Những thông tin về quy hoạch Thủ đô đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản Hà Nội, khiến giá nhà đất tại các khu vực ven đô sốt lên trông thấy. Đến cả nông dân cũng bỏ bê đồng ruộng lên “sàn” giao dịch bất động sản.
Những thông tin về quy hoạch Thủ đô đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản Hà Nội, khiến giá nhà đất tại các khu vực ven đô sốt lên trông thấy. Đến cả nông dân cũng bỏ bê đồng ruộng lên “sàn” giao dịch bất động sản.
Một người dân đang nói về những mảnh đất được rao bán. . Ảnh: Minh Đức |
Xe máy tay ga lượn lờ ngõ xóm
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ sở hữu văn phòng giao dịch bất động sản ở thị trấn Trôi (Hà Nội) nói, trước đây tôi chỉ làm ruộng, tuy nhiên mấy lần đi làm đồng về, có người hỏi mua đất, tôi chỉ địa điểm, họ chi hoa hồng, thấy việc làm nhàn hạ mà lại kiếm được tiền, nên quyết định mở văn phòng. Một số người có chút tiền hoặc cầm cố sổ đỏ cũng nhờ tôi bán mảnh này mảnh kia, giá đất lên người ta cũng có lời. Tôi làm trung gian cũng chỉ giới thiệu cho khách về vị trí, diện tích, còn thủ tục họ tự giao dịch với nhau. Anh Tuấn tâm sự, đất đai bây giờ người ta mua bán loạn xạ, dính vào giấy tờ thủ tục rắc rối lắm. Có mảnh đất một ngày qua tay bốn, năm người, mà chỉ là viết tay cho nhau, không ít vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra... Ông Hoàng Trung Tuyên, Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Xanh, phân tích: Hiện nay thị trường bất động sản xuất hiện 3 nhóm, đó là nhóm đầu cơ, người dân và bảo kê. Nhóm dân thì thường quan tâm các mảnh đất có diện tích từ 1.000 đến 2.000 m2 trở lại và buôn bán theo trào lưu. Đa phần người dân thường mua đi bán lại để kiếm lời, họ lao vào giao dịch bất động sản, chính lúc này cũng là lúc xuất hiện đội ngũ bảo kê. Đội ngũ bảo kê có nhiệm vụ canh cổng, không cho người lạ mặt vào giao dịch trong khu vực và chỉ để người dân trong khu vực tự buôn bán với nhau. Người ngoài muốn vào khu vực đó giao dịch phải thông qua một kênh khác... Ông Tuyên cho biết: Giới bảo kê tung tiền ra đặt cọc, mỗi lô 10 triệu, 20 triệu đồng và bắt đầu kế hoạch thổi giá, khi giá đạt tới mức nhất định, giới bảo kê bắt đầu thả câu cho bên ngoài vào nhằm tạo thêm luồng thông tin khách quan.Mua lại đất của mình Điều đáng nói là khi người dân thấy giá đất tăng cao, xót xa tiếc rẻ nên họ muốn mua lại chính mảnh đất của mình vừa bán, lúc này giới bảo kê quay sang “nhả” dần, và người dân thi nhau “ôm” lại đất khiến giới bảo kê kiếm được một khoản lời khổng lồ và họ rút khỏi cuộc chơi. “Vấn đề là người nông dân sau khi bán đất, có được khoản tiền lớn thì thường tiêu xài, mua sắm thả phanh. Khi thấy giá đất ngày càng tăng, họ tiếc và muốn mua lại, nhưng khổ nỗi, số tiền bán đất đã tiêu hết hoặc giá đất đã tăng quá cao, khiến nhiều người phải đi thế chấp sổ đỏ hoặc vay nặng lãi để mua lại đúng mảnh đất mình đã trót bán với giá rẻ”, ông Tuyên nói. Chưa thấy lợi ích từ việc giá đất tăng thì đã mất hàng trăm triệu đồng để bù vào khoản bán đi mua lại. Giờ đây, không ít người mua lại được đất của mình nhưng lại phải ôm thêm một khoản vay nặng lãi, suốt ngày phải săn đón khách hoặc chạy đôn chạy đáo tới các trung tâm giao dịch nhà đất để tìm người mua với giá cao mà bỏ quên việc đồng áng. Điều đáng nói là hiện nay chỉ còn lại người dân buôn đi bán lại với nhau và trở thành trào lưu, khiến những người nông dân suốt ngày cặm cụi với đồng ruộng, thì nay xe máy tay ga lượn lờ khắp ngõ ngách vay tiền chỗ này, đặt cọc chỗ kia, lai rai cà phê, thuốc lá phì phèo. Bán cả đất nông trường Anh Nguyễn Trung Kiên, một người dân ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội) rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười, bởi khi đất vừa tăng giá, anh bán đi một nửa diện tích đất, toàn bộ giấy tờ nhà đất anh đưa cho người mua để họ làm thủ tục. Anh lấy tiền đó mua mấy con bò về nuôi. Khi thấy giá đất tăng cao gấp 3-4 lần, anh muốn mua lại chính miếng đất đã bán trước đó với giá rẻ, nhưng do không có giấy tờ thế chấp ngân hàng, anh đành vay nặng lãi tính theo ngày.
"Quá trình đô thị hóa quá nhanh, cả chính quyền và người dân đều không có sự chuẩn bị kỹ từ việc thay đổi nếp sống văn hóa đến các sinh hoạt thường ngày, kéo theo những hậu quả không hay về mặt xã hội. Sự phát triển ồ ạt các khu đô thị ven đô không có sự quy hoạch rõ ràng, chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng triệu người dân mất đất, họ sẽ đổ xô vào trung tâm thành phố để tìm việc. Thanh niên không có việc làm, có tiền là tiêu xài, không biết đầu tư cho phát triển bền vững, đào tạo ngành nghề mới, phát triển những hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ dễ xảy ra các tệ nạn xã hội." - Tiến sĩ Vũ Xuân Mai, Viện Xã hội học |
Giờ đây ngày nào anh Kiên cũng bám theo các trung tâm giao dịch để bán tiếp mảnh đất của mình để kiếm lời. Tuy nhiên, người mua bắt đầu lo ngại về nguồn gốc đất đai, các giao dịch hầu như dựa vào mảnh giấy viết tay. Khi chúng tôi đóng vai những người đi mua đất, một người dân ở xã Yên Bài liền chỉ chỗ này chỗ kia, thậm chí còn chỉ cả một cánh đồng rộng hàng trăm héc ta đang trồng ngô sắn và nói rằng sẵn sàng bán một mảnh ở đây nhưng chỉ viết giấy trao tay.
Tại một mảnh đất cách đó không xa, người chủ nhà tên V. tiếp chuyện chúng tôi: “Đất này của nông trường (Nông trường Bò và Đồng cỏ Ba Vì) chia cho chúng tôi. Giờ đang túng thiếu nên cần bán, nhà có 36m dài ven mặt đường, sâu hơn 40m, đúng giá 2 tỷ”.
Hỏi kỹ, mới hay chủ nhà không có giấy tờ đất, bởi đã đem thế chấp ngân hàng mua hai con bò sữa. Bà V. giải thích: “Thuận mua vừa bán là xong, giấy tờ không lo. Chỉ cần tôi lên nông trường thỏa thuận sang tên đổi chủ là xong”.
Khi chúng tôi tới Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, một cán bộ nói: Đất ở đây là đất cho người dân mượn, vì thế không có chuyện mua bán. Gần đây rất đông người đổ xô về mua đất, chúng tôi đã dừng việc xác nhận đất cho người dân, còn việc họ mua bán viết tay với nhau thì chịu.
Bà Nguyễn Thị Liên, nhà ở Nông trường Bò và Đồng cỏ Ba Vì cho biết, nhà tôi có vài nghìn mét vuông đất, nhưng chưa bán một mét nào, vị trí lại đẹp khiến nhiều khách qua lại đều dừng chân hỏi thăm. Bà Liên khoe: “Tôi có chút tiền tích cóp và mua được một mảnh nhỏ của hàng xóm rồi bán sang tay cho người khác. Lúc mua chỉ bỏ ra có 300 triệu đồng, vừa qua bán được gần 2 tỷ đồng”.
Khoản lợi nhuận khủng khiếp này biến bà Liên từ một nông dân thuần túy trở thành một “cò” đất chính hiệu. Bà Liên cho biết, từ hơn một tháng nay, mỗi ngày bà phải tiếp tới cả chục vị khách đi xem, mua đất. Nhờ khoản tiền hoa hồng từ những vị khách đến mua đất mà nhà bà bỗng chốc trở nên khấm khá hơn, mua được xe ô tô và đang xây một ngôi biệt thự lớn.
Không riêng anh Kiên, bà Liên mà hiện nay có nhiều nông dân xã Yên Bài, Tản Lĩnh (Ba Vì) cũng lao vào mua bán đất, cùng lên “sàn” và không ít người đã huy động hết mọi nguồn lực, thậm chí phải bán đến con bò cuối cùng để mua lại mảnh đất mình đã lỡ bán.
Sốt đất ở phía Tây Hà Nội:
Làm trò đẩy giá
Ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thành viên đoàn liên ngành kiểm tra tình hình bất động sản để báo cáo Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng, cho phóng viên biết: Sau hai ngày đi kiểm tra 5 huyện của Hà Nội là Thường Tín, Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai và Mê Linh, đoàn đã có những nhận định khái quát về thị trường bất động sản khu vực này.
Sau khi diễn ra triển lãm đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (tổ chức cuối tháng 4, đầu tháng 5-2010), trong đó có đề cập về trục Thăng Long và trung tâm hành chính quốc gia mới sẽ chuyển lên Ba Vì, giá đất ở các khu vực xung quanh, nhất là ở dọc đường Láng - Hòa Lạc và huyện Ba Vì, đã tăng đáng kể, có nơi tăng gấp rưỡi so với một năm trước.
Căn cứ vào hợp đồng sang tên đổi chủ ở Phòng Tài nguyên - Môi trường các huyện trên, đồng thời tìm hiểu thêm thực tế một số hộ dân đã chuyển nhượng, đoàn nhận định: Tuy lượng người đến tìm hiểu thông tin đất đai nhiều nhưng lượng giao dịch thành công lại không nhiều như một số tin đồn. Đối với đất nông nghiệp, giao dịch cũng chưa nhiều, do người dân đã có hiểu biết về pháp luật nên không dám mua bán trao tay như trước.
Cũng theo đoàn liên ngành, có tình trạng làm giá, khiến đất ở nhiều nơi sốt ảo. Nguyên nhân của tình trạng làm giá là do một số người đầu cơ mua đất trước đó, nay tạo ra sự khan hiếm giả và tung thông tin không chuẩn để đẩy giá cao, bán kiếm lời. Thậm chí, có hiện tượng nhiều người dân chân lấm tay bùn ở đây nay do giá đất lên, trở thành cò đất và cấu kết với nhau, làm trò, đẩy giá đất lên cao cho giới đầu cơ hưởng lợi để kiếm hoa hồng.