gửi con.

Song, hiện nay trong giai đoạn “chạng vạng” khi mà hệ thống văn bản pháp luật chưa thống nhất, Hà Nội vẫn chưa xây dựng được tiêu chí thế nào là cơ sở giáo dục chất lượng cao. Một số trường hiện mới đang chỉ dừng ở dạng cung ứng chất lượng cao trong điều kiện, khả năng nhà trường hiện có. Nhưng không thể phủ nhận các mô hình này đang phát huy tính tích cực trong xu thế hiện nay.

Và trong khi chờ đợi việc xây dựng những tiêu chí cụ thể thì ngành giáo dục cũng cần rà soát lại những trường mang danh “quốc tế” để có sự chấn chỉnh kịp thời những trường thu tiền “tây” mà chất lượng đào tạo chẳng bằng “ta”, nhằm nhanh chóng thiết lập lại kỷ cương trong hệ thống các trường quốc tế, các trường ngoài công lập.

Uyên Na

Đọc thêm