Ví dụ gần đây nhất, nhiều hộ dân làm du lịch ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) và du khách phản ánh bức xúc trước hành vi tự đặt biển quảng cáo, tự dựng quầy bán vé “du lịch Cồn Sơn”, rồi chèo kéo, nài ép khách mua vé của một đơn vị có tên Công ty Đẳng cấp Mekong đã kéo dài nhiều tháng qua. Đáng nói, vé được quảng cáo là bao gồm đầy đủ tham quan, trải nghiệm mọi dịch vụ.
Song khi khách đến nhà vườn mới “tá hỏa” là Công ty này chưa hề liên kết kinh doanh với những chủ vườn ở đây. Chưa nói đến có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật để bán tour “dỏm” cho khách, hành động tự ý đặt nhiều biển quảng cáo mà chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng, đã làm xấu mỹ quan công cộng và gây ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Cồn Sơn nói chung và những người làm du lịch nơi đây nói riêng.
Hoạt động quảng cáo tự phát bằng nhiều hình thức ở các khu du lịch tạo nên một bức tranh du lịch lộn xộn, mất trật tự, là một vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận bao lâu nay nhưng dường như vẫn chưa có một “liều thuốc đặc trị” để chấm dứt những hành vi trên. Ngay tại Hà Nội, dọc các con đường chính, có thể thấy đâu đâu cũng bắt gặp những tấm biển quảng cáo lớn nhỏ, với đủ mọi nội dung chào bán, trên đường cũng như trong khu dân cư đông đúc. Song, hiếm có cá nhân, tổ chức nào ý thức được việc đặt biển hiệu quảng cáo, băng-rôn đều phải tuân thủ pháp luật, được quy định trong Luật Quảng cáo 2012 về số lượng, vị trí, nội dung, kích thước, thời hạn..., chứ không phải ai cứ thích thì làm.
Đồng thời, các hành vi quảng cáo rao vặt bằng hình thức đứng ngay các giao lộ đông đúc để phát tờ rơi, vừa gây mất vệ sinh công cộng vừa làm phiền tới người đi đường lại có chiều hướng ngày càng gia tăng. Mặt khác, hình thức quảng cáo bằng áp phích tại các gốc cây, cột điện, hầm cầu, bờ tường… gây mất thẩm mỹ phố phường cũng phổ biến, nhưng lại rất khó khắc phục bởi tính chất lẻ tẻ, tự phát và mức độ vi phạm không quá nghiêm trọng.
Một hình thức quảng cáo khác cũng được ưa chuộng không kém, đó là quảng cáo bằng loa phóng thanh công suất lớn; cá biệt, một số chỗ còn kết hợp chiếu đèn cao áp, tia la-de vào mặt người đi đường để thu hút sự chú ý. Đơn cử, tại Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu (TP Hội An) có tình trạng nhiều hộ dân mở nhạc ồn ào, xập xình với âm lượng lớn khiến du khách, người đi đường, người dân xung quanh bị “bội thực” bởi đủ loại thanh âm hỗn tạp. Mặt khác, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách nước ngoài, một số hộ dân cung cấp dịch vụ ca nhạc nhảy múa ngay trên thuyền gắn với biểu diễn lắc thuyền thúng. Thay vì hình ảnh du lịch văn minh tham quan rừng núi, khám phá sắc điệu dân tộc, rừng dừa bỗng dưng trở nên “lạ lẫm” với tiếng nhạc “vinahouse” ầm ĩ như trong các vũ trường, quán bar.
Ngoài ra, một hình thức “tiếp thị” khác thường xuyên được sử dụng, dù đã phản ánh nhiều mà vẫn không giảm là hiện tượng “cò mồi”, đeo bám, chèo kéo, nài ép du khách. Nhiều người dân vẫn tin rằng hình thức quảng cáo này có thể đem tới nguồn lợi trước mắt, trực tiếp, có hiệu quả ngay lập tức; song e rằng hình thức tiếp thị “chụp giật” như trên sẽ không đem đến hiệu quả lâu dài, khiến du khách ngày càng cảnh giác, đề phòng, thậm chí là “tẩy chay” những điểm du lịch lộn xộn, thiếu văn minh.
Xây dựng một môi trường văn minh, con người thân thiện là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Song, chỉ từ một góc độ là quảng cáo, tiếp thị bằng âm thanh, hình ảnh; những bất cập nêu trên đã cho thấy nhiều vướng mắc trên thực tế trong việc định hướng người dân, tổ chức khi làm du lịch sao cho đồng bộ, hiệu quả, văn minh; đồng thời cũng cho thấy công tác xử lý, khắc phục vi phạm vẫn còn nhiều lúng túng.