“Chị có thấy lũ giặc đem xe đến cày ủi xóm làng, ruộng vườn, đốt phá nhà cửa, bắn giết bà già, trẻ em một cách tàn nhẫn không, vì thế em phải chiến đấu chị à. Dù phải hy sinh chăng nữa, chị cũng tự hào vì đã có đứa em dũng cảm”, người thiếu nữ 16 tuổi tâm sự với chị ruột trước hôm lên đường làm giao liên phục vụ kháng chiến.
|
Chị Mai Thị Sáu nhớ lại những khoảnh khắc bên đồng đội và người thân. |
Cô thiếu nữ Mai Thị Sáu năm xưa giờ vừa đúng 60 tuổi, một mình sống trong căn nhà quạnh vắng, không chồng, không con, cơ thể lúc nào cũng nhức nhối vì bao vết thương hằn sâu trong da thịt. Nhớ về quá khứ hào hùng, oanh liệt năm xưa, chị Sáu không kìm được xúc động. Câu chuyện về cuộc đời chị cứ bị ngắt quãng giữa chừng bởi những cơn đau đầu do hai mảnh đạn còn nằm nguyên trong đầu chị...
Tuổi thanh xuân gan dạ
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng đất Hòa Long (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), chị Mai Thị Sáu đã sớm vất vả theo cha cả ngày cả đêm, dầm mình trong nắng gắt, trong mưa lạnh bắt cá, mò ốc nuôi gia đình. Nhà không có lấy mảnh đất cắm dùi, cuộc sống chỉ trông chờ vào những chuyến giăng câu, thả lưới của người cha kham khổ. Cái nghèo, cái đói lúc đó vẫn chưa phải đáng sợ so với cảnh Mỹ, ngụy giày xéo xóm làng, đốt phá, giết người, cướp bóc mà đứa trẻ mới lên 10 chứng kiến. 14 tuổi, cô bé Mai Thị Sáu đã xung phong, xin các chú, các bác cho đi canh gác, làm giao liên giúp cán bộ cách mạng. Trong suy nghĩ của Sáu lúc đó, chỉ mong sao góp công giúp các chú bộ đội, các anh du kích đánh đuổi Mỹ, ngụy ra khỏi mảnh đất quê hương mình.
Vậy là, cuộc đời làm cách mạng đến với chị Sáu khi tuổi tròn 14, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cái tuổi mà đáng lý vẫn nằm trong vòng tay che chở của cha, của mẹ. Chị Sáu nhớ lại: “Có bữa tôi đang ở trên cồn cát thì có người báo Mỹ vô làng. Nghe vậy tôi đứng nhìn hoài nhưng không thấy, đành đi xuống dưới xóm xem sao. Vừa xuống tới, tự dưng bắt gặp mấy thằng Mỹ, lúc đó không biết làm sao nữa nên tôi vừa đi vừa la làng “Bà hai ơi, bà hai ơi, bò ăn hết lúa rồi, chạy mau đánh bò”. Tôi la to lên để báo động cho anh em du kích chạy trốn, nhờ vậy mà không ai làm sao hết”.
14 tuổi chị Sáu bị địch bắt, chúng đánh chị gãy tay và nhốt tù chung với anh em cán bộ cách mạng. Một đứa trẻ mới lớn nhưng đã sớm nếm trải những cực hình tàn bạo, dã man của kẻ thù. Sau lần ở tù này, chị được trả tự do nhưng trở về quê nhà, lại chứng kiến bao cảnh tang thương, mất mát, chị quyết tâm thoát ly theo kháng chiến khi vừa tròn 16.
Cô gái Mai Thị Sáu gia nhập Đội tiền phương Khu 3 Hòa Vang và không quản ngại hiểm nguy, gian khó, vừa tải đạn, khiêng thương binh, vừa làm giao liên cho kháng chiến. Mảnh đất Điện Bàn, Hòa Vang năm xưa là nơi giặc càn quét, đạn bom ác liệt nhưng vẫn không thể nào ngăn được bước chân của người thiếu nữ nhỏ bé ấy. Chị Sáu cười: “Lúc đó tôi tính trẻ con nhưng rất lanh lẹ, nhanh nhẹn và tháo vát, biết việc là xông vô làm liền chứ không chờ nhờ vả, cũng vì rứa mà tổ chức chọn tôi làm giao liên cho tỉnh Quảng Đà”.
Đối mặt kẻ thù không sợ hãi
Xuôi theo dòng hoài niệm của chị Sáu, có nhiều kỷ niệm mà cả đời không bao giờ chị quên được. Đó là những lần mặt đối mặt với kẻ thù để giành mạng sống cho đồng đội, cho những cán bộ kháng chiến.
Năm 1969, cô bé giao liên Mai Thị Sáu nhận nhiệm vụ dẫn một đoàn cán bộ 20 người ở vùng 5 Hòa Hải xuống vùng 7 (cồn Bồi Quy). Con đường đi lại ở vùng đồng bằng quanh co, không có dân cư sinh sống, hiểm nguy khó lượng trước, trong khi đó, địch thường xuyên đi càn, bắn giết tại chỗ nếu phát hiện đối tượng tình nghi. Để giữ an toàn cho đoàn khách, Sáu đi trước đoàn gần 5m, thế nhưng bất ngờ chị gặp một toán lính Mỹ đang đi tuần.
Chị Sáu kể lại: “Lúc đó tôi nghĩ bụng, nếu chạy thì Mỹ bắn mình chết liền, loạt đạn đầu không trúng thì loạt sau cũng sẽ chết, mà một tên bắn trượt thì cả đội nó cũng sẽ bắn tiếp, kiểu chi cũng chết, rồi cả đoàn khách sẽ gặp nguy hiểm. Không kịp nghĩ nhiều, tôi đứng im tại chỗ, hơi xoay người một chút thì thằng Mỹ phát hiện, bắn một loạt đạn nhưng không trúng nên tôi chạy thẳng tới chỗ bọn nó, nếu chạy lui cũng chết thà chạy tới cho nó bắt còn hơn”. Loạt đạn bắn trượt đó là dấu hiệu báo động khẩn cấp giúp cho đoàn cán bộ kịp thời ẩn nấp và rút chạy an toàn. Địch bắt được chị, đánh đập dã man rồi lại đưa vào tù.
Kỷ niệm đau thương khiến chị Sáu nghẹn ngào khi nhắc đến chính là khoảnh khắc hy sinh của người đồng đội nữ cùng trạm giao liên tên Chín. Năm 1970, Mỹ-ngụy điên cuồng bắt bớ, giết chóc, tra tấn, thẳng tay bắn chết những ai nghi là Việt cộng, là du kích. Một lần chị Sáu chống ghe, cùng với 4 nữ giao liên đi chuyển thư xuôi theo sông Thu Bồn, ngang qua đồn địch thì bị bắn xối xả, chị Chín ngồi trước mũi ghe ngã gục ngay tại chỗ. Trước tình hình nguy cấp, chị Sáu hô “xuống ghe” và những người còn lại nhảy xuống nước, kéo ghe vào bờ. Ngay tức khắc, chị Sáu vào khu nhà dân tìm những thanh niên “biết nói tiếng Mỹ” dẫn đến đồn Mỹ đấu tranh đòi chúng phải cứu chữa cho đồng đội.
“Tôi vừa khóc vừa la làng lên rằng mẹ tôi chết, cha tôi đi bước nữa bỏ chị em tôi mồ côi, đói khát phải đi bắt cá để ăn, ai ngờ Mỹ bắn em tôi, giờ phải cứu chữa chứ cha tôi bỏ chị em tôi chừ không có ai lo”. Cứ thế, chị Sáu la làng la xóm trước đồn Mỹ, nhất quyết đấu tranh đòi chúng cứu chữa cho chị Chín. Trước sự kiên trì của chị, bọn Mỹ đành phải gọi máy bay trực thăng đến đưa chị Chín và chị Sáu ra sân bay Nước Mặn - Đà Nẵng để cấp cứu. Nhất cử nhất động của kẻ thù, chị Sáu đều quan sát rất kỹ, sợ rằng bọn Mỹ sẽ giết chị Chín nên chị cứ giữ điệp khúc của những đứa trẻ mồ côi mẹ hòng đánh tan nghi ngờ của địch và nhóm lên chút thương xót của bác sĩ mong giành lại mạng sống cho người nữ giao liên kia.
Thế nhưng, chỉ 2 giờ sau khi cấp cứu, chị Chín trút hơi thở cuối cùng và chị Sáu khi ấy tiếp tục kêu gào, la hét, yêu cầu được đưa xác đồng đội về với gia đình. Kẻ thù không ngờ rằng, chị Sáu đang khóc thương cho đồng đội chứ không phải người thân ruột thịt, “tôi gào khóc, lăn ra vật vã như là em tôi thiệt để tụi nó không nghi ngờ mà trả xác về quê chôn cất”. Tôi hỏi chị lúc đó không sợ địch thủ tiêu luôn cả hai sao? Chị Sáu cười buồn: “Mình cũng chẳng nghĩ tới chuyện đó, chỉ lo cho Chín thôi. Tôi sợ chúng phi tang xác chị Chín nên nhất quyết đòi cho mang về quê”. Nhờ lanh trí, chị Sáu đã xin được giấy xác nhận của địch, về tận Hòa Quý tìm cha chị Chín để mang thi thể đi chôn cất.
Bao nhiêu kỷ niệm những ngày tham gia kháng chiến cứ ùa về, hễ nhắc đến sự hy sinh của đồng đội, đến những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chị Sáu lại nhắm mắt, gương mặt hết sức căng thẳng, mệt mỏi. Cho đến tận bây giờ, chị vẫn thương xót, nhớ nhung những người đồng đội đã hy sinh và ký ức về một thời máu lửa cứ theo chị vào trong cả giấc mơ hằng đêm...
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh